Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

Đoàn Mạnh 08/02/2021 08:31

Đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng được nâng cao, phát triển phong phú, đa dạng.

Đua ghe ngo.

Trong quá trình thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Kiên Giang đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương; công tác xây dựng các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng được nâng cao, phát triển phong phú, đa dạng.

Với nguồn lực của Trung ương và địa phương, những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư thực hiện các chương trình, dự án, đề án, các chính sách trong vùng đồng bào DTTS. Từ đó kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS không ngừng phát triển; đời sống của đồng bào DTTS từng bước được nâng lên; 100% xã trong vùng đồng bào DTTS có đường giao thông nông thôn đến trung tâm xã và trạm y tế.

Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững,… được triển khai, thực hiện mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm bình quân giảm trên 3%... Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xuất hiện ngày càng nhiều gia đình đồng bào Khmer, người Hoa là gia đình văn hóa tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc, gia đình hiếu học, ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo…

Đặc biệt, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các thiết chế vùng đồng bào dân tộc Khmer từng bước được đầu tư, hoàn thiện như nhà văn hóa, đội thông tin lưu động, nhà truyền thống, thư viện, đội văn nghệ quần chúng, bưu điện văn hóa xã. Về cơ bản đã đưa các hoạt động văn hóa về cơ sở phục vụ cho đồng bào ở vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Toàn tỉnh có 75 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, trong đó nhiều chùa được trùng tu sửa chữa khang trang. Riêng 8 chùa - tháp Khmer được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa (5 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh). Có 5 chùa Khmer là di tích được đưa vào dự án bảo tồn trong tổng số 10 di tích trong năm 2018 với tổng số vốn bố trí là 7.799 triệu đồng bằng nguồn vốn ngân sách.

Bên cạnh đó, ngành Văn hóa và Thể thao đã cấp hơn 100 bộ âm thanh, nhạc cụ, giúp cho các Đội văn nghệ và 15 chùa Nam tông Khmer trong tỉnh có phương tiện hoạt động. Bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, đến nay toàn tỉnh đã có 24/75 chùa có ghe Ngo tham gia vào hoạt động thể thao đua ghe Ngo trong các lễ hội. Các lễ hội truyền thống của người Khmer, người Hoa được các cấp chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, đảm bảo đúng quy chế tổ chức lễ hội, trên tinh thần an toàn, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục và điều kiện của từng địa phương.

Tỉnh cũng quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện chính sách dân tộc và đã duy trì tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Phòng Văn hóa và Thông tin các địa phương đẩy mạnh việc triển khai các chủ trương chính sách phát triển văn hóa đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Các thiết chế văn hóa cơ sở từng bước được xây dựng, phong trào văn hóa văn nghệ vùng đồng bào dân tộc Khmer được duy trì và phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi thay ở vùng đồng bào Khmer Nam Bộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO