Độc đáo Mũi Kê Gà

Hồng Đậu 05/02/2017 10:35

Điểm đến này thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Nét kỳ lạ của Mũi Kê Gà là những phiến đá nằm nhấp nhô ra phía biển, có hình thù giống đầu con gà. Đến đây, du khách có thể lên ngọn hải đăng cổ và cao nhất Việt Nam để ngắm biển trời bao la, hay hòa mình vào chợ cá tấp nập buổi sớm...

Chợ cá buổi sớm.

Có nhiều cung đường để tới Mũi Kê Gà. Hướng thứ nhất là từ TP Hồ Chí Minh theo quốc lộ 1A đến thị trấn Thuận Nam, thủ phủ của huyện Hàm Thuận Nam rồi rẽ phải vào khoảng 20km. Hướng thứ hai là từ Vũng Tàu đi theo quốc lộ 55 qua Lagi.

Hướng thứ ba là từ Phan Thiết chạy qua, đây là cũng là cung đường ấn tượng nhất và được đa phần lữ khách lựa chọn. Đi theo con đường ven biển này du khách sẽ không khỏi trầm trồ ngạc nhiên trước vẻ đẹp thơ mộng của khung cảnh nơi đây. Con đường nhựa mềm mại như một dải lụa uốn quanh với một bên là biển xanh ngắt, cát trắng phau hay vàng lấp lánh cùng ghềnh đá nối đuôi nhau, còn một bên là rừng phi lao rì rào trong gió.

Đến nay, dù cho những khu nghỉ dưỡng cứ lần lượt mọc lên, nhưng Mũi Kê Gà vẫn giữ được nét hoang sơ, bình dị vốn có của thiên nhiên vùng biển với những rặng thùy dương và phiến đá kỳ lạ. Mũi Kê Gà thực chất là một hòn đảo nhỏ cách đất liền chừng 500 mét, còn có tên gọi Hòn Bà, rộng 5 ha với hàng trăm cụm đá hoa cương vàng rực muôn hình muôn vẻ và hàng trăm cây sứ đại thụ. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi Kê Gà với đất liền. Sở dĩ có tên gọi Mũi Kê Gà là bởi mũi đất nhô ra bờ biển có hình giống đầu con gà.

Vườn đá ấn tượng.

Muốn ra ngọn hải đăng Kê Gà phải đi bằng ca nô, từ bờ biển nhìn ra ngọn hải đăng thấy có vẻ rất gần, nhưng khoảng đường đi lại không đơn giản, vùng biển ở đây có rất nhiều vách đá lô nhô, nếu không phải là người lái ca nô chuyên nghiệp và quen thuộc với địa hình thì sẽ rất dễ va vào đá. Ngồi trên thuyền quả là một niềm vui khó tả, bạn có thể chạm tay vào nước biển trong vắt khi ca nô đang lao vun vút. Không ít người chọn thuê những người dân canh giữ đèn biển dùng thuyền thúng ra đảo, cánh này dành cho những du khách ưa mạo hiểm và có nhiều thời gian lưu trú.

Ca nô cập bến vào đảo, bạn sẽ được nhìn thấy một cảnh quan hết sức tuyệt vời. Những tảng đá lớn nằm nhấp nhô ở phía ngoài như một bức tường bảo vệ hòn đảo trước những cơn sóng biển. Bạn hãy cẩn thận khi đi bộ trên những tảng đá trên đảo, nhưng hòn đá ở đây khá trơn và rất dễ bị ngã. Các phiến đá đủ mọi hình dạng: tròn, vuông, dài, ngắn… xếp chồng lên nhau tưởng như lộn xộn nhưng lại dễ dàng gợi cho người ta nhiều liên tưởng, khiến ai ai cũng trầm trồ thán phục sự khéo léo, tài hoa của Mẹ Thiên nhiên.

Đi ca nô ra ngọn hải đăng Kê Gà.

Trên đảo không có một con đường cụ thể nên bạn phải tự tìm đường tới hải đăng. Vào tham quan hòn đảo là miễn phí, nhưng để vào bên trong và leo lên ngọn hải đăng mỗi du khách phải mua vé 30.000 đồng. Ngọn hải đăng được xây dựng vào năm 1890, nhưng nó vẫn đứng hiên ngang sừng sững, không có một chút dấu hiệu nào của tuổi tác. Cầu thang để lên ngọn hải đăng là thang xoắn ốc. Nơi bạn có thể phóng tầm nhìn 360 độ toàn cảnh đẹp hùng vĩ của nơi đây, và tận hưởng những làn gió biển phóng khoáng.

Ngọn hải đăng này do người Pháp xây dựng nhằm giúp tàu thuyền qua đây xác định được vị trí, tọa độ và điều hướng dễ dàng. Mọi vật liệu xây dựng hải đăng đều do người Pháp vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử sách ghi lại, mũi Kê Gà là vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang tới Vũng Tàu. Từ các thế kỷ trước, có nhiều tàu buôn khi qua đây đã bị đắm do không xác định được phương hướng.

Do đó, trong 2 năm (1897 – 1899), người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài. Đến năm 1900, hải đăng Kê Gà được đưa vào sử dụng, trên ngọn tháp đặt bóng đèn lớn 2.000W với bán kính quét sáng 22 hải lý (tương đương 40km).

Ngọn hải đăng cổ xưa nhất Việt Nam.

Chắc chắn, du khách sẽ đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi từng bước khám phá ngọn hải đăng cổ nhất, cao nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Chỉ tính riêng phần tháp đèn xây bằng đá đã cao tới 35m, chiều cao từ ngọn đèn đến mặt biển là 65m.

Bên trong ngọn hải đăng là 183 bậc thang xoáy trôn ốc bằng thép cùng hàng trăm bậc tam cấp dẫn đến đỉnh. Dù hiện tại, ngọn hải đăng Kê Gà không còn hoạt động nhưng “con mắt biển” này vẫn thu hút du khách. Hải đăng Kê Gà đã được trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là ngọn hải đăng cao nhất và cổ xưa nhất Việt Nam.

Tại hai khu vực bờ biển phía bắc và phía nam mũi Kê Gà có những bãi tắm còn nguyên sơ, với bãi đá nhẵn bóng nhiều màu sắc và hình thù xếp lớp quanh bờ. Một điểm cao nữa để ngắm toàn cảnh biển là đỉnh mũi Kê Gà, ở đây bạn có thể ngắm nhìn toàn cảnh đẹp phía bắc vịnh Nha Trang, cảnh đẹp đảo Hòn Rùa (Hòn Mát), Hòn Câu, Hòn Dung, phía bắc đảo Hòn Tre…Sau một ngày thỏa sức khám phá, đêm đến du khách có thể tổ chức một buổi lửa trại ấm cúng dưới bầu trời đầy sao, đây cũng là một trải nghiệm thú vị.

Buổi sớm, người dân bản địa thường đánh bắt hải sản gần bờ và họp chợ dọc bờ biển. Bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được hòa mình vào phiên chợ cá sôi động đầy màu sắc với đủ những âm thanh rộn rã của một ngày mới...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo Mũi Kê Gà

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO