Doanh nghiệp Việt: Chớp thời cơ để lớn mạnh

Duy Khang (thực hiện) 13/12/2015 09:05

Doanh nghiệp Việt có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay không? khi mà hội nhập kinh tế đã và đang đi vào chiều sâu. Theo GS.TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, chúng ta sẽ làm được. Vấn đề là phải biết chớp thời cơ để nhanh chóng lớn mạnh lên.    

Chế biến, xuất khẩu thủy sản là thế mạnh của doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn của nước ngoài, hay nói khác đi, các DN Việt có thể bước vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay không? Đã đến lúc câu hỏi này cần được khẳng định một cách chắc chắn: Nhất định làm được! GS.TSKH Nguyễn Mại- Chủ tịch Hiệp hội các DN đầu tư nước ngoài nhấn mạnh khi trao đổi với Đại Đoàn Kết về những cơ hội mà DN Việt có thể chớp lấy khi bước vào sân chơi toàn cầu.

Mở đầu câu chuyện, GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, với việc môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều DN tăng vốn và doanh thu, đơn cử như Samsung tăng từ 6 tỷ lên 10 tỷ USD. Số công nhân tăng lên 10 ngàn người. Intel vào Việt Nam từ 2006 và đến nay Tập đoàn này đã cung ứng 80% chip điện tử cho toàn cầu.

Nói như vậy để thấy rằng, sự có mặt của các tập đoàn nước ngoài lớn đang tạo thêm nhiều cơ hội cho các DN Việt Nam bước chân vào chuỗi sản xuất của họ. Chúng ta đã làm được xe máy, và ô tô hiện cũng đã làm một phần. Dệt may, da giày là những ngành chúng ta đang chiếm nhiều ưu thế.

Đặc biệt, 2015 là năm chúng ta có thời cơ rất lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở những sản phẩm công nghệ cao. Bởi, sự thâm nhập của các công ty nước ngoài vào trong nước cho thấy, họ đã nhìn thấy những cơ hội lớn từ nguồn nhân lực của chúng ta. Và đây là cơ hội để chúng ta có thể tiếp cận được với những sản phẩm như vậy.

Tôi không tán thành ý kiến của nhiều người cho rằng hiện nay, chúng ta chỉ có lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ. Đã qua thời đó rồi. Nên ai có suy nghĩ rằng Việt Nam lợi thế nhân công giá rẻ thì thời điểm này hãy thay đổi đi.

“Tôi chỉ lấy ví dụ thế này, Samsung hiện có 110 ngàn nhân công, tôi hỏi họ vì sao họ vào Việt Nam và đặt hai nhà máy lớn nhất ở Việt Nam (tại tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên) thì họ trả lời rằng: Năng suất lao động của người Việt Nam bằng 80% năng suất lao động của người Hàn Quốc.

Họ nói với tôi, các kỹ sư Việt Nam làm công nghệ phần mềm, chỉ cần 1 năm thì những người khá sẽ có thể đáp ứng được mọi yêu cầu của họ. Hiện nay Samsung đang rất lo những kỹ sư đã thành danh rồi sẽ rời bỏ Samsung đi làm nơi khác với mức lương cao hơn. Nói như vậy để thấy, chúng ta có nguồn nhân lực tốt, và chúng ta phải tranh thủ cơ hội này để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu không tranh thủ được, chúng ta sẽ mất thêm nhiều năm nữa mới có thể đuổi kịp các nước ASEAN”- GS Nguyễn Mại nói.

PV:Ông rất tin tưởng và kỳ vọng vào các DN hỗ trợ của Việt Nam, nhưng thực tế, nhiều DN cho biết, họ khó đáp ứng được các tiêu chuẩn với các DN nước ngoài cả về công nghệ lẫn quy mô vốn?

GS.TSKH Nguyễn Mại.

GS.TSKH Nguyễn Mại: Tôi cho rằng, điều rất cần ở mỗi DN hiện nay chính là lòng tin. Tôi được biết vừa rồi có hai cuộc tiếp xúc, một cuộc tiếp xúc của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với hơn 50 DN khởi nghiệp và một cuộc tiếp xúc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các DN trẻ. Hai cuộc tiếp xúc ấy đều đi đến một kết luận rằng, tiềm năng của các DN chúng ta là rất lớn.

Năm 2014 vừa rồi, Việt Nam được thế giới đánh giá là một trong những nước đổi mới và sáng tạo. Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể có đủ năng lực để bước vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Điều quan trọng là các DN của chúng ta có đủ tự tin hay không? Việc chúng ta tự tin vào bản thân đã có thể dẫn đến sự thành công nhất còn việc chúng ta có làm được hay không, tôi cho đó không phải là điều quan trọng.

Rất nhiều trường hợp DN đã thất bại đến 2, 3 lần nhưng cái đích cuối cùng họ vẫn đạt được. Tôi đơn cử trường hợp một DN Nhật Bản đã phải thực hiện đến lần thứ 3 mới được đối tác chấp nhận sản phẩm theo hợp đồng của họ. Và đó không phải là trường hợp duy nhất minh chứng cho sự thành công khi chúng ta nỗ lực và tự tin. Bởi vậy, DN của chúng ta đừng ngại khó khăn khi chúng ta chưa làm thử.

Phải thử mới biết mình có làm được hay không. Tôi vẫn nói người Hàn Quốc sang Việt Nam nhưng những vị trí quan trọng tại các xưởng sản xuất, nhà máy của họ lại không phải là người Hàn Quốc, mà chính là người Việt Nam mình. Từ đốc công, xưởng trưởng đều là người Việt Nam. Như vậy rõ ràng, chúng ta hoàn toàn có năng lực để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Giới chuyên gia đánh giá, trong 5 năm sắp tới, từ hơn 600 ngàn DN trong cộng đồng DN vừa và nhỏ hiện nay, mỗi năm Việt Nam phải có thểm khoảng 100 ngàn DN mới thành lập để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN tư nhân. Số DN tư nhân này chính là động lực tăng trưởng quan trọng với phần lớn là DN vừa và nhỏ nhưng với quy mô lớn hơn nhiều lần so với hiện nay, trong đó phải có hàng trăm tập đoàn kinh tế tư nhân có vốn chủ sở hữu ngày càng lớn đủ sức làm chủ thị trường trong nước và cạnh tranh bình đẳng với các DN trong cộng đồng kinh tế ASEAN và trên thế giới.

Việt Nam đã hội nhập rất sâu. Hàng loạt các hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đặc biệt, Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đã hoàn tất đàm phán. Cơ hội cho DN Việt Nam, đặc biệt là cộng đồng DN vừa và nhỏ là rất lớn. Song thách thức cũng không nhỏ. Ông có thể nói rõ hơn, để các có thể đứng vững ở sân chơi này, các DN của chúng ta phải chuẩn bị những gì?

- Chúng ta không nên e ngại, mà phải bắt đầu học kinh nghiệm ở nhiều quốc gia. Tôi lấy ví dụ, tại Singapore hiện nay, có tới 75% DN là là có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). GDP của Singapore tính theo đầu người cao hơn Mỹ khi ở mức 56 ngàn USD/ người/ năm. Trong khi Mỹ chỉ hơn 50 ngàn USD/ người/năm.

Vì sao tôi lại đưa ra hình ảnh này để so sánh? Là bởi, hiện nay chúng ta đang có một quan niệm rất dở: Chúng ta muốn DN Việt “lớn nhanh” nhưng lại ngại sự tham gia của DN FDI vào trong nước. Rất rất nhiều ý kiến nói phải kìm hãm, hạn chế sự thâm nhập của các DN FDI để tạo cơ hội, điều kiện cho DN trong nước phát triển. Như vậy là rất phi lý. Làm gì có DN FDI nào kìm hãm DN trong nước.

Nhật Bản đã đầu tư vào đây và họ đã mang lại sự đổi khác cho nhiều địa phương. Nhiều tập đoàn của Hàn Quốc cũng đang mang lại hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động của chúng ta. Vậy có lý gì nói DN FDI kìm hãm DN trong nước? Cái chúng ta cần là khuyến khích các DN trong nước phát triển, đồng thời khuyến khích mối liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước.

Tôi cũng thừa nhận rằng, hiện nay sức lan tỏa của khu vực DN FDI sang khu vực DN trong nước còn yếu. Vậy, điều chúng ta cần giải quyết hiện nay chính là làm thế nào kết nối, đẩy mạnh sự lan tỏa này? Và việc này lại phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ về công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, quản trị DN… Tôi tin khi có những chính sách như vậy, diện mạo sẽ hoàn toàn khác. Nếu chính sách có khiếm khuyết thì sửa chứ không nên đi ngược với xu thế của thế giới: Hạn chế FDI.

Nhiều doanh nghiệp FDI tăng vốn để đẩy mạnh sản xuất.

Nhưng người ta vẫn nói về mặt trái của thu hút FDI về sự chuyển giá, trốn thuế…?

- Mặt trái đó, DN nào cũng vướng phải. Không chỉ riêng DN FDI, cả DN trong nước cũng chuyển giá, trốn thuế, đừng đổ lỗi hết cho FDI. Đã là DN theo nền kinh tế thị trường thì họ sẽ tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách. Môi trường kinh doanh là phải chấp nhận điều đó. Quan trọng là nhà quản lý điều hành thế nào.

Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành chính sách nhằm thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ với những ưu đãi lớn để khuyến khích sự phát triển của ngành công nghiệp này, ông đánh giá thế nào về chính sách mới này?

- Tôi cho đây là một chủ trương hết sức đúng đắn để có thể chắp cánh cho ngành công nghiệp này của chúng ta. Tuy nhiên, tôi cũng mong chính sách của Nhà nước khi ban hành cần được quảng bá rộng rãi để các DN ngành hỗ trợ có thể tiếp cận gần hơn. Làm thế nào để Nhà nước khi đã ban hành chính sách đúng còn phải có một đội ngũ công chức có trách nhiệm thực hiện triển khai để giúp DN tiếp cận chính sách, lúc đó chính sách mới vào cuộc sống được.

Trong số 600 ngàn DN vừa và nhỏ. Tôi khẳng định, chắc chắn có một con số không nhỏ có thể bước chân vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn lớn. Chắc chắn chính sách mới sẽ tạo một luồng gió mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ ngay từ năm 2016.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo thông tin từ Samsung Việt Nam - SEV, năm 2015 đã có 215 DN Việt Nam đến tìm kiếm hợp tác với SEV để sản xuất công nghiệp hỗ trợ, trong đó có 41 DN chuẩn bị ký hợp đồng với Samsung. Samsung Việt Nam cũng bày tỏ hy vọng năm 2016 tới đây sẽ có hơn 100 DN Việt tham gia vào chuỗi giá trị của SEV. Xe máy, ô tô, giày da, may mặc là những ngành có số lượng DN công nghiệp hỗ trợ ngày càng gia tăng và đã tạo được tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Việt: Chớp thời cơ để lớn mạnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO