Đồng bằng Sông Cửu Long: Hạn, mặn bủa vây

Quốc Trung 14/02/2020 06:30

Thống kê của nhiều tỉnh, thành trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long nơi xa nhất cách bờ biển khoảng gần 100km cũng đã bị nhiễm mặn. Người dân lo lắng hạn, mặn năm nay sẽ khốc liệt hơn cả đợt hạn, mặn lịch sử năm 2016. Thiệt hại ngành nông nghiệp đã ở mức báo động trong khi cao điểm của mùa khô vẫn chưa tới.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Hạn, mặn bủa vây

Hệ thống kênh rạch huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) khô trơ đáy.

Nguy cơ mất trắng vì mặn

Cao điểm của mùa khô năm nay sẽ rơi vào đầu tháng 4 dương lịch. Nhưng hiện tại hạn, mặn đã đạt tới cao điểm so với đợt năm 2016.

Ông Phạm Tấn Đạo- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết, đến ngày 12/2, nước mặn từ triều cường theo sông Hậu đã lấn sâu vào địa phận xã An Lạc Tây của huyện Kế Sách; xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 60 đến 70 km, độ mặn lên tới 8‰. Mối lo ngại lớn nhất của Sóc Trăng hiện nay là vùng cây ăn trái thuộc 2 huyện Cù Lao Dung và Kế Sách với hơn 20.000 ha cây trồng các loại đặc sản như nhãn, sầu riêng, vú sữa... Nếu tình trạng xâm nhập mặn gay gắt trên tiếp tục kéo dài đến tháng 4, thiệt hại vùng cây ăn trái này sẽ rất lớn.

Theo ông Lê Văn Hiểu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tình hình xâm nhập mặn tại địa phương đến sớm hơn khoảng 1 tháng, độ mặn cao hơn trung bình nhiều năm cùng thời điểm, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng có nơi gần 80km, tăng gần 20 km so với năm 2016. Trong khi đó, hệ thống kênh rạch khô cạn do hạn.

Thống kê của tỉnh Sóc Trăng hiện toàn tỉnh có khoảng 24.394 hộ thiếu nước sinh hoạt. Hiện tỉnh đang khẩn trương mở rộng, đấu nối thêm các tuyến nước máy mới, ở những nơi không thể đấu nối nước máy khẩn trương khoan giếng nước dự phòng để phục vụ người dân.

Ở Hậu Giang, theo kết quả đo mặn của ngành chức năng các địa phương trong tỉnh vào chiều ngày 11/2, độ mặn tiếp tục tăng nhanh, trong đó có nhiều điểm ở mức rất cao. Cụ thể, trên địa bàn huyện Long Mỹ, độ mặn ở cống Ba Cô đạt mức 18,4‰, cống Hóc Pó 17,8‰, kênh Mười Thướt 13,8‰; còn trên địa bàn thành phố Vị Thanh, độ mặn tại Kênh Lầu là 7,4‰, kênh Năm 5‰. Như vậy, độ mặn từ triều biển Đông đang tăng từ 0,3 – gần 3‰ so với ngày trước đó.

Đến thời điểm này có thể nói, toàn tỉnh Bến Tre đã bị mặn bao vây, cường độ mặn đã cao hơn, xâm nhập sâu hơn so với đợt thiên tai năm 2016. Ông Võ Văn Nam- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 5.287 ha lúa đông xuân, toàn bộ có nguy cơ bị mất trắng vì nước mặn.

Ở Bạc Liêu, ngành chức năng tỉnh này cũng rất lo lắng khi hơn 5.400 ha lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A (tỉnh Bạc Liêu) đang thiếu nước ngọt trầm trọng. Tiểu vùng ngọt sản xuất rau màu cũng bị ảnh hưởng nặng. Do thiếu nước ngọt nên tiến trình xâm nhập mặn vào sâu nội đồng ngày càng nhanh, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 5.000ha nuôi tôm của tỉnh Bạc Liêu cũng khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, còn là việc vùng ngọt hoá trên địa bàn thị xã Giá Rai, nơi có hàng ngàn ha lúa đang đối mặt với nguy cơ chết khô vì thiếu nước ngọt. Hàng loạt kênh thuỷ lợi vùng ngọt hoá đã cạn trơ đáy. Nặng nhất là kênh Chống Mỹ thuộc ấp 19, xã Phong Tân là nguồn nước ngọt chính cho vùng lúa hàng trăm ha của xã. Con số thiệt hại đã được thị xã Giá Rai tạm tính đến thời điểm hiện tại trên 80 tỉ đồng.

Khẩn trương ứng phó

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định, trong mấy ngày tới nước mặn sẽ xuất hiện với độ mặn khoảng 4‰, cao hơn cùng kỳ năm 2016. Tình trạng khô hạn khốc liệt cũng được dự báo sớm, điều đáng lo lắng là hạn, mặn diễn ra theo chu kỳ nhanh hơn, thay đổi thất thường, đòi hỏi chính quyền và người dân cần chủ động các giải pháp thích ứng và ứng phó hợp lý nhất vì quãng thời gian dự kiến sẽ diễn ra dài hơn.

Hiện mực nước thượng lưu sông Mê Kông biến đổi chậm, thấp hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,1 - 1,0m. Những ngày qua do ảnh hưởng của triều cường làm cho diễn biến của xâm nhập mặn ngày càng phức tạp có nơi vào sâu cả 100km.

Hiện các địa phương đã đưa ra các kế hoạch ứng phó và có nhiều cách tích, trữ nước, đồng thời quán triệt việc vận hành hệ thống công trình ngăn mặn hợp lý, tăng cường khả năng lấy nước ngay khi có thể. tăng cường công tác giám sát mặn, cập nhật các bản tin dự báo thường xuyên để điều chỉnh kế hoạch phù hợp vói các diễn biến nguồn nước.

Thông tin từ huyện Bình Đại của Bến Tre, ngày 9/2, Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân đã chở 250 m3 nước từ TPHCM về huyện cung cấp miễn phí cho người dân vùng này đang bị thiếu nước ngọt nghiêm trọng. Trong kế hoạch, Lữ đoàn 125 sẽ có thêm nhiều chuyến nữa để hỗ trợ cho bà con tỉnh Bến Tre và các tỉnh lân cận bị thiếu nước sinh hoạt.

Tỉnh Hậu Giang cũng đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với hạn, mặn. Ông Trần Thanh Toàn- Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, cho biết: Các địa phương chịu ảnh hưởng của mặn từ triều biển Tây hiện cơ bản đã có những công trình ứng phó, trong khi đó người dân ở vùng này cũng đã có kinh nghiệm trong ứng phó nên phần nào đỡ lo. Riêng các huyện đầu nguồn của tỉnh thì ngược lại. Do đó, nông dân cần tuân thủ nghiêm những khuyến cáo của cơ quan chuyên môn trong việc lấy nước vào vườn cây ăn trái theo từng thời điểm phù hợp, tránh làm tự ý dễ dẫn đến tình trạng nước mặn xâm nhập vào làm ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời, bà con cũng cần thường xuyên theo dõi tình hình nồng độ mặn trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua thông báo của cơ quan chuyên môn để có giải pháp ứng phó phù hợp…

Các chuyên gia cho rằng, qua các biện pháp ứng phó thời gian qua, việc thích nghi sinh sống cùng với hạn mặn bằng các cách mà dân gian thường sử dụng cần tiếp tục phát huy. Ở nhiều nơi vùng ven biển, người dân sử dụng các dụng cụ như lu, khạp hay dùng các túi nilon lớn để ở các kênh, rạch nội bộ để trữ nước ngọt ứng phó với mùa khô. Một số địa phương đang triển khai hệ thống thuỷ lợi để thoát lũ, cần linh hoạt chuyển sang trữ ngọt và sử dụng tiết kiệm nước.

Đặc biệt các địa phương trong vùng cần ngồi lại với nhau rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông từ đó thống nhất các phương án đóng mở hệ thống cống thuỷ lợi ngăn nước mặn và trữ nước ngọt. Sản xuất nông nghiệp cần tính toán chuyện dịch chuyển lịch thời vụ để giảm thiểu thiệt hại, sử dụng giống phù hợp điều kiện hạn, mặn và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả kinh tế hơn cây lúa.

Đó là giải pháp lâu dài, còn thì hiện tại, ĐBSCL vẫn đang bị hạn, mặn bủa vây.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia nhận định mùa khô năm 2020 với ĐBSCL có thể khắc nghiệt, lượng nước trên các sông thiếu hụt, hạn mặn xâm lấn sâu hơn so với những năm gần đây. Trong khi đó mực nước thượng lưu sông Mê Kông thấp. Dòng chảy trên sông Mê Kông về ĐBSCL trong tháng 2, tháng 3 ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm và năm 2016 khoảng 5 - 20%. Cùng đó, tốc độ xâm nhập của mặn từ biển vào cũng tăng lên. Nhiều nơi, mặn theo các dòng sông vào sâu trong nội đồng tới 100km, ảnh hưởng rất lớn tới sản xuất cũng như đời sống người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng Sông Cửu Long: Hạn, mặn bủa vây

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO