Đời muối, đời người

Nguyễn Chung 24/07/2020 08:16

Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu tôi viết về nghề muối, về những diêm dân có chung một nhân dạng đen xạm và héo quắt vì nắng gió nhưng tựu trung đều là cảm giác bức bối.

Cánh đồng muối Tam Hòa một ngày nắng nóng. Ảnh: Nguyễn Chung.

Trong cái nắng như đổ lửa, những cơn gió đuổi nhau ràn rạt chạy qua những ô thửa ruộng muối tít tắp. Dưới ánh mặt trời chói chang, đồng muối Tam Hòa trắng lòa đến nhức mắt. Có lẽ một ngày không xa, đồng muối này chỉ còn lại trong ký ức, một góc hoài niệm buồn về những phận người làm ra hạt muối.

Câu chuyện của lão diêm dân

Năm nay ông Thông tròn 72 tuổi, vợ ông thua ông đúng một tuổi. Ở nơi khác vào tuổi này người ta thường đã gác hết công việc nặng nhọc, điền viên vui thú. Nhưng ở đây, ông Thông cũng như nhiều diêm dân khác vẫn phải dậy từ gà gáy sang canh, ăn qua quýt lưng cơm nguội rồi tất tả ra đồng muối.

72 tuổi, ông Thông đã gắn đời mình với đời muối xấp xỉ tròn 60 năm.

2h chiều, đồng muối Tam Hòa (xã Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lác đác bóng người qua lại. Ông Thông cũng chụp lên đầu chiếc mũ công trường đã xỉn màu gạch rồi đẩy chiếc xe cút kít, thập thững ra đồng. Dưới cái nắng nung người, mặt ông lão đen xạm hằn lên những nét mệt mỏi.

“Trời năm nay độ diêm dân, cho nắng dài ngày nhưng đến gần tháng nay, muối của bà con làm ra không bán được một cân nào. Cứ đà này tôi cũng như nhiều hộ dân làm muối khác, đành bỏ nghề mất thôi. Đến lúc mệt rồi!”, ông Thông cố nén tiếng thở dài vào những ngọn gió đuổi nhau chạy ràn rạt qua những ruộng muối.

Hiện giá muối tại đồng muối Tam Hòa đã rớt xuống thảm hại, chỉ còn từ 1.200 – 1.300 đồng/1kg. Giá đã rẻ nhưng khoảng 1 tháng trở lại đây, tịnh không thấy bóng dáng của đầu nậu nào về hỏi mua, các kho muối của người dân đã đầy lên tận nóc và sắp không còn chỗ chứa.

“Chẳng phải riêng năm nay, chuyện “được mùa mất giá” mới xảy ra với muối Tam Hòa mà đây đã là câu chuyện từ nhiều năm trước. Chả thế mà đồng muối đang dần thu hẹp vì diêm dân đang nhạt dần với muối”, ông Thông nói.

Qua câu chuyện với ông Thông, đời sống cực nhọc, lam lũ của của diêm dân Hòa Lộc cứ thế chạy qua trước mắt tôi như một thước phim tư liệu câm, ẩn chứa nhiều nỗi niềm giằng xé. Nghề muối Tam Hòa có tự bao giờ, ông Thông không biết vì sinh ra đã cảm nhận vị mặn chát lẫn trong bầu sữa mẹ.

Ông lập gia đình rồi 4 đứa con lần lượt ra đời. Cũng như bao thế hệ khác của làng, chúng lớn lên cùng hạt muối nhưng thời buổi kinh tế thị trường, trai gái trong làng như những cánh chim đủ lông, đủ cánh vội vã vào Nam, ra Bắc tìm kế sinh nhai, đành đoạn, bội bạc với chính cái nghề đã nuôi chúng khôn lớn.

“Nhiều bữa thương nghề mai một, động viên chúng nó ở lại sống với đồng muối nhưng không đứa nào chịu nghe lời. Chúng nói nghề muối cực nhọc, làm quần quật quanh năm cũng không sắm nổi một bộ quần áo đẹp, thà vào công ty, làm công ăn lương cũng còn hơn chán vạn. Ngẫm chúng nó nói đúng, chả dám khuyên nữa, mỗi người một số phận. Như anh thấy đấy, giờ đồng muối chỉ còn lại toàn người già đã quá tuổi lao động bám víu, phần vì không biết làm gì khác để kiếm thêm thu nhập, phần giữ nghề của ông cha để lại”, tiếng ông lão nghẹn thắt.

Những điều ông Thông nói đều đúng cả. Hiện tại, số người còn lại trên đồng muối Tam Hòa đều là những người đã quá độ tuổi lao động. Thậm chí có nhiều ông bà còn cao tuổi hơn ông Thông vẫn phải ngày ngày đánh vật với nắng, với gió để mưu sinh trên đồng muối.

Phần lớn số thanh niên và người trong độ tuổi lao động của xã đã xin vào làm tại khu công nghiệp. Vì theo cách tính đơn giản của họ, chỉ cần làm đủ công thì 1 tháng lương đã bằng cả năm làm cật lực trên đồng muối. Vậy thì hà cớ gì cứ phải bám lấy cái nghề khốn khổ này.

Lão diêm dân trên đồng muối Tam Hòa.

Lối đi nào cho làng muối?

Trong số các giám đốc tôi đã gặp, có lẽ chưa có vị giám đốc nào lại đặc biệt như ông. Nó đặc biệt từ mái tóc trắng màu muối, khuôn mặt gầy gò, xạm màu đồng hun hằn chi chít các nếp nhăn, áo sơ mi bám đét vào các rẻ sườn trồi sụt theo từng nhịp thở. Ông là Đào Nguyên Hồng- Giám đốc HTX muối Tam Hòa.

Trước những vấn đề tôi đưa ra, ông Hồng chậm rãi cắt nghĩa đâu là nguồn cơn dẫn đến tình trạng bi đát như hiện nay của diêm dân Tam Hòa. Hiện tại, tổng diện tích sản xuất muối thực giao cho diêm dân tại Hòa Lộc chỉ còn khoảng hơn 40 ha, với khoảng 750 lao động và hơn 2.000 khẩu ăn theo.

Tính ra, mỗi khẩu chỉ được chia 135 m2 đất làm muối. Với giá muối hiện hành, một lao động làm cật lực thì một ngày công chỉ đạt thu nhập tối đa là nhích 100 nghìn đồng. Một năm làm được 6 tháng và nếu đem nhân lên thì một năm, 1 diêm dân sản xuất được 12 tấn muối.

Thêm vào đó là vấn đề đầu ra bấp bênh, không có người cầm trịch đã khiến giá muối luôn biến động, mạnh ai nấy bán nên thương lái có điều kiện ép giá. “Chính vì những lý do này mà bà con, đặc biệt là lớp thanh niên đã phải rời bỏ đồng muối, tìm sinh kế khác”, ông Hồng lý giải.

Vậy tại sao với vai trò của mình, HTX muối Tam Hòa không trực tiếp đứng ra ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con, vừa đảm bảo đầu ra, vừa ổn định giá cả?- tôi hỏi ông Hồng.

“Muốn lắm chứ nhưng “cái khó nó bó cái khôn”. HTX không đủ điều kiện để cầm cái vì không có vốn. Đã nhiều lần chúng tôi họp bàn, vay ngân hàng nhưng vay bằng cách nào trong khi không có tài sản thế chấp? Hiện nay, HTX muối Tam Hòa chỉ đủ sức đứng ra lo dịch vụ thủy lợi, kênh mương nội đồng cho người dân. Còn lại thì người dân phải “tự bơi” trên chính ruộng muối của mình” - ông Hồng không giấu được sự bất lực, nói.

Đem những vấn đề nói trên đến UBND xã Hòa Lộc, tôi được ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ khá thẳng thắn, dưới góc nhìn của người đã lớn lên cùng nghề muối. Chỉ khoảng 10 năm trước, cả Hòa Lộc có đến gần 100 ha diện tích đất làm muối nhưng hiện tại chỉ còn lại hơn 40 ha.

Sản xuất thủ công, giá muối không thể cạnh tranh với thị trường, đặc biệt là với các vựa muối trong Nam. Điều này dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp, khiến người dân không thể có vốn để tái đầu tư vào cơ sở hạ tầng nghề muối và đồng muối ngày càng thu hẹp là điều tất yếu.

Thêm vào đó là việc các doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh muối trên địa bàn chưa thể hiện được vai trò nòng cốt trong tiêu thụ sản phẩm cho dân. Hàng năm chỉ thu mua được khoảng 8% sản lượng muối diêm dân làm ra, phần lớn còn lại diêm dân tự bán cho các đầu nậu tư thương nên bị ép giá. Cơ quan quản lý nhà nước không thể dùng các biện pháp hành chính để can thiệp vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Thực ra, vừa qua cũng có một số doanh nghiệp tỉnh ngoài vào đặt vấn đề, ký hợp đồng bao tiêu 1.000 tấn muối mỗi tháng. Nhưng anh thấy đấy, mặc dù muối tồn từ mấy tháng nay nhưng khi có được đề nghị làm ăn dài hạn thì bà con lại không dám vì thời tiết bấp bênh và mỗi năm chỉ sản xuất được 6 tháng. Sản lượng không đủ cung ứng thì làm sao đủ gan để đặt bút ký vào hợp đồng. Khó lắm”, ông Huân nói.

Vậy, đâu là lối đi cho đồng muối Hòa Lộc và diêm dân Tam Hòa? Theo ông Huân, giải pháp duy nhất để cải thiện đời sống của người dân ở đây cũng như cứu cánh cho đồng muối Tam Hòa là phải mạnh dạn chuyển đổi thêm nhiều diện tích làm muối không hiệu quả sang nuôi tôm trên cát.

Có chăng chỉ giữ lại khoảng 12 ha để diêm dân giữ nghề tổ truyền. Còn lại một phần giao cho cụm công nghiệp nghề cá Hòa Lộc, chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh dịch vụ. Thực tế đã có một vài hộ mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm và đã thành công ngoài mong đợi.

Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu tôi viết về nghề muối, về những diêm dân có chung một nhân dạng đen xạm và héo quắt vì nắng gió nhưng tựu trung đều là cảm giác bức bối. Bao giờ cũng là câu hỏi: Lối đi nào cho những đồng muối?

Và hình như chưa khi nào tôi tìm được câu trả lời thỏa đáng cho mình. Có lẽ, một ngày không xa, đồng muối Tam Hòa chỉ còn lại trong ký ức, một góc hoài niệm buồn về những phận người làm ra hạt muối.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời muối, đời người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO