Đồng hành, đừng 'bỏ rơi' con

Nhóm phóng viên 18/12/2020 10:00

Câu chuyện bạo lực học đường không phải là vấn đề nhỏ. Đặc biệt, khi các vụ học trò đánh nhau vì ghen tuông, hiểu lầm được quay video clip rồi tung lên mạng càng cho thấy mức độ nghiêm trong gia tăng.

Mỗi gia đình cũng cần có sự đồng hành với con em mình.

Với một từ khóa “học sinh đánh nhau” gõ lên thành công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong 0,39 giây cho khoảng 190.000.000 kết quả. Tương tự, gõ cụm từ “học sinh đánh nhau vì ghen” thu được khoảng 8.910.000 kết quả (0,36 giây). Điều đó cho thấy câu chuyện bạo lực học đường không phải là vấn đề nhỏ. Đặc biệt, khi các vụ học trò đánh nhau vì ghen tuông, hiểu lầm được quay video clip rồi tung lên mạng càng cho thấy mức độ nghiêm trong gia tăng.

Còn nhớ, ngày 24/9, mạng xã hội chia sẻ clip nhóm nữ sinh đánh nhau trước cổng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội). Clip ghi lại có 2 nữ sinh mặc đồng phục một em áo trắng, một áo khoác đen đang đánh bạn trên vỉa hè. Xung quanh rất nhiều người đứng xem. Bên cạnh 2 nữ sinh này, còn một số em đứng bên ngoài lớn tiếng chửi bới, nhiều lần xông vào giật tóc, đấm đá đối thủ. Hai em áo trắng đồng thời kéo lê bạn áo khoác đen xuống lòng đường, đạp vào đầu và tát tới tấp vào mặt đối thủ. Vụ bạo lực xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều người nhưng phần đông chỉ đứng xem hoặc dùng điện thoại quay clip.

Sau đó, vụ việc được xác minh: nhóm học sinh đánh học Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (Thanh Xuân, Hà Nội). Nguyên nhân của vụ ẩu đả giữa các học sinh do xích mích cá nhân, khởi đầu đơn giản chỉ là một trong hai cho rằng người kia “nhìn đểu” mình. Sau đó, các em đã gặp nhau ngoài trường để phân bua việc đó, tuy nhiên sau đó đã dẫn đến ẩu đả bột phát.

Hay mới đây, dư luận cũng xôn xao việc 4 nữ sinh thuộc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Bến Tre đánh nhau rồi phát tán video trên mạng.

Điều đáng quan tâm của hầu hết các vụ học sinh đánh nhau trong thời gian qua là đều được quay clip rồi phát tán lên mạng nhằm bôi nhọ danh dự bạn học. Nó cho thấy có sự chủ ý. Nó cho thấy có bên thứ ba liên quan. Thậm chí có những vụ việc có nhiều người chứng kiến mà không ai vào can ngăn.

Khi xem các clip học sinh đánh nhau, lột quần áo xuất hiện trên mạng nhiều phụ huynh cảm thấy bất an. Nhưng theo các chuyên gia tâm lý, sự bất an còn tăng lên ghê gớm đối với chính những em bị lột đồ, bị đánh - những người yếu thế - sau đó bị tung hình ảnh lên mạng. Dư âm, vết thương đó phải cần thời gian dài mới có thể làm lành tâm hồn các em. Dữ liệu hình ảnh nếu vẫn còn lưu trên mạng thì càng khiến các em nhớ lâu, khó quên.

Chúng ta mong muốn nhà trường có những “giáo trình” kịp thời, muốn các con được nuôi dạy trong một môi trường an toàn, nhưng bản thân mỗi gia đình cũng cần có sự đồng hành với con em mình.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, các nghiên cứu đã chỉ ra, nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường thường liên quan đến việc cha mẹ cũng sử dụng bạo lực; cha mẹ cũng phụ thuộc vào tâm lý, trình độ nên nhiều khi cũng không kiểm soát được hành vi; cha mẹ không tạo được mối tình cảm với con vì vậy làm cho các con cảm thấy bất an. Bên cạnh đó, vì cha mẹ không phải tấm gương tốt, làm mẫu hành vi cho con nên đứa trẻ tập nhiễm hành vi bạo lực của bố mẹ, nhìn nhận hành vi đó là bình thường. Nghiên cứu chỉ ra, chức năng của gia đình kém, bố mẹ không thường xuyên nhất quán trong dạy bảo con, không kiểm soát được con.

“Mỗi gia đình cần phải quan tâm và nói chuyện với trẻ khi con có điều gì không vừa lòng ở trường hay bất cứ đâu thì con nên chia sẻ cho bố mẹ biết. Trước khi con có quyết định hành động việc gì đó, con cảm nhận mọi việc chưa đúng hoặc có gì đó áp đặt với con, con nên chia sẻ cho nhiều người biết. Có thể cách thức con diễn giải sự việc đó không đúng bản chất của vấn đề và gia đình cần giúp con hiểu đúng, tránh suy nghĩ và hành động tiêu cực”- PGS.TS Trần Thành Nam nêu quan điểm.

Còn cô Mai Thị Ánh Nguyệt (giáo viên Trường THCS Nguyễn Công Trứ, Hà Nội) cho rằng, đây là hồi chuông thức tỉnh tất cả giáo viên, gia đình và cả xã hội: Đừng thờ ơ với con em mình. “Phê bình học sinh là việc làm giúp các em nhận ra khuyết điểm, sửa chữa và hoàn thiện bản thân. Vì vậy, việc phê bình nên tế nhị, tránh phản tác dụng khiến học sinh chống đối, phá phách sau lưng giáo viên, thậm chí bất mãn và gây ra các hành động tiêu cực. Hơn nữa vai trò giáo dục của nhà trường là điều vô cùng quan trọng, phương pháp giáo dục lại càng quan trọng hơn. Vì vậy, khi xử lý vi phạm, nhà trường phải vừa có lý vừa có tình, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc»- cô Ánh Nguyệt chia sẻ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lí giáo dục Hà Nội cho rằng, hiện nay, học sinh đang bị ảnh hưởng nhiều từ mạng xã hội, từ hành vi của người lớn nên có các em những hành vi quá mức cần thiết. Mặt khác, do các em đã không được giáo dục đầy đủ từ phía gia đình và nhà trường. Vấn đề quản lý giáo dục của nhà trường và gia đình chưa thực sự hiệu quả. Nhiều gia đình có tâm lý “trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường”, thế nhưng, hiện vai trò của giáo viên chủ nhiệm chưa được đánh giá cao. Cùng với đó, công tác bồi dưỡng cho giáo viên chủ nhiệm chưa được chú trọng. Theo ông Lâm, việc dạy học trò không phải chỉ là quát mắng, mà phải tâm sự, chia sẻ, do đó, giáo viên chủ nhiệm phải có kỹ năng đàm phán, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng về giáo dục tâm lý.

Chuyện học sinh đánh nhau, tất nhiên, có từ xửa xưa. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Chỉ có điều, ngày nay, mức độ đánh nhau của học sinh đã có những diễn biến mới, phức tạp hơn, và cần những biện pháp phối hợp đồng bộ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng hành, đừng 'bỏ rơi' con

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO