Đổi mới để hội nhập sâu rộng

M.Loan - T.Hiếu 22/01/2016 22:48

Ngày 22/1, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng bước vào ngày làm việc chính thức thứ hai, thảo luận tại Hội trường về các dự thảo văn kiện. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp sáng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang điều hành phiên họp chiều.

Đổi mới để hội nhập sâu rộng

Đại biểu trong ngày làm việc thứ hai Đại hội XII của Đảng.

Đổi mới mạnh mẽ nếu không sẽ tụt lại phía sau

Tham luận tại Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đặt vấn đề cần phải đổi mới để đưa đất nước từ nền nông nghiệp trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam đang trong cơ hội ngắn ngủi còn lại của dân số vàng, từ năm 1970 và thường kéo dài 50 năm, theo tính toán đến năm 2020 chúng ta hết cơ hội dân số vàng. Chúng ta chỉ còn tối đa 10 năm thời kỳ dân số trong độ tuổi lao động cao nhất, sau đó giảm dần.

Thứ hai là động lực từ công cuộc đổi mới trước đây mang lại đang dần ít phát huy tác dụng. Bên cạnh đó dư địa cho tăng trưởng dựa trên tăng vốn đầu tư, lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên khoáng sản cũng không còn nhiều lợi thế.

Thứ ba, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, chúng ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Do đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế là một đòi hỏi có ý nghĩa sống còn.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung:Thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường

Với vị thế là Thủ đô- trái tim của cả nước, có truyền thống ngàn năm văn hiến, Hà Nội là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. Vì vậy, Hà Nội có trách nhiệm cao trong việc tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng thế mạnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Hà Nội vận dụng sáng tạo thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, vững chắc các loại thị trường, trong đó sớm hình thành một số thị trường mới như thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thị trường mua bán nợ, thị trường ý tưởng mới và tri thức, thị trường khoa học và công nghệ…

“Vì ba lý do nêu trên, Việt Nam phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, hiệu quả hơn nữa nếu không muốn tụt lại phía sau, nếu không muốn nền kinh tế trì trệ kéo dài rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp”- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

“Nước ta đứng trước bước ngoặt của cải cách và phát triển. Thời cơ và thuận lợi rất lớn. Nhưng thách thức và khó khăn không hề nhỏ. Để đạt khát vọng hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng, dân chủ, lựa chọn duy nhất của chúng ta là thực hiện cải cách, nếu không chúng ta không thể khai thác cơ hội, cũng không thể vượt qua được thách thức, nguy cơ tụt hậu xa hơn và rơi bẫy thu nhập trung bình khó tránh khỏi”.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng, 5 năm qua ngành đã tăng cường công tác quản lý đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn; tránh đầu tư dàn trải, thực hiện rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp...

Trong những năm tới, ngành GTVT sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đột phá để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Đầu tiên là sử dụng nguồn lực hợp lý, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế.

Xây dựng nền quốc phòng - an ninh với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp

Trình bày tham luận của Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch- Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhấn mạnh, trong những năm tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình tiếp tục có những biến động phức tạp. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á phát triển năng động nhưng đây cũng vẫn là nơi cạnh tranh quyết liệt về chiến lược giữa các nước lớn. Chúng ta sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, tình hình Biển Đông có những khó khăn, thách thức mới.

Trên cơ sở đó, Đại tướng Ngô Xuân Lịch đưa ra 4 đề xuất, cũng là những nhiệm vụ, giải pháp chính mà quân đội sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; Kiên quyết không để xảy ra bị động, bất ngờ; Xây dựng nền quốc phòng với tiềm lực, sức mạnh tổng hợp, được cấu thành trên cơ sở nguồn lực quốc gia và trong nhân dân, từ nhân dân, mang đậm tính chất tự vệ, không nhằm đe dọa bất cứ quốc gia nào.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong: Ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng

Ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng thay vì tốc độ tăng trưởng, là cơ sở tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong tương lai. Sự chuyển hướng ưu tiên cho chất lượng tăng trưởng sẽ tập trung vào việc sử dụng toàn diện và hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, các khuôn khổ thể chế cho một nền tảng quản trị tốt. Các giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng do đó rất đa dạng, bao quát trên nhiều khía cạnh: từ nâng cao sự đóng góp của khoa học công nghệ đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ phát triển các ngành có giá trị gia tăng cao đến phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, đầu tư cho giáo dục, y tế, văn hóa… và an sinh xã hội; từ giữ vững tốc độ tăng trưởng cao và bền vững đến đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng cuộc sống, đảm bảo chăm lo toàn diện đời sống nhân dân.

Ông Lê Viết Chữ- Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhấn mạnh, “Sống nhờ biển, giàu lên từ biển nên ta phải bám biển, giữ biển. Nói cách khác, phát triển kinh tế biển, đảo gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia là chủ trương lớn, là chiến lược nhất quán, là sự nghiệp lâu dài của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.

Trong tham luận của mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an lưu ý, trong thời gian tới, với tình hình trong nước và quốc tế phức tạp, phòng chống tội phạm sẽ vẫn là mặt trận nóng bỏng.

Đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của lực lượng Công an: Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng; nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích dự báo, nhận diện sớm các nguy cơ về an ninh; kịp thời triệt phá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không để lọt tội phạm, không để oan sai…, từ đó, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng: Tạo ra thế trận toàn dân phòng chống tội phạm ngay từ cơ sở, góp phần xây dựng xã hội an toàn, kỷ cương, lành mạnh, chấp hành pháp luật, không còn bất an trong nhân dân.

Và muốn làm được điều đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, học tập và hành động theo 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả, luôn vững vàng trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch, những cám dỗ, tiêu cực từ mặt trái kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, lơ là trách nhiệm trong công tác…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới để hội nhập sâu rộng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO