Độc quyền điện, dân bị thiệt

Lê Anh Đức 24/06/2020 07:52

Lâu nay, câu chuyện ngành điện độc quyền, “một mình một chợ” vẫn là “chuyện thường ngày ở huyện” và “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.

Ảnh minh họa.

Song, dù có nói thế chứ nói nữa thì bao năm qua mọi thứ dường như không có thay đổi gì đáng kể. Dịch vụ chỉ có thế, giá là như vậy, không mua thì thôi. Làm sao có thể không mua điện, nhất là trong thời tiết nắng nóng đỉnh điểm mấy ngày qua? Và nếu không mua điện của EVN thì người dân còn có thể mua điện của đơn vị nào đây?

Mặc dù Chính phủ đã có chủ trương xã hội hóa ngành điện, tức là các doanh nghiệp có khả năng đều có thể tham gia vào thị trường cung ứng điện, tránh thế độc quyền của EVN. Song, chủ trương đó khó có thể thành hiện thực khi mà EVN vẫn là “ông lớn” nắm giữ những yếu tố cốt tử trong việc sản xuất và cung ứng điện trên thị trường. Đơn cử, dù có đơn vị nào tham gia sản xuất điện, nhưng nếu muốn bán cho khách hàng thì rốt cuộc vẫn phải hòa lưới điện quốc gia, mà việc hòa lưới điện quốc gia đâu có dễ.

Không dễ bởi các đơn vị truyền tải điện, hệ thống các đường dây cao thế (như đường dây 500KV), trung thế... vẫn thuộc sự quản lý của EVN. Một lý lẽ hết sức đơn giản là chẳng có cá nhân, tổ chức kinh doanh nào lại muốn tạo điều kiện cho đối thủ cạnh tranh của mình, để rồi phải chịu sự cạnh tranh, giảm giá bán dẫn đến giảm giá trị thặng dư. Đó là lý do mà có khá nhiều doanh nghiệp lúc đầu thì hào hứng tham gia thị trường cung ứng điện, nhưng rồi sau đó bị gây khó dễ đều oãi ra, chán nản, chấp nhận bỏ cuộc.

Hệ lụy tất yếu của việc các doanh nghiệp khác từ bỏ không tham gia thị trường cung ứng điện, chính là việc quay trở lại thế độc quyền của EVN, dù chủ trương của Chính phủ không phải như vậy. Và tất nhiên hệ lụy của việc EVN độc quyền là người dân không có lựa chọn, sẽ phải chấp nhận vô điều kiện mọi quy định, giá cả do chính EVN đưa ra, nếu không muốn trưa nóng hơn 40 độ như hiện nay phải dùng quạt nan phe phẩy. Một mình một chợ nên EVN có thể tùy hứng, thích cắt điện là cắt, đố khách hàng dám phàn nàn.

Các chuyên gia kinh tế khẳng định, chỉ có riêng ngành điện hiện nay đang đi ngược lại quy luật cung - cầu của thị trường. Về lý, lẽ ra càng mua nhiều sản phẩm càng được rẻ, nhưng riêng điện thì càng dùng nhiều càng bị tính giá cao. Nếu có thêm nhiều đơn vị, doanh nghiệp tham gia thị trường cung ứng điện, chắc chắn sẽ không có chuyện áp đặt giá cả, áp đặt điều kiện, thích thì bán không thích thì thôi của EVN hiện nay. Khi có nhiều lựa chọn, nếu dịch vụ, giá cả của EVN không tốt, khách hàng có thể mua điện của đơn vị khác.

Để điều đó thành hiện thực có lẽ còn ở tương lai rất xa. Hiện tại, người dân vẫn phải chấp nhận thứ dịch vụ, hàng hóa do EVN cung cấp, dù chưa thực sự hài lòng. Làm sao có thể hài lòng khi mà buộc phải trả tiền điện dẫu có thắc mắc, nếu không muốn bị cúp điện. Bị cúp điện vào mùa đông còn khả dĩ có thể chấp nhận được, nhưng nếu không có điện vào những ngày hè với mức nhiệt lên tới 40-50 độ như những ngày qua thì khó có thể trụ nổi. Vậy nên tốt nhất là phải trả tiền điện, dù tâm chưa phục, khẩu cũng chưa phục.

Đó chỉ là trong những trường hợp tiền điện đột nhiên tăng lên gấp hai, thậm chí là ba lần thôi, còn nếu hóa đơn tăng đột biến lên tới mấy chục lần thì không ai có thể chịu được. Mới đây, một hộ gia đình ở Vân Đồn (Quảng Ninh) bị “ngã ngửa” khi điện lực gửi hóa đơn yêu cầu thanh toán số tiền điện lên tới gần 90 triệu đồng. Hay như một gia đình ở Quảng Bình giật mình đánh thót khi nhận hóa đơn tiền điện với mức 58 triệu đồng. Đó chỉ là 2 trường hợp báo chí đưa tin, còn bao nhiêu trường hợp nhầm như vậy trên cả nước?!

Buồn cười ở chỗ, Điện lực Quảng Ninh lý giải việc “đòi” gần 90 triệu đồng tiền điện, trong khi thực tế chỉ hơn 300.000 đồng là do lỗi... trời mưa. Theo lý giải của Điện lực Quảng Ninh, đúng hôm chốt chỉ số công tơ hộ gia đình nói trên thì trời mưa to gió lớn nên thiết bị máy móc có sự “nhầm lẫn”. Dư luận xã hội đặt câu hỏi, liệu có bao nhiêu hộ gia đình bị máy móc của Điện lực Quảng Ninh chốt nhầm trong ngày “mưa gió” đó? Và khi hóa đơn tiền điện không bị vọt lên tới gần 90 triệu đồng, chỉ tăng gấp vài lần thì liệu khách hàng có được ngành điện tính lại và nhận được lời xin lỗi hay không?

Cả Điện lực Quảng Ninh và Điện lực Quảng Bình đều hứa sẽ xử lý nghiêm khắc những người có liên quan đến sự nhầm lẫn. Song, dư luận xã hội không kỳ vọng vào điều đó, mà chỉ muốn thị trường điện phải có cạnh tranh, minh bạch về giá, cách thức ghi chỉ số công tơ, tính tiền... Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế để các hoạt động của EVN phải được giám sát bởi người dân, báo chí và các cơ quan quản lý nhà nước, tránh việc “vừa đá bóng, vừa thôi còi” dẫn đến tiêu cực, gây thiệt hại cho khách hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc quyền điện, dân bị thiệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO