Đổi mới giáo dục 4.0, cánh cửa để hội nhập

Hồng Phúc 31/07/2017 07:05

Đổi mới giáo dục theo định hướng giáo dục 4.0 là vấn đề được quan tâm đặc biệt trong nhiều năm gần đây, bởi nếu không nhanh chóng chuyển đổi, ngành giáo dục nước nhà nhiều khả năng “tụt” lại phía sau trong xu thế phát triển của khu vực và thế giới…

Nhiệm vụ đổi mới giáo dục theo định hướng giáo dục 4.0 được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đặt ra trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có khu vực ASEAN.

TS Nguyễn Đắc Hưng- Vụ trưởng Vụ GD&ĐT (Ban Tuyên giáo Trung ương), là người có nhiều tâm huyết với chủ trương đổi mới giáo dục theo định hướng này. Ông từng xuất bản cuốn sách “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam” được nhiều trường ĐH, CĐ sử dụng làm tài liệu tham khảo khi nghiên cứu về lĩnh vực này.

Theo TS Hưng, mô hình giáo dục ĐH 4.0 nói dễ hiểu hơn là mô hình giáo dục thông minh, liên kết giữa trường ĐH, nhà quản lý và doanh nghiệp với nhau, trong đó đưa các tiến bộ CNTT vào trường học để nâng cao hiệu quả chất lượng đào tạo.

Nâng cao chất lượng đào tạo là xu thế chung để tạo thương hiệu của các trường ĐH, trong đó cách tiệm cận nhanh nhất là cập nhật liên tục xu hướng phát triển của thời đại.

Hiện nay một số trường ĐH lớn tại Việt Nam, như ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại thương, ĐH Quốc tế tại cả TP HCM và Hà Nội đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khác nhau để mổ xẻ mô hình đổi mới giáo dục mới mẻ này. Một số trường bước đầu đã thiết lập được việc ứng dụng giáo dục 4.0 vào trong giảng dạy, chẳng hạn tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành TP HCM đã sớm ứng dụng trong thực tiễn đào tạo, trở thành đơn vị tiên phong trong việc đổi mới giáo dục 4.0.

Theo TS Trương Thị Minh Sâm- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học Kinh tế và Quản lý (HASEM), muốn ứng dụng mô hình giáo dục ĐH 4.0 các trường cần chú trọng vào đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng hệ sinh thái trường học, bao gồm các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất ứng dụng thực nghiệm đạt tiêu chuẩn.

ThS Trần Viết Phú- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM nhìn nhận, trong xu thế cuộc cách mạng giáo dục 4.0 thì giáo dục nghề nghiệp cần thiết phải điều chỉnh mục tiêu đào tạo cho phù hợp.

ThS Phú đánh giá vai trò của các trường nghề trong giai đoạn hiện nay là rất quan trọng vì đã đến thập kỷ của “cần thợ hơn thầy” so với thực tế “thừa thầy thiếu thợ” như vừa qua.

Theo chuyên gia này, công tác quản lý ở các trường nghề đã và đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn đối với việc đổi mới hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, nhất là yêu cầu phải phù hợp với các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, trình độ và chất lượng cao cho các ngành nghề, các thành phần kinh tế, nâng cao tiềm năng trí tuệ là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách hiện nay khi chuyển đổi sang mô hình giáo dục 4.0.

Việc định hướng phát triển thích ứng của các trường ĐH với giáo dục 4.0 là xu hướng tất yếu, không thể không làm. Vấn đề là không chỉ trách nhiệm từ Bộ GD-ĐT mà mỗi trường ĐH, CĐ đã đến lúc chủ động trong đổi mới, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới giáo dục 4.0, cánh cửa để hội nhập

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO