Đổi mới cách bán vốn nhà nước: Tránh kiểu hàng ngon giá rẻ

T.Hằng 17/03/2017 08:00

Trong quá trình bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa vẫn xảy ra một thực tế: DN không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá. Nhiều DNNN có quỹ đất vàng lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời cũng không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước...

Ảnh minh họa.

Tại buổi họp báo chuyên đề giới thiệu về Dự thảo Nghị định chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần chiều ngày 16/3, ông Đặng Quyết Tiến - Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2017 này sẽ đổi mới cách bán vốn nhà nước, không để thất thoát “đất vàng”.

Ngăn ngừa tình trạng “ôm đất” khi cổ phần hóa

Trong quá trình bán vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa vẫn xảy ra một thực tế: DN không tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá.

Nhiều DNNN có quỹ đất vàng lợi thế cho kinh doanh, nhưng không còn nhu cầu sử dụng hoặc trong diện phải di dời cũng không thực hiện trả lại đất cho Nhà nước, mà kêu gọi nhà đầu tư cùng liên doanh, hợp tác đầu tư bằng cách góp giá trị lợi thế quyền thuê đất để khai thác quỹ đất hiện có, sau đó thực hiện thoái toàn bộ vốn góp.

Thực chất đây là lách luật để chuyển nhượng đất cho nhà đầu tư. Việc thành lập công ty liên doanh, hợp tác đầu tư chỉ là hình thức và không minh bạch trong phương pháp xác định giá trị lợi thế quyền thuê đất khi góp vốn.

Vì vậy việc xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hóa có thể coi là vấn đề được quan tâm nhất.

Theo ông Đặng Quyết Tiến- Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, dự thảo Nghị định chuyển đổi DNNN thành công ty cổ phần (dự thảo) hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi DN có diện tích đất được giao và thuê) công bố, DN cổ phần hóa có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời, đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho biết thêm, dự thảo cũng quy định phương án sử dụng đất của DN phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị DN sẽ đảm bảo ngăn ngừa tình trạng DN lợi dụng tiếp tục nắm giữ, “ôm” lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương.

Trong thời gian qua khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa DNNN, có nhiều DN được cổ phần hóa thành công, song cũng không ít DN để thất thoát vốn Nhà nước. Những ồn ào xung quanh các cuộc thâu tóm “đất vàng”, thông qua thâu tóm DN cổ phần hóa thường xuyên xuất hiện trên mặt báo.

Chẳng hạn vào năm 2016 thị trường nóng với thông tin Kem Tràng Tiền, DN có quyền sử dụng 1.500 m2 đất vàng trên phố Tràng Tiền (Hà Nội) chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần…

Thị trường từng xôn xao với thông tin Kem Tràng Tiền chỉ được định giá 3,2 tỷ đồng khi cổ phần. Nguồn: vnmedia.vn.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Hải cho biết, cơ quan quản lý cần đưa ra quy định hoặc giám sát chặt chẽ quá trình cổ phần hóa, vì đây là thời điểm dễ xảy ra nguy cơ thâu tóm cổ phần, biến tài sản nhà nước thành của riêng cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Để khắc phục tình trạng biến của chung thành của riêng, điểm mới của dự thảo Nghị định cũng quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công ty cổ phần phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Thêm quyền lợi cho người lao động

Để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DNNN, ngoài việc hạn chế thất thoát vốn Nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN thì việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng là một nội dung quan trọng.

Theo dự thảo Nghị định, người lao động sẽ được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán bằng 60% giá trị 1 cổ phần tính theo mệnh giá (10.000 đồng/cổ phần). Phần giá trị ưu đãi này sẽ được trừ vào vốn nhà nước khi quyết toán và người lao động phải bỏ tiền để thanh toán 60% giá trị 1 cổ phần theo mệnh giá.

Đại diện ban soạn thảo Nghị định mới, ông Nguyễn Duy Long- Trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp, Cục Tài chính DN phân tích, thời gian qua, nhiều đơn vị đã tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước gồm cả các công ty TNHH một thành viên do công ty mẹ sở hữu 100% vốn, nhưng người lao động tại các công ty con (mà chưa được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại các DN khác) lại không được hưởng chính sách mua cổ phần ưu đãi tại công ty mẹ.

Trên thực tế, việc cổ phần hóa công ty mẹ không làm thay đổi loại hình DN tại các công ty TNHH một thành viên, nhưng về bản chất thì có sự thay đổi về chủ sở hữu. Do đó việc điều chỉnh chính sách bán cổ phần cho người lao động không những nhằm đơn giản hóa thủ tục, mà còn góp phần tạo thuận lợi cho người lao động nắm giữ cổ phần tại DN sau cổ phần.

Phải báo cáo tài chính nhà nước

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 25/2017/NĐ-CP về báo cáo tài chính nhà nước. Các đơn vị có nhiệm vụ lập báo cáo tài chính nhà nước và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp thông tin để lập báo cáo tài chính nhà nước gồm: Bộ Tài chính; Kho bạc Nhà nước các cấp; cơ quan quản lý, thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước các cấp; cơ quan quản lý tài sản, nguồn vốn của Nhà nước các cấp; cơ quan nhà nước, tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước; cơ quan, tổ chức quản lý quỹ tài chính ngân sách nhà nước ngoài ngân sách; đơn vị sự nghiệp công lập.
Nội dung của báo cáo tình hình tài chính nhà nước gồm: Tài sản Nhà nước; nợ phải trả của Nhà nước; nguồn vốn của Nhà nước. Nội dung báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước gồm: Thu nhập của Nhà nước; chi phí của Nhà nước; kết quả hoạt động tài chính của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới cách bán vốn nhà nước: Tránh kiểu hàng ngon giá rẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO