Đời cây, đời người và di sản

Từ Khôi 10/10/2017 08:15

Việc bảo tồn được cây xanh của Hà Nội là một trong những tiêu chí để UNESCO đánh giá. Cây xanh, cây cổ thụ không chỉ là lá phổi của sự sống Hà Nội mà còn nuôi dưỡng tâm hồn con người Hà Nội. Khi quy hoạch đô thị, các cấp có thẩm quyền đều xây dựng tỷ lệ cây xanh. Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia 2016 đã được Bộ TNMT công bố, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2 m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giớ


Cây xanh trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội). (Nguồn: dulich24.com.vn).

Hà Nội thành phố vì hòa bình- danh hiệu ấy do UNESCO trao tặng năm 1999 càng khiến cho người Việt Nam thêm yêu mảnh đất Thủ đô. Theo quy chế, Giải thưởng UNESCO Thành phố vì hòa bình sẽ được xét và trao cho 5 thành phố tiêu biểu, đại diện cho 5 châu lục: châu Á - Thái Bình Dương, châu Phi, Trung Đông - Arab, châu Mỹ Latinh - Caribbean và châu Âu. Thành phố đạt giải thưởng phải là thành phố có các thành tích tiêu biểu về các hoạt động trong các lĩnh vực như: thúc đẩy đoàn kết xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, chống phân biệt đối xử và ủng hộ đối thoại cộng đồng; hoạt động mẫu mực trong phát triển văn hóa, giáo dục, đặc biệt là giáo dục công dân và thế hệ trẻ; giải quyết các vấn đề xã hội, các vấn đề về đô thị hóa và xử lý môi trường sinh thái.

Như vậy, việc bảo tồn được cây xanh của Hà Nội là một trong những tiêu chí để UNESCO đánh giá. Cũng khỏi cần phải giải thích lòng vòng, ai cũng hiểu sự cần thiết của cây xanh đối với sự sống, đối với đô thị như Hà Nội.

Cây xanh, cây cổ thụ không chỉ là lá phổi của sự sống Hà Nội mà còn nuôi dưỡng tâm hồn con người Hà Nội. Biết bao bức tranh, biết bao ca khúc viết về cây Hà Nội. Da diết và xao xuyến. Đây bài “Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp: “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây/ Tiếng ve ru những trưa hè...”; Hay: “Ôi! Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ/ Mùa thu đi qua từng phố nhỏ” (Hà Nội trái tim hồng - nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn).

Với nhạc sĩ Phú Quang trong “Hà Nội ngày trở về” hàng cây già hiện lên thật lãng mạn vào mùa thu: “Nhưng còn đó mùa thu mùa thu đầy gió, và rêu phong bên những gốc cây già”. Và người xa xứ mong về Hà Nội để thấy những hàng cây thân thuộc qua ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ: “Những con đường rất xanh của Hà Nội/Những cây bàng, cây me, cây cơm nguội/ Những con đường ngoại ô nắng chói; Những con đường đầy hoa tháng sáu hè rơi/ Những phố phường rất xưa của Hà Nội..”. Sâu thẳm mơ màng giữa Hà Nội xưa và nay qua ca khúc Trịnh Công Sơn: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu...”

Cây xanh đẹp thế, có ích thế, tạo nên cảnh đẹp và góp phần tạo thêm di sản cho mảnh đất Thủ đô giàu văn hiến thế nỡ nào lại chặt đi. Trong trường hợp cây chết, mục ruỗng gây nguy hiểm thì việc chặt là điều dễ hiểu. Nhưng có nên chặt chỉ vì quy hoạch đường giao thông? Một đời cây tạo nên cổ thụ là trên 50 năm. Có cây hàng trăm năm thì bằng một, hai đời người mới tạo ra được.

Khi quy hoạch đô thị, các cấp có thẩm quyền đều xây dựng tỷ lệ cây xanh. Theo báo cáo hiện trạng môi trường Quốc gia 2016 đã được Bộ TN&MT công bố, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, tỷ lệ diện tích cây xanh chỉ đạt khoảng 2 m²/người, bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới. Đã ít lẽ nào ta lại chặt thêm? Hơn nữa, việc xây dựng các tuyến giao thông lại đi qua những nơi di tích cấp quốc gia và thế giới công nhận?

Ví như Tuyến Metro số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội (có tổng chiều dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao 8,5 km và đoạn đi ngầm 4,5 km), được khởi công vào 10/10/2010, dự kiến hoàn thành vào năm 2021. Tuyến chạy dọc theo trục đường Cầu Diễn - Hồ Tùng Mậu - Xuân Thủy - Cầu Giấy - Kim Mã và xuống đi ngầm tại khu vực đường Ngọc Khánh - Cát Linh - Quốc Tử Giám và kết thúc trước cửa ga Hà Nội. Dự án đi qua những công trình di tích lịch sử văn hóa tâm linh quan trọng như Văn Miếu - Quốc Tử giám, đền Voi Phục, Bích Câu cùng nhiều đền chùa khác và qua sát vườn thú Thủ Lệ… độ rung và ồn của tàu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những công trình di sản lịch sử và văn hóa vô giá này. Đặc biệt Văn Miếu là di sản UNESCO…

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội và Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 - tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tương lai của Thủ đô Hà Nội được kỳ vọng là một Thủ đô Xanh – Văn hiến – Văn minh và hiện đại. Vậy thì tại sao tỷ lệ “xanh” chưa đạt mà Hà Nội lại chặt thêm cây xanh? Trong bản quy hoạch nêu rõ quy hoạch từng vùng tại sao thực tế lại bị phá vỡ khiến giao thông ngày một ùn tắc?

Quy hoạch thì nhanh và dễ. Nhưng cây xanh có bóng mát thì cần thời gian mấy chục năm. Tại sao không có những giải pháp để đỡ phải chặt cây?

Với lý do chặt cây để xây dựng các tuyến đường, nhà ở, phục vụ tốt hơn cho tương lai thì ai sẽ tạo ra điều kiện môi trường tốt hơn cho người dân Hà Nội của thực tại? Ai sẽ trả giá tổn thất này?

Luật Thủ đô, Thông tư hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị của Bộ Xây dựng rồi biết bao quy định khác về bảo vệ cây xanh được ban hành, nhưng thực tế cây xanh Hà Nội lại luôn bị đe dọa đốn hạ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời cây, đời người và di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO