Đổi mới từ nông dân

Duy Khang 11/02/2020 08:20

Thông tin về việc Trung Quốc tiếp tục lùi thời hạn thông quan hàng hóa tại các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, trước mắt là tới cuối tháng 2/2020 đang làm dấy lên những lo lắng đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là dưa hấu và thanh long. Đây là hai sản phẩm khi vào trúng vụ thường được thu hoạch một sản lượng lớn, đồng thời cũng là hai mặt hàng chủ yếu được giao dịch qua các cửa khẩu, đường biên, để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Đổi mới từ nông dân

Các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ càng khắt khe hơn.

Có một thực tế là, ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam hiện đang phải loay hoay ứng phó với những sự cố bất ngờ xảy ra. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn sản lượng nông sản của chúng ta, nếu thị trường này “bình yên” không có biến cố gì thì không sao, nhưng hễ “có biến” là y như rằng, ngành nông sản nước nhà lại bị một phen điêu đứng. Thực tế là như vậy và đã diễn ra nhiều năm nay. Không phải chỉ khi có dịch nCoV xảy ra, chúng ta mới chứng kiến cảnh nông sản ùn tắc ở cửa khẩu Trung Quốc, mà câu chuyện này đã trở thành thường niên, đã trở thành nỗi ám ảnh của ngành nông nghiệp, của bà con nông dân, các DN xuất khẩu nông sản cũng như người tiêu dùng cả nước. Đó cũng là lý do tại sao, người ta không còn lạ lẫm khi nghe cụm từ “giải cứu nông sản”.

Nhìn cảnh hàng trăm xe container trở nông sản đến cửa khẩu không bán được, lại dội về để mong chờ được giải cứu, có ai không khỏi xót xa? Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh, một nhóm bạn trẻ đã lên tận các nhà vườn ở Gia Lai mua nhiều tấn dưa để vận chuyển xuống TP Hồ Chí Minh phát miễn phí cho người dân. Đó là nghĩa cử rất cao đẹp. Song, chúng ta không thể cứ mãi giải cứu ngành nông sản, bà con nông dân không thể mãi phụ thuộc vào một thị trường để rồi khi có sự cố, khi gặp rủi ro là trở nên thụ động, chờ những hành động, nghĩa cử cao đẹp của xã hội.

Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu nông sản. Những sản phẩm như gạo, cà phê, hạt điều, vải, nhãn, xoài và cả thanh long… của Việt Nam là những sản phẩm đã đặt chân đến nhiều thị trường trên thế giới, kể cả những thị trường khó tính nhất. Bởi vậy, không có lý do gì, một cường quốc xuất khẩu nông sản lại phải “ngậm đắng” nhìn cảnh hàng trăm tấn nông sản xuất khẩu bị tồn ứ ở cửa khẩu thường niên như vậy. Không có lý do gì, một ngành được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế lại vẫn phải trông chờ cảnh “giải cứu” tái diễn mỗi năm.

Bao nhiêu lần, chúng ta chứng kiến những giọt nước mắt của người nông dân khi phải đổ bỏ đi hàng chục, hàng trăm tấn dưa hấu, thanh long, su hào, cải bắp… Nói cho cùng, mấu chốt vẫn nằm ở việc chưa tìm ra được lời giải hữu hiệu nhất cho bài toán tiêu thụ nông sản.

Cần phải nói rõ rằng, Trung Quốc không phải là thị trường duy nhất tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Có rất nhiều nước, nhiều thị trường tiềm năng cần phải được các DN hướng đến. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sắp được phê duyệt với một thị trường có 508 triệu dân, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, có thể khẳng định, EU chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Và EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho nông sản xuất khẩu. Tương tự, CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cũng sẽ là thị trường tiềm năng cho ngành nông sản nước nhà. Thị trường Trung Đông cũng không phải ngoại lệ. Còn quá nhiều cơ hội, dư địa cho nông sản xuất khẩu, vậy tại sao chúng ta vẫn phụ thuộc vào một thị trường đầy tính rủi ro như thị trường Trung Quốc để rồi mỗi năm, lại phải ứng phó với một sự cố, mỗi năm nhà quản lý lại phải vào cuộc và đau đầu tìm cách gỡ rối cho nông sản xuất khẩu?

Như đã nói ở trên, Việt Nam đang tham gia ký kết hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. EVFTA, CPTPP cũng như các FTA khác cần phải là những mục tiêu xuất khẩu chính của ngành nông sản nước nhà. Đó mới là định hướng để ngành nông sản phát triển ổn định và bền vững. Tuy nhiên, cũng cần phải thừa nhận rằng, do phần lớn các sản phẩm nông sản vẫn sản xuất theo lối tự phát, manh mún, thiếu sự liên kết cho nên các sản phẩm của người nông dân làm ra hầu hết không đạt được các tiêu chuẩn, quy định quốc tế. Nói đơn giản như việc, bà con nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất với liều lượng… “chẳng giống ai” thì chắc chắn sản phẩm bà con làm ra sẽ bị loại ngay từ khâu kiểm dịch. Càng hội nhập sâu rộng, các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ càng khắt khe hơn. Do đó, để có thể tìm kiếm, mở rộng thị trường, yếu tố quan trọng là nông sản của Việt Nam phải đảm bảo được những quy chuẩn quốc tế. Tất nhiên, để đảm bảo được các yếu tố, quy chuẩn quốc tế, sản xuất nông nghiệp cần phải thay đổi. Thay đổi từ tư duy đến phương thức sản xuất, không thể sản xuất theo kiểu manh mún, tự phát như cách mà phần lớn nông dân Việt Nam đang làm hiện nay.

Nói gì thì nói, nông dân vẫn là chủ thể làm ra sản phẩm nông sản. Không có nông dân, sẽ không có hạt gạo, không có cây lúa, cũng sẽ không có những trái cây ngon để xuất khẩu ra thị trường quốc tế . Bởi vậy, nông dân là thành phần không thể thiếu trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Do đó, cần phải thay đổi tư duy sản xuất từ chính người nông dân. Nói như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi đối thoại với bà con nông dân: “Cùng với sự quan tâm của Nhà nước, người nông dân phải đổi mới thì mới có thành công”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới từ nông dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO