'Đồng khởi' trữ nước

Nguyễn Phượng (thực hiện) 25/06/2017 09:05

Tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt ở Bến Tre đang ngày càng gay gắt, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Trước tình hình đó, Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre đã phát động phong trào “Đồng khởi trữ nước” nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Ông Trần Dương Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh Bến Tre chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết xung quanh việc thực hiện phong trào này.

Ông Trần Dương Tuấn.

PV: Ông có thể đánh giá khái quát tình hình xâm nhập mặn đang diễn ra trên địa bàn tỉnh đã gây ra những thiệt hại như thế nào, nhất là đối với bà con nông dân?

Ông Trần Dương Tuấn: Năm 2016, Bến Tre là một trong 13 tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long hứng chịu đợt hạn mặn khủng khiếp nhất trong lịch sử và đã phải công bố tình trạng thiên tai xâm nhập mặn. Ranh mặn bao trùm hầu hết đất đai toàn tỉnh Bến Tre, 160/164 xã bị hạn mặn bao vây, 100% diện tích lúa đông xuân của tỉnh bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn mặn…

Tổng thiệt hại toàn tỉnh ước khoảng 1.497 tỷ đồng. Sử dụng dè xẻn từng ca nước ngọt trong mùa khô hạn không còn là điều xa lạ với cư dân Bến Tre khi hạn mặn bủa vây. Mặc dù vậy, mỗi tháng một hộ dân bình quân phải chi hàng trăm ngàn đồng để mua nước ngọt để sử dụng cho nhu cầu thiết yếu nhất.

Trước tình hình xâm nhâp mặn diễn ra ngày một khốc liệt, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh đã có cách tuyên truyền, vận động người dân xây dựng bể chứa nước mưa, nước ngọt tích trữ, đối phó với hạn mặn như thế nào để trở thành một phong trào “Đồng khởi” trong nhân dân như hôm nay, thưa ông?

- Đứng trước những khó khăn này, tỉnh Bến Tre đã tiến hành khảo sát và thống kế trong toàn tỉnh có 41.000/371.004 tổng số hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt do không có dụng cụ chứa nước, hộ nằm trong khu vực không có xe đổi nước, hộ không có nguồn nước khác để thay thế và hộ có ao mương vườn bị khô kiệt hoặc nhiễm mặn, trong đó có 31.776 hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn thiếu dụng cụ chứa nước cần được hỗ trợ.

Trước tình hình đó, tỉnh Bến Tre đã có thư ngỏ kêu gọi các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh hãy chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất để mùa hạn, mặn năm 2017 không còn phải chịu cảnh khó khăn như năm 2016.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, Uỷ ban MTTQ tỉnh xây dựng và phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt gắn với thực hiện phong trào thi đua “Đồng khởi mới”. Việc này được triển khai quyết liệt đến Uỷ ban MTTQ các cấp cũng như các tổ chức thành viên. Sau 6 tháng triển khai, toàn tỉnh đã có 231.873 hộ tự trang bị thêm và được hỗ trợ dụng cụ trữ nước với tổng kinh phí trên 450 tỷ đồng.

Ngoài việc hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho dân, các tổ chức, doanh nghiệp còn hỗ trợ máy lọc nước sạch, lọc nước mặn, giếng khoan tập thể, làm hồ chứa quy mô xã, nhà máy lọc nước mặn mini…trên 19,62 tỷ đồng.

Như vậy sau 6 tháng thực hiện, hơn 98% số hộ đã cơ bản có đủ dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và chăn nuôi. Còn lại 5.440 hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn thiếu dụng cụ trữ nước thì trong quý I năm 2017 hệ thống MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục vận động kinh phí hỗ trợ và vận động những hộ có điều kiện tiếp tục tự trang bị.

Qua đợt vận động “Đồng khởi” trữ nước ngọt trong nhân dân, ông có thể chia sẻ một số kinh nghiệm?

- Thành công của phong trào “đồng khởi” ngày hôm nay đó là do chúng tôi đã xác định rõ người dân là chủ thể trong việc trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi và sản xuất, tuyên truyền để người dân có ý thức, từ đó đi vào vận động từng hộ cụ thể.

Bên cạnh đó, vai trò của hệ thống MTTQ các cấp được phát huy trong việc vận động, tiếp nhận, phân bổ các nguồn hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, tạo được niềm tin của nhà tài trợ. Ngoài vận động, tuyên truyền, chúng tôi còn thường xuyên kiểm tra, khảo sát, qua đó phát hiện mô hình mới, cách làm hay để nhân rộng, phổ biến trong nhân dân.

Trong đó, tiêu biểu nhất là huyện Ba Tri đã vận động các cơ sở xây dựng ống, hồ chứa nước hỗ trợ người dân bằng cách xây ống, hồ trả góp. Xã Phú Đức, huyện Châu Thành hay Thị trấn Mỏ Cày, huyện Mỏ Cày Nam lãnh đạo xã, ấp đã vận động người dân góp tiền làm khuông, mượn khuông rồi ra công xây ống hồ cho người dân, đặt biệt là những hộ có hoàn cảnh khó khăn để giảm chi phí giá thành…

Đối với những hộ nghèo, gia đình khó khăn, Mặt trận cũng như chính quyền các cấp có sự hỗ trợ ra sao để giúp họ bớt đi những nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống, thưa ông?

- Điều đáng quý ở phong trào “Đồng khởi trữ nước” là những hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn sẽ được sự chung tay giúp đỡ từ nguồn đóng góp của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang toàn tỉnh, hoặc các hộ dân hỗ trợ nhau bằng ngày công xây dựng dụng cụ trữ nước.

Từ đầu năm 2017 đến nay, tỉnh Bến Tre đã vận động được hàng chục tỷ đồng (gồm tiền mặt và dụng cụ trữ nước), hỗ trợ hơn 24 nghìn dụng cụ trữ nước các loại cho gần 19 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách có hoàn cảnh khó khăn.

Bên cạnh đó, MTTQ cũng tích cực kêu gọi, vận động sự chung tay đóng góp, hỗ trợ dụng cụ trữ nước cho hộ nghèo. Sự kêu gọi đó được các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đồng tình hưởng ứng. Sau thời gian phát động đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh, bà con kiều bào hỗ trợ dụng cụ trữ nước, hỗ trợ tiền…

Kết quả, hệ thống Mặt trận 3 cấp đã tiếp nhận dụng cụ trữ nước, tiền mặt, trang bị cho 26.366 hộ với 30.289 dụng cụ tương đương tổng số tiền hơn 49 tỷ đồng.

Trong quá trình xây dựng và vận động các mạnh thường quân cũng như vận động nhân dân xây dựng bể chứa nước ngọt, khó khăn mà hệ thống Mặt trận các cấp gặp phải lớn nhất là gì, thưa ông?

- Trong quá trình tuyên truyền khó khăn chúng tôi gặp phải rất nhiều nhưng có lẽ cái khó lớn nhất đó là công tác tuyên truyền, vận động của MTTQ và các tổ chức đoàn thể một số nơi còn chung chung, chưa cụ thể; một bộ phận người dân ý thức chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của địa phương, chưa chủ động trang bị dụng cụ trữ nước mưa, nước ngọt.

Bên cạnh đó, còn có những mạnh thường quân hỗ trợ nhưng chỉ định địa phương cụ thể, vì vậy mà có những hộ nghèo, cận nghèo đã được hỗ trợ dụng cụ trữ nước rồi lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nữa, trong khi các địa phương khác lại không có.

Việc vận động nhân dân xây dựng bể chứa nước và vận động các mạnh thường quân giúp dân chống hạn mặn không phải việc dễ dàng, vậy Mặt trận đã có cách giám sát như thế nào để công trình này đạt hiệu quả cao nhất?

- Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân chủ động đối phó với diễn biến phức tạp của thời tiết, chủ động tích trữ nước ngọt phục vụ nhu cầu gia đình, công tác giám sát được MTTQ từ tỉnh đến Ban Công tác Mặt trận ấp, khu phố thực hiện tốt, từ khâu xét chọn đối tượng hỗ trợ đến quá trình xây dựng, nghiệm thu và tổ chức bàn giao cho gia đình.

Đối với những công trình này, người được hưởng lợi là người giám sát trực tiếp và chỉ khi nào người thụ hưởng công nhận chất lượng công trình thì chủ đầu tư mới đồng ý nghiệm thu.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Đồng khởi' trữ nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO