Độc đáo Lễ hội chọi dê

Phương Nhi 21/03/2017 14:13

Xuân về, bà con các dân tộc thiểu số Việt Nam thường tổ chức những lễ hội hết sức độc đáo, thú vị. Đây là những lễ hội vừa mang nét văn hóa của cộng đồng vừa là nơi diễn ra những trò chơi vui vẻ mà từ trẻ đến già, từ trai đến gái trong thôn bản đều tham gia. Trong số này, lễ hội chọi dê của bà con các dân tộc ở Hoàng Su Phì - Hà Giang thu hút rất đông du khách và bà con các tộc người sống nơi biên cương Tổ quốc.

Lễ hội chọi dê thu hút nhiều người dân và du khách.

1. Bên cạnh các lễ hội truyền thống như hội Gầu Tào, hội Lồng Tồng, người Mông ở Hà Giang thường tổ chức hội chọi dê khi mùa Xuân vừa đến. Chọi dê ở Hà Giang thường được tổ chức tại các xã có truyền thống nuôi dê như Lũng Cú, Lũng Táo, Ma Lé, Sính Lủng...

Nhưng địa phương đầu tiên biến chọi dê thành lễ hội là huyện Hoàng Su Phì. Đây cũng là địa phương đầu tiên của Hà Giang đã gây dựng thành công lễ hội chọi dê như một sản phẩm thu hút khách du lịch.

Theo đó, cứ vào những ngày đầu tháng hai âm lịch hàng năm, đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì lại tạm gác công việc nương rẫy để tham gia hội chọi dê. Đại diện UBND huyện Hoàng Su Phì cho biết: Chọi dê là thú chơi đã có từ rất lâu đời nhưng để tổ chức thành một giải đấu có quy mô thì mới được dăm năm nay. Việc tổ chức giải chọi dê có ý nghĩa lớn, không chỉ khuyến khích bà con mở rộng chăn nuôi và duy trì chất lượng đàn dê trong huyện mà còn là một sân chơi bổ ích, tạo nên tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Gần đây, lễ hội chọi dê độc đáo của bà con người Mông ở Hoàng Su Phì còn được nhiều nơi như các huyện Quản Bạ, Mèo Vạc, Bắc Mê, Bắc Quang... tổ chức. Vì sự độc đáo, lễ hội chọi dê Hoàng Su Phì còn được “xuống phố” biểu diễn. Cụ thể, trong chương trình “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” diễn ra dịp đầu xuân Đinh Dậu 2017 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô (Sơn Tây - Hà Nội), hội chọi dê được tổ chức và đã thu hút đông đảo người dân, du khách tham dự.

Theo bà con người Mông, hội chọi dê gắn với ý nghĩa tâm linh nhằm mang lại sự may mắn cho những người chăn nuôi, cũng như phản ánh vẻ đẹp, tập quán văn hóa của đồng bào Mông sinh sống tại vùng cao phía Bắc. Hoạt động này cũng là sân chơi thú vị để đồng bào dân tộc vui xuân và thể hiện tình đoàn kết.

Vào ngày hội đua đê, đông đảo người dân mang dê to khoẻ của nhà mình tới tham gia đấu. Thường những chú dê tham gia thi đấu được tuyển chọn ở vùng có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Sính Lủng, Ma Lé…

Những con dê khỏe mạnh, trên 3 tuổi mới được vào sới chọi.

2. Là loài vật nuôi điển hình của đồng bào các dân tộc vùng cao, con dê có sức khoẻ, khả năng leo đồi rất tốt, sinh sản nhanh, cho giá trị kinh tế cao. Khi những chú dê đực có trọng lượng từ 30-50 kg bước ra sới đấu, người xem được chứng kiến sự dũng mãnh và lối đánh rất lành mạnh, quân tử. Sới chọi dê thường được dựng gọn gàng, bao quanh bởi một hàng rào khá đơn giản chứ không cầu kỳ, phức tạp như hội chọi trâu.

Những con dê tham gia lễ hội chọi dê cần vượt qua những yêu cầu chặt chẽ của Ban tổ chức: từ 3 tuổi trở lên, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh; có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được cán bộ thú y xã thẩm định kỹ lưỡng, tuyệt đối không mang dịch bệnh.

Dù nhỏ con hơn trâu, nhưng khi vào sới chọi, những chú dê cũng rất quyết liệt “ăn thua”. Do đó, lễ hội chọi dê cũng diễn ra căng thẳng và quyết liệt không kém. Nhiều đòn đánh đẹp mắt, hiểm hóc, bất ngờ khiến người dân lẫn du khách đều tấm tắc khen ngợi. Vì thế, hội chọi dê thường mang lại những giây phút sảng khoái, vui tươi, lành mạnh ngày đầu xuân.

Khác với chọi trâu, các con dê thi đấu xong thường được quy tụ lại đàn và tiếp tục được nuôi dưỡng sinh sản tiếp chứ không bị giết thịt. Sau trận đấu, con dê nào thắng sẽ nhận cờ lưu niệm vừa là cổ vũ tinh thần vừa là động viên cho chủ dê sẽ tiếp tục chăm sóc nuôi chúng tốt hơn để năm nào con dê đó cũng có thể thi đấu tốt nhất. Lễ hội chọi dê từ đó đã mang đến một không khí sôi nổi, vui tươi và tạo sân chơi bổ ích cho bà con trong vùng, trong bản.

Sau hội chọi dê, dù thắng hay thua con dê lại tiếp tục được bà con nuôi dưỡng.

Còn nhớ, tháng 9/2016, nhân ngày Hội văn hóa, thể thao các dân tộc lần thứ VI gắn với Tuần văn hóa du lịch, huyện Hoàng Su Phì tổ chức Hội chọi dê lần thứ 5. Khi đó, 12 cặp dê thi đấu ở 4 hạng cân từ 30-35 kg, 36-40 kg, 41-45 kg và 46-50 kg. Đây là những cặp dê xuất sắc nhất, đại diện cho hàng chục nghìn con dê đã được lựa chọn qua vòng sơ khảo tại các xã, thị trấn.

Nhờ có thêm lễ hội chọi dê mà mảnh đất địa đầu Hà Giang ngày càng có thêm những sản phẩm du lịch đa dạng và phong phú hơn. Theo đó, du khách đến với Hà Giang tham quan du lịch cũng tăng nhiều đồng thời cũng ở lại với mảnh đất biên cương này lâu hơn…

Hà Giang- mảnh đất địa đầu Tổ quốc là địa phương có nhiều dân tộc cùng sinh sống. Theo thống kê của Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang, hiện nay, Hà Giang có đến 26 lễ hội. 11/11 huyện, thành phố đều có lễ hội trong năm. Trong số 26 lễ hội có 16 lễ hội, nghi lễ dân gian, truyền thống; 2 lễ hội tôn giáo, 1 lễ hội lịch sử cách mạng. Trong số 26 lễ hội toàn tỉnh có 2 lễ hội cấp tỉnh, 5 lễ hội cấp huyện, còn lại là cấp xã, thôn, bản. Trong đó, có nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số như: Lễ hội Nhảy Lửa của người Pà Thẻn; Lễ Cấp Sắc của người Dao; Lễ hội Gầu Tào của người Mông; Tết Khu Cù tê của người La Chí; Lễ hội Múa Trống của dân tộc Giáy...
Điều đặc biệt là trong xu hướng xã hội hóa công tác tổ chức lễ hội, trong thời gian qua, toàn tỉnh có thêm những lễ hội mới được tổ chức gắn với văn hóa, du lịch như: Lễ hội khèn Mông, lễ hội hoa Tam giác mạch, đua thuyền, đua mảng, chọi dê, chọi trâu, chọi ngựa, chọi bò, chọi chim. Các lễ hội mới góp phần làm phong phú, đa dạng thêm các hoạt động văn hóa trên địa bàn đồng thời là những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách trong và ngoài nước đến vời Hà Giang.

P.Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo Lễ hội chọi dê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO