Doanh nghiệp vuột mất cơ hội vì... đợi cấp phép

Minh Phương 03/07/2020 07:48

Nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội đưa sản phẩm đến các thị trường tiềm năng trên thế giới. Song, cơ hội đó sẽ bị trôi qua không thể nắm bắt được nếu vẫn còn những rào cản về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh rườm rà “ngáng chân”, gây trở ngại.

Ngại nhất với DN gỗ xuất khẩu là xin CO.
Ngại nhất với DN gỗ xuất khẩu là xin CO.

Ngại nhất xin CO

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, mặc dù các điều kiện kinh doanh, “giấy phép con” đã được nhà quản lý cắt giảm đi khá nhiều, song hiện nay đối với các DN xuất khẩu vẫn còn khá nhiều rào cản.

Theo ông Tương, vướng mắc lớn nhất của DN hiện nay chính là CO (giấy chứng nhận xuất xứ), bởi mỗi lần xin giấy chứng nhận xuất xứ là cả một “hành trình gian nan”.

Ông Tương khẳng định, nhiều khi mất cả tháng mới lấy được tờ giấy chứng nhận xuất xứ, và khi lấy được CO, cơ hội làm ăn đã tuột mất. “Mất cơ hội làm ăn tức là mất tiền”, ông Tương than thở.

DN muốn hội nhập kinh tế một cách mạnh mẽ và nhanh chóng, nhưng tình trạng xin cấp CO vẫn phải chờ đợi hàng tháng như hiện nay nên khó lòng cạnh tranh được với DN “ngoại”. Không chỉ ngành logistics gặp rào cản, phải rất mất thời gian mới xin được “tấm giấy thông hành”, các DN ngành khác cũng rất khốn khổ với việc xin CO. Một trong những ngành được cho là mắc nhiều rào cản nhất phải kể đến ngành gỗ. Nhiều DN ngành gỗ cho biết, các thị trường xuất khẩu đều phải xin CO ở VCCI và Bộ Công thương.

Điều khiến DN “đứng ngồi không yên” là có những tấm “giấy thông hành” phải mất khoảng hai tháng rưỡi mới lấy được. Trong khi đó, hàng hóa đi ra nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào đối tác. “Đối tác không chờ mình, mà mình phải phụ thuộc họ. Thế nên khi chờ xin được CO thì đối tác cũng hủy hợp đồng...”, đại diện Công ty CP đầu tư Wood Alliance cho hay.

Nhiều gánh nặng, khó nâng sức cạnh tranh

Có thể thấy, EVFTA hay CPTPP là những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại nhiều lợi thế cho các ngành hàng xuất khẩu của nước nhà. Những mặt hàng có thế mạnh và xuất khẩu với sản lượng lớn như thủy sản, da giày, dệt may, gỗ, nông sản... sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường thuộc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của các DN ngành gỗ, logistics, liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, có thể thấy, các DN vẫn đang phải đối diện với nhiều rào cản ngay từ trong nước.

Một câu chuyện khác liên quan đến ngành thủy sản xuất khẩu. Các DN ngành thủy sản không gặp khó ở việc xin cấp CO mà lại gặp khó ở quy định về sơ chế.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), mặc dù có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, song những thủ tục, điều kiện kinh doanh còn rườm rà sẽ tạo thêm gánh nặng cho DN, khó có thể nâng sức cạnh tranh. Do vậy, DN “nội” khi bước chân vào môi trường hội nhập sẽ cực kỳ gian nan.

Giới chuyên gia nhận định, thời gian qua, Chính phủ và các Bộ, ngành đã nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, loại bỏ bớt thủ tục hành chính, giấy phép con nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí, thời gian cho DN. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), vẫn cần phải tiếp tục thực hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh một cách mạnh mẽ hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp vuột mất cơ hội vì... đợi cấp phép

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO