Doanh nghiệp Việt: Nỗ lực giữ thị phần

Minh Phương 21/12/2015 08:35

Theo khuyến cáo của giới chuyên gia kinh tế, để có thể ứng phó với các sản phẩm ngoại nhập, việc cần làm hiện nay là các doanh nghiệp trong nước nên lo giữ vững được thị phần nội địa trước rồi hãy “tính gì thì tính”.

Doanh nghiệp Việt: Nỗ lực giữ thị phần

Ngành sữa Việt đang được đánh giá cao.

Chú trọng sử dụng công nghệ cao

Được đánh giá là một trong những sản phẩm có thế mạnh, sữa tươi là sản phẩm giàu tiềm năng phát triển, và giới chuyên gia dự báo, sản phẩm sữa tươi của các DN Việt sẽ có chỗ đứng khá vững chắc khi chúng ta ký kết các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, ngành hàng sữa tươi đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trong nhiều năm trở lại đây. Và đây sẽ là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, không lo bị làn sóng ngoại nhập nhấn chìm bởi những thương hiệu như: Vinamilk, TH True Milk, Mộc Châu… đã ghi đậm dấu ấn trên thị trường.

Chia sẻ về những bước đi của mình, ông Ngô Tiến Dũng, Giám đốc Dự án “Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghệ cao” của TH True Milk cho biết, đây là dự án dự tính sẽ hoàn thành vào năm 2020 với quy mô tổng đàn bò sữa lên đến 203.000 con. Đây là bước tiếp theo của công cuộc đầu tư thiết bị khoa học công nghệ hiện đại để phát triển ngành sữa của TH True Milk.

“Chúng tôi xác định, áp dụng công nghệ cao chính là bước đi đột phá để các sản phẩm của chúng tôi có thể nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước cũng như trên thế giới” – ông Dũng chia sẻ.

Quả thật, với việc sử dụng thiết bị máy móc công nghệ cao ngay từ khi khởi động, năng suất sữa bình quân toàn đàn bò của TH True Milk hiện tương đương với những nước có nền chăn nuôi phát triển mạnh mẽ như Mỹ, Canada...

Theo dự báo về tăng trưởng tiêu thụ sữa mà Bộ Công thương đưa ra, mức tăng tại Việt Nam tới đây sẽ đạt khoảng 15%/năm, hứa hẹn một thị trường đầy tiềm năng cho ngành chăn nuôi bò sữa và các nhà xuất khẩu sữa. Thực tế, theo giới chuyên gia đánh giá, năm 2015, ngành hàng sữa là một trong 5 mặt hàng tiêu dùng nhanh có sức mua tăng trưởng mạnh ở nông thôn.

Đây thực sự là bước chuyển biến đáng khích lệ đối với các DN Việt và cũng là động lực để các DN nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao sức cạnh tranh để giữ vững thị phần nội địa.

Tuy vậy, theo ông Dũng, việc Việt Nam vẫn phải nhập một phần lớn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là nguyên nhân đẩy giá sữa trong nước lên cao. Bên cạnh đó, thời gian qua, chính sự thiếu minh bạch thông tin ở thị trường thị sữa trong nước đã dẫn đến việc giảm sức cạnh tranh cho các DN chế biến sữa tươi và gây khó khăn cho ngành chăn nuôi bò sữa.

Do đó, ông Dũng đề xuất, các nhà quản lý, cơ quan chức năng và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cần phải vào cuộc để tăng cường sự minh bạch của thị trường này, tạo động lực để các DN ngành sữa tăng cường năng lực cạnh tranh…

Doanh nghiệp vẫn khó khăn

Theo ông Nguyễn Việt Đức - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giấy Việt Nam, hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng là lực đẩy để cá DN của Việt Nam có những bước trưởng thành cả về số lượng, chất lượng, lĩnh vực hoạt động và khả năng thâm nhập, tiếp cận khai phá thị trường, cũng như khẳng định các thương hiệu đối với người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Để giữ vững thị trường nội địa, ông Đức cho biết, với việc Vinapaco vốn đã xây dựng được thương hiệu khá vững vàng trên thị trường, Tổng công ty sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ vững được thương hiệu. Và để làm được điều này, "chúng tôi tiếp tục củng cố, tích tụ lực lượng sản xuất để tạo ra sự thay đổi về chất lượng cũng như quy mô trong toàn Tổng công ty, nâng cao năng lực chế tạo sản xuất máy móc thiết bị, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa… Để bên cạnh việc giữ vững thị trường nội địa, còn tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo ra sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài nước” – ông Đức khẳng định.

Tuy nhiên, nhiều DN trong nước vẫn còn những ràng buộc khiến họ khó có thể cạnh tranh được với những sản phẩm cùng loại từ nước ngoài. Một trong những khó khăn phải kể đến là các DN vẫn sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị cũ, lạc hậu khiến tiêu hao nguyên vật liệu, điện năng lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao.

Đơn cử, sản phẩm giấy còn phải cạnh tranh với các loại giấy nhập khẩu đến từ các nước trong khu vực như Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… giá thấp hơn do được hưởng lợi về thuế và các nước này có lợi thế về công nghệ hiện đại. Thực tế này đang đẩy ngành giấy trong nước lâm vào tình thế khó khăn, nguồn cung dư thừa.

Bởi vậy, ông Đức đề xuất, Nhà nước cần coi đầu tư hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống phân phối là yêu cầu của sự phát triển, là một chính sách kích cầu để có cơ chế tài chính hỗ trợ DN. Trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho các DN sản xuất hàng Việt có chất lượng cao và uy tín trong nước, tạo động lực để các DN mở rộng hệ thống phân phối, xúc tiến thương mại đưa các sản phẩm “made in Việt Nam” chất lượng cao đến gần hơn với người tiêu dùng trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Việt: Nỗ lực giữ thị phần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO