Đổi thay ở 'thủ đô kháng chiến Nam Bộ'

Khuynh Diệp 02/01/2020 08:00

Cuối mùa mưa, chúng tôi trở lại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An- thủ phủ kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ cuối những năm bốn mươi đầu năm mươi (thế kỷ 20). “Truyền thống địa danh kháng chiến 70 năm trước là điểm tựa để chúng tôi xây dựng nông thôn mới Nhơn Hòa Lập, tạo chất lượng cuộc sống cho nhân dân ngày càng tốt hơn”- ông Lê Phước Vẹn, Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập tự hào nói.

Đổi thay ở 'thủ đô kháng chiến Nam Bộ'

Khu di tích Xứ ủy và Ủy ban Hành chính kháng chiến Nam Bộ tại xã Nhơn Ninh.

Những năm tháng không bao giờ quên

Tháng 7/1948 bên bờ kinh Năm Ngàn, đồng chí Lê Duẩn chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Xứ ủy Nam Bộ. Tại Hội nghị này, đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Xứ ủy. Kể từ Hội nghị lần thứ nhất Xứ ủy Nam Bộ, Nhơn Hòa Lập trở thành thủ phủ kháng chiến Nam Bộ. Căn nhà của má Tám tức Võ Thị Thay trên bờ kinh Dương Văn Dương đặt làm Văn phòng Xứ ủy và là nơi làm việc hàng ngày của đồng chí Lê Duẩn. Má Tám - Võ Thị Thay nhận đồng chí Lê Duẩn làm con nuôi. Má Tám là con thứ tám của ông Võ Văn Hoàng, một cư sỹ giỏi võ nghệ, người huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) từng tham gia chống Pháp, đầu thế kỷ 20 đưa gia đình sang xã Nhơn Ninh khai vỡ đất hoang, cùng nhiều người lập nên ấp 915 (tên đội du kích Nhơn Ninh) ngày nay.

Gia đình ông Võ Văn Hoàng cò 3 người được tôn vinh Mẹ Việt Nam anh hùng, gồm má Tám, má Võ Thị Sung và má Võ Thị Phát.

Tháng 9/1946, thực dân Pháp đóng ở đồn Lagrent ngã tư kinh Dương Văn Dương cho lính lùng sục bắt chồng má Tám và con trai là Nguyễn Văn Kỉnh đưa về đồn tra tấn đến chết. Tại Văn phòng Xứ ủy đóng ở nhà má Tám, sau mỗi ngày làm việc, tối đến Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn sang bên kia bờ kinh Dương Văn Dương ngủ tại căn nhà của ông bà Nguyễn Văn Siêu.

Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam Bộ được thành lập. Ngày 15/8/1948, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 132 cử các ông Phạm Văn Bạch (Chủ tịch); Nguyễn Văn Bình và Phạm Ngọc Thuần (Phó Chủ tịch); các vị: Trần Bửu Kiếm (Tổng Thư ký); Nguyễn Thanh Sơn. Nguyễn Văn Vĩnh, Kha Vạng Cân, Ung Văn Khiêm, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Ngọc Nhựt (Uỷ viên) tham gia Ủy ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam Bộ. Các ông Cao Triều Phát và Nguyễn Bá Sang làm Cố vấn. Từ chiến khu Đồng Tháp Mười, nhờ uy tín của Uỷ ban Kháng chiến kiêm Hành chính Nam Bộ, nhiều nhân sỹ, trí thức từ Sài Gòn ra bưng biền tham gia kháng chiến. Những ngày này, đôi bờ kinh Dương Văn Dương của Nhơn Hòa Lập dài vô kinh Năm Ngàn, kinh Trại Lòn được ví như thủ phủ - thủ đô kháng chiến Nam Bộ, trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa ở Đồng Tháp Mười. Chỉ 4 ngày sau chiến thắng trận Mộc Hóa của tiểu đoàn 307 (18/8/1948), đêm 22/12/1948 bộ phim tài liệu “Trận Mộc Hóa”- đứa con đầu lòng của Điện ảnh Nam Bộ đã được chiếu rộng trên bờ kinh Dương Văn Dương cho hàng vạn quần chúng Đồng Tháp Mười đến xem.

Để tôn vinh “Địa chỉ đỏ” Nhơn Hòa Lập và làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ, năm 2017 tỉnh Long An đã đầu tư kinh phí phục dựng bên kinh Dương Văn Dương công trình Di tích Xứ ủy và Uỷ ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ.

Đổi thay ở 'thủ đô kháng chiến Nam Bộ' - 1

Đường giao thông nông thôn mới xã Nhơn Hòa Lập.

Nông thôn mới, cuộc sống mới

Một ngày cuối năm 2019, chúng tôi trở lại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An khi nước lũ trong đồng hối hả rút ra kinh Năm Ngàn để nhập vào kinh Dương Văn Dương, chuẩn bị mở đất vào vụ sạ lúa vụ đông - xuân 2019-2020. Dù đang bận rộn nhiều công việc cuối năm, ông Lê Phước Vẹn- Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hòa Lập vẫn cho chúng tôi biết về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ông Vẹn tự hào khẳng định: “Truyền thống địa danh kháng chiến 70 năm trước trở thành điểm tựa để hôm nay Nhơn Hòa Lập chúng tôi xây dựng nông thôn mới, đem lại chất lượng cuộc sống cho nhân dân ngày càng tốt hơn”.

Hôm ấy, chúng tôi đi thăm một số mô hình về xây dựng đường giao thông nông thôn; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trên địa bàn Nhơn Hòa Lập.

Ông Trần Thanh Bảy- Trưởng ấp Nguyễn Sơn dùng xe gắn máy chở tôi dọc theo tuyến lộ trải thảm bê tông dài 3 cột số từ Khu di tích Xứ ủy vả Uỷ ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ xuyên tâm ấp Bùi Thắng vô ấp Nguyễn Sơn. Dừng xe trước Nhà Văn hóa ấp, ông Bảy giới thiệu: “Đường được khánh thành năm 2018, kinh phí đầu tư 3,5 tỷ đồng từ ngân sách. Nhân dân ấp Bùi Thắng và ấp Nguyễn Son hiến gần 1 ha đất vườn (tương đương 3 tỷ đồng) cùng Nhà nước mở đường”.

Có đường, mọi người đua nhau sắm xe xịn, sửa sang lại nhà cửa day mặt ra đường. Để tạo cho đường xanh - sạch - đẹp, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên phát động phong trào trồng hoa dọc hai bên đường, làm cho tuyến đường giao thông liên ấp đẹp hẳn lên. Là Phó Bí thư chi bộ ấp Nguyễn Sơn, anh Nguyễn Văn Hạnh luôn đi đầu trong việc chuyển đổi cây trồng và vật nuôi tạo mô hình cho nông dân tham khảo.

Hai vợ chồng và hai con của gia đình anh Hạnh vẻn vẹn có 4.500 m2 đất sản xuất, mỗi năm hai vụ, nếu trúng mùa thu chưa nổi 7 tấn thóc, trừ chi phí đầu tư chỉ đủ lúa ăn. Tìm hiểu kinh nghiệm nuôi cá chạch lấu cho nguồn lợi cao gấp nhiều lần trồng lúa, đầu năm 2019, anh Hạnh quyết định chuyển 500m2 sang nuôi cá chạch lấu. Tháng 4/2019, anh Hạnh xuống tỉnh Hậu Giang vừa học hỏi kinh nghiệm của nông dân thành đạt vừa chọn mua 4.000 con giống, giá 7.000 đồng/con về thả. Theo tính toán, một ngày cá tiêu thụ 7 kg thức ăn (140.000 đồng) Sau 240 ngày nuôi, khi xuất bán cá có trọng lượng trung bình 4 - 5 con/kg.

Tại thời điểm cuối năm 2019, lái vô tận ao thu mua giá từ 400.000 - 450.000 đồng /kg. “Trừ chi phí và tỷ lệ hao hụt, trên diện tích 500 m2 tôi có khả năng thu không dưới 200 triệu đồng, gấp hơn 100 lần so với lúa trên cùng diện tích”- anh Hạnh nói. Anh Hạnh còn “bật mí”: Đang chuẩn bị điều kiện như đi tham quan, tập huấn để khởi nghiệp nuôi cá heo.

Cùng với gia đình anh Hạnh, ở ấp Nguyễn Sơn có anh Vũ Văn Nghiệm cũng chuyển 600 m2 đất lúa sang nuôi cá chạch lấu. Không chỉ có mô hình nuôi cá chạch lấu của anh Hạnh, anh Nghiệm ở ấp Nguyễn Sơn, phong trào cải tạo vườn tạp, tận dụng đất trống ven các tuyến giao thông nông thôn trong xã, nông dân xuống giống mít nhập ngoại đem lại lợi nhận khá hấp dẫn.

Ông Lê Phước Vẹn thông tin thêm, để nâng cao chất lượng hạt lúa phục vụ xuất khẩu, Nhơn Hòa Lập đang xây dựng vùng trồng lúa theo mô hình ứng dụng công nghệ cao. Bước đầu nông dân ấp Nguyễn Sơn và Nguyễn Bảo thực hiện 214 ha, năng suất đạt 8,5 tấn/ha.

Đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới đến tháng 9/2019, ông Võ Văn Điền- Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập phấn khởi cho biết: “Mặc dù là vùng đất trũng ở Đồng Tháp Mười, nhờ sự đồng thuận của nhân dân, chúng tôi đã rất thành công trong xây dựng giao thông nông thôn; giải quyết việc làm. Toàn xã chỉ còn 54/1.670 hộ nghèo, tương đương 3,2%”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở 'thủ đô kháng chiến Nam Bộ'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO