Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Raglai

Phan Sáu 10/03/2019 15:00

Năm 2018, Khánh Sơn (Khánh Hòa), nơi có khoảng 70% số dân là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống có 5/7 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới; trong đó, Sơn Bình và Sơn Hiệp là 2 xã có số tiêu chí cao nhất, lần lượt là 14 và 12 tiêu chí.

Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Raglai

Người dân chăm sóc hồ tiêu, cây trồng chủ lực giúp đồng bào thoát nghèo.

Sau 7 năm (2011 - 2018) thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Bình hoàn thành 14/19 tiêu chí của chương trình. Địa phương này đang nỗ lực phấn đấu sẽ hoàn thành thành 19/19 tiêu chí vào năm 2020.

Quá trình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng thu nhập cho người dân. Năm 2017 có 10 hộ nghèo và cận nghèo của xã được hỗ trợ vốn, kĩ thuật sản xuất mô hình trồng quýt đường đạt hiệu quả kinh tế cao.

Chị Bo Bo Thị Tân - một hộ cận nghèo xã Sơn Bình được nhận hỗ trợ năm 2017 cho biết, từ thời điểm cây quýt cho trái, bán được giá, gia đình không còn cảnh thiếu ăn, không còn phải vào rừng bẻ măng, chặt củi như trước. Chị và chồng đang tính có thêm ít tiền sẽ sửa lại ngôi nhà.

Theo anh Nguyễn Văn Quý, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, năm 2016, gia đình có 2 ha cây cà phê nhưng không còn hiệu quả cao như trước nên anh chuyển đổi sang trồng bưởi da xanh và sầu riêng. Năm vừa qua, sầu riêng cho thu hoạch. Với diện tích chưa tới 1 ha sầu riêng, gia đình thu về 500 triệu đồng. Theo đó, đời sống của gia đình ổn định hơn, các con của chị yên tâm tới trường thay vì hàng ngày phải phụ giúp bố mẹ trên rẫy như trước đây.

Ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung cho biết, địa phương luôn phát huy vai trò của cộng đồng nên quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới được dân đồng lòng rất cao. “Chúng tôi phấn đấu đến năm 2019 sẽ đạt được thêm 2 tiêu chí về y tế và hệ thống chính trị - tiếp cận pháp luật, để xã đạt 12/19 tiêu chí”, ông Dũng cho hay.

Chỉ riêng trong năm 2018, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt cho Khánh Sơn tiếp tục chuyển đổi trên 348 ha cây hằng năm, cây lâu năm kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Hiện tại, toàn huyện chỉ còn 45 ha lúa nước.

Quả thực, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng chủ lực ở Khánh Sơn như: sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh, quýt đường và mía tím… đã khiến cho bộ mặt của một huyện miền núi khác đi rất nhiều.

Các xã, thị trấn bước đầu hình thành được vùng hàng hóa và cây thế mạnh, định vị thương hiệu hàng hóa Khánh Sơn trên thị trường như: Vùng chuối xã Thành Sơn, vùng cây ăn quả xã Sơn Bình, cây mía tím Sơn Hiệp, tiêu Sơn Trung, Sơn Lâm... Bên cạnh những mặt thuận lợi, huyện cũng gặp không ít khó khăn, thách thức về nguồn vốn đầu tư, một số tiêu chí được thay đổi với mức độ cao hơn, đang đặt ra nhiều thách thức với địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, 4 tiêu chí khó đạt được nhất là nhà ở dân cư, thu nhập, xóa hộ nghèo và tổ chức sản xuất. Nguyên nhân là do một phần do nguồn kinh phí hỗ trợ cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra. Một phần do đời sống của đồng bào còn khó khăn.

Trước những khó khăn đó, huyện Khánh Sơn cũng xây dựng các giải pháp cụ thể để thực hiện từng tiêu chí, trong đó tập trung vào phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tổng nguồn vốn thực hiện chương trình trong năm 2019 dự kiến trên 35 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc Raglai

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO