Đổi mới chính sách lương hưu: Vấn đề cấp thiết

Lan Hương 02/11/2016 07:46

Để bảo đảm cuộc sống khi về già không còn khả năng lao động, người cao tuổi (NCT) có thể dựa vào nguồn thu nhập từ lương hưu nhà nước (tham gia BHXH), lương hưu tư nhân (bảo hiểm nhân thọ) và lương hưu xã hội (trợ cấp xã hội từ Nhà nước). Tuy nhiên hiện ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ tư nhân chưa phát triển mạnh thì lương hưu nhà nước và lương hưu xã hội đóng vai trò quan trọng. Chính vì vậy việc đổi mới chính sách lương hưu xã hội đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Một điểm chi trả lương hưu. Ảnh: TL.

Thống kê của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cũng cho thấy, hiện nay, nước ta có khoảng 11 triệu người tham gia BHXH, phần lớn là lao động trong khu vực chính thức và người tham gia BHXH tự nguyện.

Tuy nhiên, thời gian qua, tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với NCT không cải thiện nhiều, đối tượng thụ hưởng tăng nhưng tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh, cho nên tỷ lệ NCT có lương hưu đang có xu hướng giảm.

Tính đến thời điểm năm 2014, có khoảng 1,586 triệu NCT được hưởng chính sách trợ cấp xã hội (lương hưu xã hội), trong đó có 97.000 người ở độ tuổi 60-79; nhóm từ 80 tuổi trở lên là trên 1,48 triệu người; khoảng 2 triệu người trong số 2,1 triệu người hưởng BHXH là NCT...

Đáng chú ý, các nghiên cứu trong năm 2015 của Viện Khoa học Lao động – Xã hội (Bộ LĐTB&XH) phối hợp cùng nhóm chuyên gia quốc tế (Stephan Kidd) cho thấy mức trợ cấp xã hội hay lương hưu xã hội cơ bản rất thấp.

Nếu lấy mức trợ cấp cơ bản năm 2015 là 270.000 đồng một tháng, tổng mức trợ cấp bằng 7,35% GDP bình quân đầu người một năm, bằng 67,5% chuẩn nghèo nông thôn, bằng 54% chuẩn nghèo thành thị; nếu so với mức sống tối thiểu năm 2015 khoảng 946.000 đồng thì chỉ bằng 28,5%.

Mức chuẩn trợ cấp xã hội chậm thay đổi, không theo kịp tình hình thay đổi của chỉ số giá cả CPI dẫn đến thu nhập thực tế từ trợ cấp xã hội hay lương hưu xã hội giảm, mức giảm ngang bằng mức tăng của chỉ số CPI cộng dồn, ước tính mỗi CPI tăng 5-6%, trong vòng 5 năm giá trị thực của trợ cấp xã hội hay lương hưu xã hội đã giảm xuống 25-30%.

Xuất phát từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, để đối phó với thách thức từ già hóa dân số và việc bảo đảm an sinh cho NCT thì các chính sách kinh tế - xã hội, nhất là chính sách BHXH, BHYT cần được xây dựng, sửa đổi cho phù hợp với xu hướng dân số ngày càng già để bảo đảm người già không bị lãng quên và khuyến khích sự đóng góp của NCT cho cộng đồng, xã hội.

Theo TS Nguyễn Hải Hữu, để bảo đảm cuộc sống khi về già không còn khả năng lao động, NCT có thể dựa vào nguồn thu nhập từ lương hưu nhà nước (tham gia BHXH) lương hưu tư nhân (bảo hiểm nhân thọ) và lương hưu xã hội (trợ cấp xã hội từ Nhà nước). Tuy nhiên hiện ở Việt Nam, bảo hiểm nhân thọ tư nhân chưa phát triển mạnh thì lương hưu nhà nước và lương hưu xã hội đóng vai trò quan trọng nhất trong việc bảo đảm đời sống của NCT, đặc biệt là nhóm từ 70 tuổi trở lên.

Chính vì vậy việc đổi mới chính sách lương hưu xã hội đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Trong đó việc xây dựng hệ thống hưu trí toàn diện đa tầng bao gồm hưu trí nhà nước, hưu trí tư nhân và hưu trí xã hội và xây dựng hệ thống BHYT và chăm sóc xã hội hiệu quả là chiến lược quan trọng để ứng phó với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam trong tương lai.

Liên quan tới vấn đề này, đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, một trong những định hướng cải cách chính sách lương hưu trong thời gian tới là mở rộng diện bao phủ, bao gồm cả hình thức bắt buộc và tự nguyện.

Cụ thể, mở rộng diện bao phủ lương hưu cho NCT, khuyến khích các hình thức tự tiết kiệm, tham gia quỹ hưu trí, mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ… Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có 50% số người lao động tham gia BHXH.

Bên cạnh đó, sẽ có các giải pháp để cải thiện mức hưởng lương hưu, mà trước hết, Luật BHXH (sửa đổi) năm 2014 đã chính thức có hiệu lực sẽ nâng dần mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH; đồng thời tiến tới xây dựng hệ thống lương đa trụ cột, tham gia bảo hiểm hưu trí bổ sung…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới chính sách lương hưu: Vấn đề cấp thiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO