Doanh nghiệp Việt và cánh cửa hẹp vào Mỹ

Minh Phương 22/03/2018 08:00

Nhiều mặt hàng vào Mỹ đang gặp những rào cản lớn, trong đó phải kể đến thép và con cá tra – những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Việc hàng loạt các mặt hàng của ta khi vào Mỹ bị áp thuế cao cho thấy, cánh cửa xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào thị trường này ngày càng co hẹp.

Doanh nghiệp Việt và cánh cửa hẹp vào Mỹ

Cá tra khó vào Mỹ khi bị áp thuế cao.

Một quyết định phi lý

Ngày 19/3 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam (giai đoạn từ 1/8/2015 đến 31/7/2016) với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay.

Theo quyết định này, sẽ có 9 doanh nghiêp (DN) Việt Nam nằm trong nhóm được hưởng mức thuế riêng biệt phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức 3,87 USD/kg.

Mức thuế này đã cao hơn 1,6 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 hồi tháng 9/2017, cao gấp 4,9 lần so với mức thuế suất riêng lẻ trong kỳ xem xét hành chính lần thứ 12 (POR12) trước đó.

Không những vậy, phía Mỹ còn áp mức thuế chống bán phá giá cao ngất ngưởng đối với hai DN là Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods với mức tới 7,74 USD/kg.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, đây là mức thuế cao nhất từ trước đến nay, chưa từng xảy ra trong lịch sử áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với Việt Nam.

Mức thuế 7,74 USD/kg cao hơn 3,2 lần so với mức thuế mà Mỹ đưa ra trong quyết định sơ bộ POR13 trước đó, cao gấp 9,7 lần so với mức thuế kỳ POR12 trước đó mà cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải chịu.

Nhận định về Quyết định gây sốc này của Hoa Kỳ, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, đây là mức thuế cao chưa từng thấy trong lịch sử ngành cá tra và nếu bị áp mức thuế này, cánh cửa thị trường Mỹ coi như đóng lại đối với các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Đó là một thiệt thòi quá lớn đối với DN Việt vì trước đến nay, thị trường Mỹ vẫn là thị trường giàu tiềm năng của cá tra Việt.

Trước quyết định hết sức bất ngờ và có phần phi lý của DOC, VASEP ngay lập tức đã có văn bản nhằm mục đích khẳng định sẽ đồng hành cùng các DN xuất khẩu cá tra của Việt Nam đi đến cùng sự việc.

Theo VASEP, kết quả cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 13 thể hiện sự không công bằng, trái với các quy định về luật chống bán phá giá thông thường, đồng thời mang tính áp đặt và vô lý đối với các DN Việt Nam.

Đây có thể nói là một việc chưa có tiền lệ, thể hiện sự áp đặt chủ quan thiếu cơ sở của DOC trong quá trình xem xét.

“Hiệp hội VASEP và các DN phản đối quyết định thiếu công bằng này của DOC và đang xem xét tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để khiếu kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (CIT) trong thời gian sớm nhất để bảo đảm quyền lợi cho các DNViệt Nam.

Chúng tôi yêu cầu DOC phải xem xét một cách kỹ lưỡng các hồ sơ, dữ liệu đầy đủ mà DN Việt Nam đã cung cấp để làm cơ sở tính toán và đưa ra mức thuế chính xác và hợp lý cho các công ty tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 13 này” - VASEP nêu quan điểm.

Cần chủ động mọi tình huống

Trao đổi với báo giới, ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ Thương mại, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cho rằng, quyết định này của DOC đang đi ngược lại tiến trình tự do thương mại, đồng thời ảnh hưởng tới quan hệ thương mại song phương Hoa Kỳ-Việt Nam.

Rõ ràng mức thuế này của Hoa Kỳ cao một cách bất thường. Theo ông Sơn, chưa bàn về việc nó không công bằng, không có cơ sở, không đúng đắn, nhưng với mức thuế cao như vậy nếu áp dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề đối với việc xuất khẩu cá tra philê đông lạnh của Việt Nam.

Không chỉ cá tra, thép Việt xuất khẩu sang Mỹ cũng bị quốc gia này giăng ra một rào cản cũng khó chịu tương tự.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Mỹ đang xem xét và rất có thể sẽ áp dụng biện pháp thuế suất tối thiểu 53% đối với sản phẩm thép nhập từ Việt Nam.

Và nếu như vậy, thép Việt sẽ không thể cạnh tranh được với các quốc gia khác dẫn đến nguy cơ bị loại trừ hoàn toàn ra khỏi thị trường Mỹ.

Việc hàng loạt các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam đang ngày càng gặp nhiều rào cản khi vào thị trường Mỹ cho thấy, hội nhập kinh tế mở ra cơ hội song cũng vô vàn các thách thức đối với các DN Việt Nam và Mỹ vẫn luôn là thị trường khó lường nhất.

Bởi vậy, các DN Việt phải luôn chủ động nắm vững thông tin thị trường, nỗ lực hơn nữa trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh.

Riêng đối với các động thái bảo hộ của Hoa Kỳ, giới chuyên gia khuyến cáo, các DN, hiệp hội phải luôn chủ động lưu trữ các thông tin, hệ thống hóa các thông tin trong các hoạt động của mình để khi cần, trong mọi tình huống đều có thể sẵn sàng cung cấp thông tin cho phía Mỹ để đối chứng, nhằm hạn chế thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp Việt và cánh cửa hẹp vào Mỹ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO