Dồn lực chữa trị cho người bệnh

THANH GIANG 26/07/2021 08:11

Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng cao, theo đó số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng sẽ tăng, TP HCM phải thay đổi mô hình điều trị. Theo đó, thành phố đã kêu gọi tất cả nguồn nhân lực y tế cùng tham gia chăm sóc và điều trị bệnh nhân Covid-19.

Ngành y tế TP HCM đang dồn lực chống dịch Covid-19.

Y tế tư nhân tham gia điều trị F0

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn thành phố, ngày 25/7, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Dự báo, 5 - 7 ngày tới, số ca nhiễm tại thành phố vẫn ở mức cao.

Cùng ngày Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) thông tin, tính hết ngày 24/7, có 56.637 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP HCM. Hiện thành phố đang điều trị 38.011 bệnh nhân dương tính, trong đó có 624 bệnh nhân nặng đang thở máy và 10 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Trong bối cảnh số ca Covid-19 tiếp tục tăng cao, tương ứng số bệnh nhân nặng và nguy kịch cũng sẽ tăng, thành phố phải thay đổi mô hình điều trị. Ngành y tế thành phố đưa ra kịch bản số ca nhiễm có thể lên đến 80.000 trường hợp. Để thuận tiện cho khâu điều trị khi các nhiễm Covid-19 tăng cao, TP HCM đã chủ động thay đổi mô hình điều trị sang tháp 5 tầng, đồng thời huy động bệnh viện (BV) tư nhân cùng tham gia điều trị Covid-19.

Tầng 1 sẽ tiếp nhận 40.000 người (50% F0) tại các khu cách ly do các quận, huyện và thành phố Thủ Đức thành lập.

Tầng 2 đang được thành phố mở rộng và nâng cao công suất với 21.600 giường (27% F0) điều trị bệnh nhân có triệu chứng và bệnh lý nền kèm theo, tại các BV dã chiến.

Tầng 3 sẽ thu dung và điều trị khoảng 8.000 F0. Tầng 3 chủ yếu là các BV tuyến quận, huyện được chuyển đổi công năng gồm 8 BV là BV điều trị Covid-19 Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Quân Dân y miền Đông, Lê Văn Việt, Hóc Môn, Gò Vấp và BVĐK Sài Gòn. Sắp tới, thành phố sẽ đưa một số BV vào nhóm tầng 3 như: BV Da liễu, Bưu điện, Giao thông vận tải, Chỉnh hình và phục hồi chức năng,… Song song đó, các BV tư nhân cũng được huy động, gồm BV Triều An, Vạn Hạnh, Quốc tế City, Đa khoa Hoàn Mỹ Sài Gòn, Quốc tế Nam Sài Gòn, Hoàn Mỹ Thủ Đức, Xuyên Á.

Tầng 4 hiện có 11 BV, gồm: Phạm Ngọc Thạch, Trưng Vương, Thủ Đức, TP Thủ Đức, Nhi đồng Thành phố, Nhi đồng 2,.. tổng số giường là 4.041 giường. Tuy nhiên, thời gian tới cũng có vài BV tư nhân tham gia vào tầng này.

Tẩng 5 có 4 BV hồi sức Covid-19 với 1.800 giường, gồm: Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới, Hồi sức Covid-19, Quân y 175. Các cơ sở này được trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức hiện đại, có nhiệm vụ hồi sức chuyên sâu các F0 nguy kịch. Dự kiến, BV Nhân dân Gia Định và Nhân dân 115 sẽ tham gia điều trị bệnh nhân ở tầng này.

Từng bước hạn chế F0

Thực hiện giảm tải cho hệ thống y tế, thực hiện phân tầng điều trị, trong đó tăng cường quản lý việc điều trị và theo dõi tại nhà. UBND TP HCM chỉ đạo khẩn trương triển khai thực hiện cách ly theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại nhà đối với F0, F1 theo quy định của ngành y tế với mục tiêu không để lây nhiễm tại cộng đồng.

Thực hiện tốt công tác theo dõi các F0 tại các cơ sở cách ly tập trung tại thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, các BV dã chiến thu dung điều trị Covid-19. Phát huy Đội phản ứng nhanh để kịp thời xử lý ngay khi người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng.

Thành phố yêu cầu, đối với các gia đình có ca F0, F1 cách ly tại nhà thực hiện nghiêm theo hướng dẫn của ngành y tế, tuyệt đối không ra khỏi nhà (trừ trường hợp cấp cứu y tế); lương thực, thực phẩm thiết yếu sẽ được chính quyền hỗ trợ, cung cấp tại nhà.

Giảm áp lực cho ngành y tế không chỉ dừng lại ở việc cách ly F0 và F1 tại nhà, TP HCM còn siết quản lý các khu để không có F0 mới hình thành. Thành phố yêu cầu, thành lập Tổ công tác quản lý tại các khu phong tỏa với sự tham gia của lực lượng công an, quân sự, Thanh niên xung phong, các đoàn thể và nhất là Tổ Covid-19 cộng đồng để tăng cường quản lý, giám sát, hỗ trợ việc thực hiện quy định về giãn cách của các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa.

Chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an, quân sự thường xuyên tổ chức tuần tra, giám sát việc thực hiện triệt để yêu cầu giãn cách giữa người với người, nhất là các khu nhà trong các hẻm nhỏ, chằng chịt, đông người, mật độ dân số cao. Tăng cường xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nơi nào để xảy ra tình trạng tụ tập, vi phạm giãn cách với bất kỳ lý do nào đều bị xử lý nghiêm khắc trách nhiệm người đứng đầu và những người có liên quan. Đối với các khu cách ly, người đang thực hiện cách ly phải tuyệt đối chấp hành quy định, không được ra khỏi phòng và không được tiếp xúc trực tiếp với người khác (trừ trường hợp cấp cứu y tế).

Cân đối và huy động nhân lực y tế

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết, ngành y tế thành phố đang đứng trước khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi nguồn nhân lực y tế khổng lồ cả 5 tầng tháp điều trị. Chưa kể, thành phố còn phải dùng một lượng lớn nhân lực tham gia lấy mẫu, xét nghiệm.

Nói về khó khăn nhân lực, lãnh đạo ngành y thành phố lấy ví dụ về việc thành lập các khu điều trị F0 không triệu chứng tại các quận, huyện và thành phố Thủ Đức với số giường dự kiến là 50.000 giường. Như vậy, TP HCM cần tối thiểu 1.000 bác sĩ. Riêng BV hồi sức cấp cứu có nhu cầu về chuyên gia, người có kinh nghiệm để giải cứu các ca nặng và nguy kịch.

Được biết, trong giai đoạn đầu, Trung ương dự kiến hỗ trợ TP HCM 5.000 sinh viên, giảng viên, y bác sĩ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều tỉnh, thành cũng khó khăn về nhân lực chống dịch nên nguồn lực này đang được phân bổ cho phù hợp. Ông Dương Anh Đức cho biết, do khó khăn về nguồn nhân lực y tế, vì vậy thành phố sẽ sử dụng nguồn nhân lực nội tại, sử dụng nguồn lực tại chỗ để phòng, chống dịch.

Cũng về việc này, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã có thư ngỏ gửi các đồng nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế cùng hỗ trợ công tác chống dịch. Theo Thứ trưởng, sự phát tán của virus SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.

Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học thành phố, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP HCM.

TP HCM đã nhiều lần thay đổi kịch bản và mô hình chống dịch. Tháng 5, khi mới ghi nhận 3 ca nhiễm, TP HCM xây dựng 3 kịch bản y tế ứng phó với tình huống có 5.000 ca bệnh. Sau đó, số ca nhiễm của thành phố vượt xa tình huống này. Ngành y tế áp dụng chiến lược tháp 3 tầng vào điều trị, chuẩn bị kịch bản 50.000 giường điều trị. Sau nửa tháng, mô hình tháp 4 tầng được thay thế trước tình trạng lượng bệnh nhân tăng nhanh chóng mặt. Đến nay, TP HCM sử dụng mô hình điều trị tháp 5 tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn lực chữa trị cho người bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO