Doanh nghiệp Việt Nam vốn ít, lợi nhuận thấp

Thúy Hằng 12/04/2017 10:15

Tại cuộc họp báo công bố một số chỉ tiêu chủ yếu đánh giá tình hình phát triển doanh nghiệp các tỉnh, thành phố 2016 do Tổng cục Thống kê tổ chức vào ngày 11/4, phần lớn ý kiến các chuyên gia cũng như cơ quan quản lý đều cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam thành lập mới nhiều nhưng quy mô nhỏ và vừa, vốn ít và công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp.

Doanh nghiệp Việt Nam thành lập mới nhiều nhưng vốn ít và công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp.

Đóng góp cho ngân sách thấp

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 31/12/2016, cả nước có 477.808 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 8% so với năm 2015. TP HCM dẫn đầu cả nước về số lượng doanh nghiệp (DN) đang hoạt động có tốc độ phát triển năm 2016 cao so với năm 2015, chiếm 33,6% số DN cả nước, tăng 7,8%. Hà Nội chiếm 23,1% số DN đang hoạt động có tốc độ phát triển năm 2016 cao hơn năm 2015, tăng 6,5%.

Ông Phạm Quang Vinh- Phó Tổng cục trưởng TCTK cho hay, tổng số DN thực tế đang hoạt động đến ngày 31/12/2015 trên cả nước là 442.485 DN. Bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm tăng trên 17,6%, trong đó giai đoạn 2000-2010 tăng 21,8%/năm; giai đoạn 2010-2015 tăng 9,6%/năm.

Lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2015 đạt 552,7 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000-2015 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực DN tăng 19%, thấp hơn mức tăng của vốn 22,8%, doanh thu 21,6%, trong đó giai đoạn 2000-2010 tăng 24,1%; giai đoạn 2010-2015 tăng 7,5%.

Theo ông Phạm Đình Thúy- Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (TCTK), lợi nhuận của của khối DN chưa cao. “Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu phát triển mạnh về quy mô, doanh thu nhưng hiệu quả thấp hơn nhiều nước như: Thái Lan, Indonesia. Thực tế Việt Nam có gần 97% DN nhỏ và vừa, trong đó 60% DN có dưới 10 lao động, vốn ít và công nghệ lạc hậu nên lợi nhuận thấp.

Cùng với con số lợi nhuận thấp, khu vực DN đóng góp cho ngân sách nhà nước cũng khá khiêm tốn. Năm 2015 chỉ đóng góp cho Nhà nước 746.000 tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2000 - 2015, mỗi năm khu vực DN đóng góp cho ngân sách tăng 18,2%, thấp hơn mức tăng của vốn, doanh thu và lợi nhuận.

Điều này đặt ra nhiều câu hỏi, phải chăng lợi nhuận của DN bị ăn mòn vì thuế phí? Lý giải về điều này, ông Phạm Đình Thuý cho biết, giai đoạn 2010-2015 khủng hoảng diễn ra trên toàn cầu khiến DN Việt Nam chịu nhiều tác động, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Chính phủ có nhiều chính sách hỗ trợ DN như miễn giảm một số loại thuế; gia hạn nộp thuế thu nhập DN…

Đạt hay không đạt?

Tại cuộc họp báo, một số liệu được ông Phạm Đình Thúy nhắc lại sau khi có sự thống nhất từ 3 cơ quan quản lý (Thuế, Cục đăng ký và thành lập DN, tổng cục thống kê), trong năm 2016 chỉ có 41% số DN đi vào hoạt động thực sự và có doanh thu. Điều này đồng nghĩa với việc 59% DN chưa đi vào hoạt động, không có doanh thu.

Nhiều câu hỏi được đặt ra về hiện trạng và tương lai của DN Việt Nam. Liệu mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN thành hiện thực hay chỉ là con số mang màu sắc? Hơn bao giờ hết, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể thành DN cũng không hề đơn giản vì vướng nhiều thủ tục.

Ông Nguyễn Hồng Long- Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển DN khẳng định: Chính phủ đưa ra mục tiêu 1 triệu DN hoàn toàn có cơ sở.

Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý cơ bản để xử lý mối quan hệ khi các hộ kinh doanh chuyển lên thành DN. Cùng với đó Chính phủ cũng đưa ra nhiều cơ chế để hỗ trợ các DN vừa và nhỏ phát triển, tăng quy mô lợi nhuận. Chẳng hạn như chỉ đạo đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, phát triển DN công nghệ cao phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu.

Đại diện phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng khẳng định “mục tiêu chắc chắn đạt được”. Cụ thể, vị đại diện VCCI phân tích, tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN ở TP HCM, đã hừng hực khí thế hỗ trợ DN và DN khởi nghiệp. Cùng với đó, nghị quyết 35 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 16/5/2016 với 5 nhiệm vụ cụ thể và nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ và phát triển DN Việt Nam đến năm 2020, hướng tới mục tiêu 1 triệu DN tư nhân hoạt động hiệu quả, đóng góp khoảng 48-49% GDP/năm cũng đang được triển khai. Bên cạnh đó nghị quyết 19 về nâng cao cải thiện môi trường kinh doanh đang được riết ráo thực hiện và có nhiều điểm rất mới, gắn trách nhiệm từng bộ, ngành. Đây được coi là cú hích để hỗ trợ DN phát triển toàn diện.

“Điều này cho thấy quyết tâm, và quyết tâm cũng đã biến thành hành động. DN xác định không chỉ kinh doanh mà còn kinh doanh hiệu quả”- đại diện VCCI nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Việt Nam vốn ít, lợi nhuận thấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO