Yếu tố sống còn

Thái An 24/10/2018 09:00

Có một hãng thời trang nước ngoài đã có ý mua lại thương hiệu của chúng tôi với giá 300 tỷ đồng, nhưng tôi đã thẳng thừng từ chối. Bởi 20 năm qua, tôi xây dựng được thương hiệu là phải đổ bao công sức, mồ hôi và nước mắt. Tôi không dễ dàng chỉ vì một khoản tiền trước mắt mà có thể đánh đổi công sức 20 năm qua.

Đó là chia sẻ của một vị giám đốc một hãng thời trang Việt Nam khi được người viết hỏi: Nếu ai đó trả giá cao để anh bán lại thương hiệu, anh sẽ làm gì?

Với vị giám đốc này, cái logo, nhãn hiệu của hãng thời trang mà anh đang sở hữu giống như “đứa con đẻ” của mình vậy, nên anh không bao giờ chấp nhận bán lại “nó” cho ai với bất kỳ giá nào. “Con tôi “đẻ” ra, nó hư tôi dạy và nói được trưởng thành như ngày hôm nay cũng là mồ hôi, nước mắt của tôi” – vị giám đốc chia sẻ.

Câu chuyện của vị giám đốc hãng thời trang cho thấy, việc xây dựng thương hiệu đối với mỗi doanh nghiệp thực sự rất quan trọng, nó chính là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Nhiều nhà kinh doanh đã đưa ra quan điểm rằng, trong một sản phẩm mà doanh nghiệp làm ra, cái mang lại giá trị cao nhất chính là thương hiệu của sản phẩm đó.

Đơn cử, cùng là một chiếc áo sơ mi nhưng nếu sản phẩm này có thương hiệu chắc chắn sẽ có giá cao hơn rất nhiều so với sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Bởi vậy, đối với mỗi doanh nghiệp, yếu tố đầu tiên và quyết định để họ có thể “trường tồn” trên thương trường chính là việc họ có thể xây dựng được thương hiệu cho riêng mình hay không (?!).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Yếu tố sống còn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO