Doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm

T.Hằng 20/01/2018 09:00

Công bố trong buổi họp báo do Tổng cục Thống kê tổ chức vào sáng ngày 19/1 cho thấy: Số lượng doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có giảm đi nhưng chậm; Trong khi đó lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước và FDI tăng; Số lượng doanh nghiệp (DN) quy mô vừa và nhỏ tăng mạnh hơn các DN có quy mô lớn.

Cụ thể, theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, hiện tại còn 2.701 DNNN. Như vậy so với 5 năm trước tại thời điểm 2012 số lượng DNNN là 3.308 DN, giảm 607 DN, tốc độ giảm tính ra chỉ 18,3%.

Tổng cục Thống kê cho biết thêm, số đơn vị sự nghiệp do ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi hoạt động thường xuyên vẫn chiếm tỷ trọng cao với 70% số cơ sở (khoảng 49.000 cơ sở) và 55,4% số lao động (khoảng 1,36 triệu lao động).

Cũng theo điều tra của Tổng Cục, tính đến 1/1/2017, cả nước có 518 nghìn DN thực tế đang tồn tại, tăng 176 nghìn DN và gấp 1,5 lần so với năm 2012, trong đó có 505 nghìn DN thực tế hoạt động. Khối DN thu hút 14,1 triệu lao động, tăng 28,5% so với năm 2012, trong đó 14 triệu lao động thuộc các DN thực tế hoạt động. Thời kỳ 2012-2017, bình quân hằng năm số lượng DN tăng 8,7%, lao động tăng 5,1%

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, nếu xem về quy mô lao động sẽ thấy, nhìn chung lao động bình quân trên một đơn vị kinh tế thay đổi không đáng kể so với năm 2012 và có sự khác biệt giữa các đơn vị kinh tế và khối hành chính, sự nghiệp. Lao động bình quân một DN giảm từ 32 người xuống 27 người; trong đó DNNN, doanh nghiệp ngoài nhà nước đều giảm tương ứng là 20 người và 3 người/1 DN. Riêng các DN FDI tăng bình quân 15 người/DN so với năm 2012. Khu vực kinh tế tập thể và cá thể đều có sự giảm nhẹ.

Ông Phạm Đình Thúy - Vụ trượng Vụ Thống kê công nghiệp đưa ra kỳ vọng những DN lớn mang tính xã hội, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng rồi sẽ nâng dần qua các năm.

Cũng tại cuộc họp báo, nhiều câu hỏi về việc thống kê “kinh tế ngầm” đã được đặt ra. Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói, Chính phủ đã giao cơ quan thống kê tính toán, đánh giá khu vực kinh tế phi chính thức để bổ sung vào cách tính GDP. Cơ quan này đã xây dựng đề án và đang trình Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong đó kinh tế ngầm và phi pháp chỉ là một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế được gọi là kinh tế chưa được quan sát.

“Nhiều quan điểm đưa ra kinh tế ngầm, phi chính thức của Việt Nam rất lớn tuy nhiên đây là do quan niệm của cá nhân. Kinh tế phi chính thức ở Việt Nam không tới 30% như nhiều quan điểm đã nêu. Riêng hoạt động kinh tế ngầm và phi pháp không thể thu thập được thông tin theo cách chính thống “ - ông Lâm cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp nhà nước giảm với tốc độ chậm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO