Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức- Bài 2: Thiếu nước trong mùa lũ

Quốc Trung 07/08/2019 08:00

Khoảng thời gian này những năm trước, là lúc chúng tôi về với bà con vùng đầu nguồn sông Hậu để ghi nhận cảnh mưu sinh mùa nước nổi. Năm nay lại khác, đầu nguồn sông Hậu thuộc tỉnh An Giang, Đồng Tháp, người dân vẫn ngóng con nước tràn đồng mà chưa thấy.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức-  Bài 2: Thiếu nước trong mùa lũ

Bến Tre là tỉnh chịu nhiều khô hạn.

Mất mùa nước nổi

Dịp này về các huyện đầu nguồn như An Phú, Tịnh Biên, thị xã Tân Châu của tỉnh An Giang, không thấy cảnh nước tràn bờ, tràn đồng. Hình ảnh những chiếc đăng, đáy hay lọp lấp ló giữa cánh đồng mênh mông nước chưa thấy ở thời điểm này. Ở kênh Vĩnh Tế, khu vực ấp Vĩnh Cầu, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn nhiều người dân cũng ái ngại khi năm nay vẫn chưa thấy nước về, họ ngóng nước nổi ngóng nguồn thu nhập Trời cho từ thuỷ hải sản nhưng vẫn mông lung.

Ông Trần Văn Cường- Trưởng phòng NNPTNT huyện Tri Tôn nhớ lại: Đợt năm rồi cũng khoảng cuối tháng 8, khu vực này lũ còn làm ngập hàng trăm ha lúa, bà con phải khốn đốn, thế nhưng thời điểm này nước không thấy, mực nước sông ở kênh Vĩnh Tế vẫn như những tháng mùa khô, dao động không đáng kể…

Câu chuyện về người dân chụp và chia sẻ bức ảnh Biển Hồ đã cạn khô, ghe bè của ngư dân “mắc cạn” nằm trơ trên bùn, nghe có vẻ hài hước và đầy nghịch lý nhưng nó đang xảy ra ở lưu vực con sông có lưu lượng nước lớn thứ 10 thế giới này và câu chuyện này lại đang tác động một cách trực tiếp đến đời sống của người dân hạ nguồn vùng ĐBSCL.

Dòng chảy của con sông Mekong về đến Phnom Penh (Campuchia) tách thành 3 nhánh, 2 nhánh chảy về Việt Nam, 1 nhánh chảy ngược lên phía Tây đưa con nước tràn vào Biển Hồ tạo thành một “túi nước” khổng lồ. “Túi nước” ấy là để điều tiết cho các nơi, trong đó có hạ nguồn Cửu Long. Nhưng thời gian qua, thông tin từ Uỷ hội sông Mekong, Biển Hồ vẫn chưa nhận được nguồn nước nào từ sông Mekong, vì chính mực nước ở con sông này cũng đang thấp mức kỷ lục.

ThS Nguyễn Hữu Thiện- chuyên gia sinh thái ĐBSCL thông tin, ngày 18/7/2019, từ thông cáo báo chí của Uỷ hội sông MeKong (MRC) cho thấy, nước sông MeKong vào đầu mùa lũ từ tháng 6 đến tháng 7 đang ở mức thấp nhất trong lịch sử, xuống dưới cả mức tối thiểu. Với tình hình này, “rất có khả năng mùa nước nổi năm 2019 không về vùng ĐBSCL. Thời gian sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ diễn ra rất gay gắt tại vùng ĐBSCL; mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng.

Còn PGS.TS Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH- Trường Đại học Cần Thơ nhận định: Lũ thấp sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy, phù sa ngày càng ít dần, thủy sản khan hiếm, không đủ nước ngọt để đẩy mặn ra xa, không rửa được tạp chất khác trong đất, ảnh hưởng lớn tới năng suất lúa, cây trồng…

Báo động về chất lượng nước

Ngoài việc nguồn nước ở ĐBSCL đang bị cạn kiệt dần thì nguồn tài nguyên nước ở vùng này cũng đang trong tình trạng báo động vì bị ô nhiễm nghiêm trọng, từ nguồn thải phát sinh ở các khu công nghiệp, đô thị, hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo kết quả quan trắc nguồn nước trên các sông, rạch mới đây của Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TNMT tỉnh Hậu Giang) cho thấy, chất lượng nước mặt trong năm 2018 và những tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng ô nhiễm.

Tại các vị trí lấy mẫu ở gần chợ, khu công nghiệp, khu dân cư, chất lượng nguồn nước mặt hầu hết đã ô nhiễm, trong đó phần lớn bị ô nhiễm hữu cơ, vi sinh do tác động từ nước thải, chất thải. Các sông, kênh, rạch chính của Hậu Giang như Xáng Xà No, Cái Côn, Lái Hiếu đều bị ô nhiễm với các thông số như: sắt, TSS, N-NH4+, BOD5, COD, Coliforms vượt giới hạn cho phép của QCVN08-MT:2015/BTNMT.

Các nhà khoa học còn khuyến cáo, việc đẩy mạnh các hình thức thâm canh, tăng vụ trong sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc khiến nguồn nước bị nhiễm dư lượng các loại nông dược, thuốc trừ sâu, các chất hữu cơ chưa phân hủy. Cùng với đó, tập quán cất nhà, họp chợ ngay bên sông, kênh, rạch, chất thải, nước thải được tuồn trực tiếp xuống càng làm cho chất lượng nước bị suy thoái tới mức báo động.

Một vấn đề đáng lưu ý là, do nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm vì ô nhiễm dẫn đến việc người dân khoan giếng khai thác nước ngầm một cách tràn lan ở một số địa phương, làm cho mực nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, chất lượng nước có nơi không đảm bảo cho các sinh hoạt vì nhiễm thạch tín, phèn.

Chính từ những tác động nêu trên đã làm cho ĐBSCL, nơi được mệnh danh là vùng sông nước đang phải thường xuyên đối diện với tình trạng suy giảm chất lượng nguồn nước, thiếu nước ngọt vào mùa khô.

Và năm nay, có thể ĐBSCL sẽ không có mùa nước nổi bởi lũ không về.

Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức-  Bài 2: Thiếu nước trong mùa lũ - 1

* Sạt lở đê biển Tây, người dân lo sợ

Thông tin từ UBND tỉnh Cà Mau, những ngày qua, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kết hợp với nước biển dâng cao bất thường làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3m - 0,4m. Nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tỉnh - Kinh Mới với chiều dài 12,5 km. Đặc biệt, đoạn sạt lở thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài 356m, có nguy cơ vỡ đê. Tuy nhiên, đến ngày 6/8, đoạn đê xung yếu bị sạt lở ở đê biển Tây cơ bản đã xử lý xong.

Tuyến đê biển Tây của tỉnh Cà Mau có chiều dài 108km, đi qua 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân; bảo vệ hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, gần 129.000ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản. Trung kiên

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Đối diện thách thức- Bài 2: Thiếu nước trong mùa lũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO