Đổi thay nhờ cây sả

T. Anh 15/08/2017 14:20

Những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Ea Tir, huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) đã mạnh dạn trồng sả lấy tinh dầu trên diện tích đất cằn cỗi. Cây sả đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, góp phần làm đổi thay đời sống của người dân vùng đất cằn sỏi đá.

Trồng sả ở Ea Tir giúp nhiều gia đình thoát đói nghèo

Ea Tir là xã vùng sâu, vùng xa, địa hình chủ yếu là đồi núi, đất đai cằn cỗi. Ông Vương Văn Lực- Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir cho biết, trong khoảng 10 ngàn ha đất tự nhiên của xã thì có tới gần 6 ngàn ha đất cằn sỏi đá không thể canh tác cây công nghiệp và cây ăn quả, do đó đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm gần đây, người dân địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư trồng cây sả lấy tinh dầu trên những diện tích đất sỏi đá. Bước đầu nhiều hộ dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu từ trồng sả lấy tinh dầu.

Gia đình anh Mông Văn Mậu, thôn 1, xã Ea Tir là một trong những hộ đầu tiên trồng sả trên đất sỏi đá ở địa phương. Hiện gia đình anh Mậu đang trồng 5 ha sả, cứ 45 ngày anh lại thu hoạch sả 1 lần.

Cây sả sau khi thu hoạch sẽ được tách tinh dầu, mỗi lít tinh dầu sả được các công ty ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thu mua với giá dao động từ 250.000 -330.000 đồng, trừ chi phí sản xuất và nhân công mỗi năm gia đình anh Mậu thu lãi từ 600 triệu -700 triệu đồng.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Tir, thời gian thu hoạch sả liên tục trong năm nên người dân trong xã có được nguồn thu nhập ổn định. Việc trồng và chăm sóc cây sả khá đơn giản, không cần phải phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật.

Cây sả cho thu hoạch liên tục trong khoảng 5 năm mới cần trồng lại, chi phí đầu tư chăm sóc cây thấp nên đem lại lợi nhuận khá cao. Ngoài ra, lá của cây sả sau khi được tách tinh dầu còn được tận dụng làm phân hữu cơ, bón cho cây tiêu, giúp tăng sức đề kháng của cây tiêu, góp phần đem lại năng suất cao.

Theo ông Mông Văn Mậu- Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng sả xã Ea Tir, cây sả đang giúp nhiều nông hộ xóa đói giảm nghèo. Số hộ trồng sả ở xã đã tăng mạnh. Tuy nhiên, để người nông dân gắn bó lâu dài với loại cây trồng này, sản phẩm tinh dầu sả cần có thị trường tiêu thụ lâu dài.

Vì vậy, việc thành lập Hợp tác xã, nhằm liên kết người nông dân trồng sả, thống nhất từ khâu sản xuất đến khi cho ra sản phẩm, đảm bảo chất lượng của tinh dầu sả và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ là hướng sản xuất bền vững mà Tổ hợp tác trồng sả đang hướng đến.

Ông Nguyễn Văn Tuấn- Chủ tịch UBND xã Ea Tir cho biết, cây sả đã góp phần giúp người dân vùng đất nghèo Ea Tir nâng cao thu nhập. Hiệu quả kinh tế từ việc trồng sả lấy tinh dầu đã được chứng minh tại địa phương, nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm nhờ trồng sả. Nhiều hộ trong xã đã vươn lên thoát nghèo, trở thành những hộ khá giả nhờ trồng sả.

Hiện toàn xã Ea Tir có hơn 100 ha sả trồng trên đất sỏi đá. Chính quyền địa phương đã xác định trồng sả lấy tinh dầu là hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay nhờ cây sả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO