Đổi mới công tác dân tộc, tạo đoàn kết và đồng thuận

Lù Văn Que Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 09/10/2015 06:19

Tiếp xúc, trao đổi với một số cán bộ và người dân tộc về Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, họ nói: Đó là Đảng của ta, việc của Đại hội bàn và quyết định cũng là vì dân, là việc của dân, nhưng ý của Đảng phải hợp với lòng dân, vì Đảng và  Bác Hồ “lấy dân làm gốc”, dân là chủ nước nhà. 

Cùng với đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới đất nước, Đảng phải tăng cường lãnh đạo đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc. Từ ngày có Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, Đảng và Bác luôn coi trọng giải quyết vấn đề dân tộc và đã đem lại độc lập và tự do cho đồng bào các dân tộc. Đất nước ta đã có 30 năm đổi mới, trong đó công tác dân tộc cũng đã có đổi mới, góp phần vào những thành tựu to lớn của đất nước. Cuộc sống của đồng bào các dân tộc có nhiều tiến bộ so với chưa đổi mới.

Nhưng, kết quả đổi mới chưa đáp ứng yêu cầu, vùng dân tộc và miền núi vẫn là vùng có nhiều khó khăn và nghèo nhất nước. Ở đây có trình độ phát triển không đều, có khoảng cách chênh lệch về nhiều mặt, rõ nhất là làm không đủ ăn, thu không đủ chi, xuất không đủ nhập, đói nghèo cao, dân trí thấp, cán bộ dân tộc thiểu số lại ít, văn hóa dân tộc bị mai một.

Nguyên nhân đó có cả khách quan, nhưng chủ yếu là chủ quan của ta, trong đó có công tác dân tộc. Nhận thức của các cấp, các ngành và của nhiều cán bộ, đảng viên về vấn đề dân tộc, chính sách dân tộc, công tác dân tộc chưa sâu sắc, chưa toàn diện. Việc tổ chức, chỉ đạo thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta ở các vùng dân tộc và miền núi còn một số yếu kém, khuyết điểm.

Đã có ý kiến cho rằng, “dân tộc là vấn đề cũ, đã giải quyết xong”, nên không thấy “vấn đề cũ” trong tình huống mới. Hiện đáng lưu ý là, ở một số vùng và một số dân tộc đang tiềm ẩn những yếu tố bất hòa và bất ổn, có “điểm nóng”. Tổng Bí thư Lê Duẩn lúc sinh thời từng nói: “ Chúng ta phải coi trọng vấn đề dân tộc. Có thể 100 năm sau sẽ hết giai cấp, nhưng dân tộc thì vẫn còn”.

Vấn đề dân tộc, công việc dân tộc có tính đặc thù quan trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài, là vấn đề có tính thời sự cấp bách và rất nhạy cảm…

Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quyết tâm, chủ động giải quyết tốt vấn đề dân tộc theo Đảng và Bác Hồ dạy; bảo đảm không có “điểm nóng” dẫn đến nguy cơ xung đột xã hội, gây bùng nổ dân tộc, làm mất ổn định chính trị - xã hội… Do đó, phải đổi mới về lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc; muốn có bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc thì phải đổi mới; để đổi mới thì phải chống bảo thủ; nếu không đổi mới thì công tác dân tộc cũng sẽ có nguy cơ tụt hậu.

Trong lĩnh vực dân tộc, công tác dân tộc có nhiều việc phải đổi mới, nhưng cần tập trung làm những việc then chốt như:

Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng cần có lý luận – tư duy mới về dân tộc. Đảng phải tổng kết thực tiễn giải quyết vấn đề dân tộc của Việt Nam và thế giới để đúc rút thành lý luận – có tư duy mới về dân tộc theo quan điểm của Mác – Lênin, của Đảng ta và tư tưởng Hồ Chí Minh, cho xứng với “vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn” của cách mạng nước ta trong thời kỳ mới. Có lý luận – tư duy mới về dân tộc soi sáng thì mới làm tốt công tác dân tộc, tránh làm mò và “vấp ngã”.

Quản lý nhà nước về dân tộc cần có Luật Dân tộc Việt Nam, thể chế hóa Điều 5 và các điều khác có liên quan của Hiến pháp năm 2013, chính là để chủ động giải quyết tốt vấn đề dân tộc của ta; việc này đã đặt ra từ Đại hội VIII của Đảng rồi, là việc làm hợp lòng dân. Khi Quốc hội quyết định chính sách dân tộc, Chính phủ ban hành quy định thực hiện cụ thể chính sách dân tộc phải hợp lòng dân, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và đoàn kết toàn dân tộc, có tính khả thi, đạt hiệu quả cao; khắc phục cho được những bất cập không đáng có.

Việc làm có ý nghĩa quyết định là, xây dựng cho từng dân tộc có một số cán bộ cốt cán. Đây là “cái gốc của mọi công việc” thành công hay thất bại ở vùng dân tộc, đều do cán bộ và đảng viên – người đại diện cho dân tộc họ tốt hay kém, “nhỏ như con ong, con kiến cũng có con đầu đàn của nó, huống chi là con người”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc sinh thời cũng từng nói: “Thực chất của chính sách dân tộc là vấn đề cán bộ dân tộc và phải có đội ngũ cán bộ của các dân tộc để có người tự đảm đương sự nghiệp xây dựng đời sống mới xã hội chủ nghĩa về kinh tế, văn hóa của các dân tộc mình, không có đội ngũ cán bộ dân tộc để làm việc đó thì khó có ai làm thay. Dẫu có người làm thay cũng chưa chắc đã làm tốt hơn họ”.

Trong Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII (Mục XII – PHÁT HUY SỨC MẠNH ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC) đã đề cập về đoàn kết các dân tộc. Tôi đề nghị xem xét, bổ sung một số ý như sau:

Trước cụm từ đoàn kết các dân tộc, phải thêm vấn đề dân tộc. Viết lại là: Vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc… Đoàn kết các dân tộc là một việc cụ thể trong vấn đề dân tộc; cho nên phải xác định đúng vị trí của vấn đề dân tộc như Văn kiện Đại hội X của Đảng.

Việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phải thêm “bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trong, đoàn kết, giúp nhau, phát triển”. Viết lại là: Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, bảo đảm các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp nhau, phát triển, tạo chuyển biến… Thực tiễn cho thấy, khi xây dựng cơ chế và chính sách không nắm vững mối quan hệ của các nguyên tắc đó thì cơ chế, chính sách sẽ có bất cập khó lường.

Cùng với chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phải thêm “người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc.” Viết lại là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, người tiêu biểu có uy tín trong các dân tộc. Hiện nay, đồng bào các dân tộc vẫn tôn sùng người tiêu biểu có uy tín của họ. Chúng ta phải biết phát huy vai trò của những người này thì sẽ có lợi cho giải quyết vấn đề dân tộc.
Ngoài ra, trong lãnh đạo và chỉ đạo thực hiện, tôi cũng mong được lưu ý thêm.

Công việc của dân tộc do toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lo giải quyết, trước hết là người dân tộc. Mọi việc làm dân phải biết, được bàn, được quyết, được kiểm tra, giám sát… Các cấp có trách nhiệm phải hướng dẫn cụ thể để đồng bào tự làm, không áp đặt, không ban ơn, không làm thay. Phải dùng người tốt và việc tốt, những người tiêu biểu trong các dân tộc, từng dòng họ của các dân tộc quản lý và giáo dục nhau đi theo Đảng và Bác Hồ sẽ có hiệu quả hơn.

Muốn đoàn kết, hòa hợp được các dân tộc và các tôn giáo phải nắm vững và thực hiện tốt các nguyên tắc, phương pháp đoàn kết của Đảng và Bác Hồ đã dạy. Phải lấy mục tiêu chung làm điểm tương đồng. Phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội. Nếu khi nào, ở đâu chưa giải quyết hài hòa lợi ích thì khó có bình đẳng và đoàn kết thực sự.

Đồng thời, phải nắm chắc lòng dân từng giây, từng phút như Bác Hồ dạy: Xây được tư tưởng đại đoàn kết của Bác Hồ trong lòng dân, để đồng bào các dân tộc (cả đa số và thiểu số) thấy thiếu nó thì không sống được, biến nó thành ý thức tự nguyện đoàn kết, khi đó mới có sức mạnh đại đoàn kết thực sự từ lòng người dân Việt Nam ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới công tác dân tộc, tạo đoàn kết và đồng thuận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO