‘Dọn rác’ trên mạng xã hội

Hoàng Minh - Phạm Sỹ 13/07/2021 08:00

Với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội là công cụ tương tác hữu hiệu trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì nhiều cá nhân đang lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, hoặc có ứng xử thiếu văn hóa. 

Hãy là người sử dụng mạng xã hội văn minh.

Những hành động xấu xí

Mới đây nhất, dư luận xã hội thực sự “dậy sóng” khi nữ đại gia Phương Hằng ở Bình Dương “đăng đàn” bóc phốt hàng loạt nghệ sĩ trên livestream Facebook. Mặc dù sự thật đằng sau những câu chuyện mà nữ đại gia này chia sẻ cần được thẩm định của cơ quan chức năng. Nhưng với việc có hàng trăm nghìn người theo dõi, uy tín của nhiều nghệ sĩ bị nhắc tới đã gặp ảnh hưởng không nhỏ.

Không dừng lại ở việc “bóc phốt” nhau, những clip chửi bới, đe doạ trên mạng xã hội cũng đang xuất hiện ngày một nhiều. Đáng buồn hơn, nếu như trước đây các clip chỉ xuất hiện trên trang mạng xã hội của vài cá nhân được gọi “giang hồ mạng” thì giờ đây đã xuất hiện trên các trang mạng mang danh nghệ sĩ.

Có thể kể đến như người mẫu Trang Trần với hàng loạt livestream vừa bán hàng, vừa dằn mặt các antifan với vô số ngôn từ “chợ búa”. Thậm chí, trong nhiều clip, người mẫu này sẵn sàng văng tục khi nhận được phản hồi không vừa ý từ người xem.

Thế nhưng, Trang Trần cũng chỉ là một trong số những cá nhân mang danh nghệ sĩ liên tục mang “rác” lên mạng xã hội và tra tấn lỗ tai của người nghe bằng những ngôn từ vô văn hóa. Nhân vật gần đây nhất làm náo loạn mạng xã hội là ca sĩ Nathan Lee khi anh này một ngày có thể livestream vài lần và công kích, xúc phạm bất kỳ ai. Tài khoản Facebook của nghệ sĩ Đức Hải cũng có nhiều từ ngữ thiếu chuẩn mực, nhạy cảm, công kích người khác. Và anh đã bị kỷ luật về việc này.

Giải pháp chủ yếu là nâng cao ý thức cá nhân

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội nhìn nhận: Chế tài xử phạt đối với những trường hợp lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, đăng tải những clip có hành động và lời nói thiếu văn hóa đã được pháp luật quy định rõ.

Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Nghị định mới quy định rõ mức xử phạt hành chính đối với hành vi tung thông tin giả mạo trên mạng xã hội. Nghị định mới của Chính phủ quy định rõ hơn các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội so với nghị định Nghị định 174/2013/NĐ-CP trước đây.

Cụ thể, Điều 101 Nghị định mới quy định mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống; cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan; các thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn.

Ngoài ra, hành vi lợi dụng mạng xã hội để đăng thông tin sai sự thật, đăng tải những clip có hành động và lời nói thiếu văn hóa mà mang tính xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác thì có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác với mức hình phạt cao nhất lên tới 5 năm tù (Điều 155 Bộ luật Hình sự) hoặc tội Vu khống với mức phạt cao nhất lên tới 7 năm tù (Điều 156 Bộ luật Hình sự).

Cũng theo luật sư Hoàng Tùng, đối với những hành vi ứng xử trên mạng xã hội có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì sẽ bị xử lý theo các quy định của pháp luật đã nêu. Tuy nhiên, pháp luật cũng ghi nhận quyền tự do ngôn luận và việc tự do ngôn luận này cũng được áp dụng cho không gian mạng xã hội. Tự do ngôn luận nhưng không xúc phạm danh dự người khác, đúng sự thật và không gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân tổ chức khác.

Do đó, hành vi ứng xử trên mạng xã hội như thế nào là ảnh hưởng xấu đến dư luận là điều rất khó xác định bởi lẽ: Nếu là hành vi vi phạm thì dễ dàng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm. Còn đối với những hành vi không rõ ràng, cũng không thể xác định đó là hành vi vi phạm, do đó không thể tiến hành xử lý được.

Giải pháp chủ yếu vẫn là xuất phát từ ý thức cá nhân khi tham gia không gian mạng. Tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, yêu cầu của từng không gian mạng xã hội cụ thể, giữ gìn đạo đức và truyền thống dân tộc. Cần đẩy mạnh công tác phát hiện hành vi vi phạm và nhanh chóng tiến hành xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ‘Dọn rác’ trên mạng xã hội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO