Đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành

H.Vũ 17/03/2021 06:50

Ngày 16/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thẩm tra Báo cáo tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy: Nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra trong bối cảnh thế giới và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự ủng hộ, giám sát của Quốc hội, sự đóng góp to lớn, bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện. Theo đó, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành đã có nhiều đổi mới, quyết liệt, sâu sát, linh hoạt và sáng tạo, đóng góp vào những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện với nhiều dấu ấn nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong 5 năm 2016-2020, tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới.

Điển hình như: Năm 2018 và năm 2019, Chính phủ đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao. Riêng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão, lũ nhưng đã đạt và vượt 10/12 chỉ tiêu Quốc hội giao và thực hiện thành công “mục tiêu kép”, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả dịch Covid-19, tạo điều kiện cho phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 6,8% nằm trong 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới; giai đoạn 2016-2020 đạt 5,99%. Năm 2020 kinh tế nước ta vẫn kiên cường duy trì tăng trưởng dương trong khi kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng, đạt 2,91%, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và thế giới.

Qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ, các ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ; thống nhất cho rằng trong nhiệm kỳ 2016-2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã không ngừng đổi mới, linh hoạt, sáng tạo, sâu sát trong chỉ đạo, điều hành, cải cách mạnh mẽ và quyết liệt hành động theo phương châm “Chính phủ kiến tạo, hành động”.

Liên quan đến việc trong nhiệm kỳ qua, tình trạng xin điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn chưa được khắc phục triệt để, nhất là việc xin bổ sung dự án luật, nghị quyết còn nhiều, bà Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đây là những vấn đề đã được đề cập nhiều lần. Vì thế nếu không thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế thì khó khắc phục được tình trạng này trong hoạch định chính sách và xây dựng pháp luật. Từ đó theo bà Dung, đối với những văn bản quy định chi tiết còn đang nợ, Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm từ đó đề xuất giải pháp khắc phục cụ thể.

Theo ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến công tác thi hành pháp luật. Bởi việc ban hành văn bản là một khâu, nhưng còn nhiều vấn đề khác như: tuyên truyền, tổ chức thi hành ở cơ sở. Ông Xuyền cho rằng, do nhận thức vẫn chưa thống nhất, chưa đúng tinh thần của luật nên thực tế có việc thi hành pháp luật vẫn “tắc” ở cơ sở.

Từ thực tế tình hình, một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Quốc hội, các kiến nghị của các cơ quan của Quốc hội về kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Đồng thời báo cáo cụ thể về kết quả cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với tinh giản biên chế; kết quả thực hiện việc sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ, công chức, viên chức làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, tín nhiệm thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO