Động lực cho thành phố 'đầu tàu'

H.Vũ 15/11/2017 09:35

Ngày 14/11, đa số ĐBQH đã bày tỏ quan điểm đồng tình với việc tạo cơ chế động lực cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển khi Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.


Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh thảo luận tại tổ, ngày 14/11. (Ảnh: Quang Vinh).

Cơ chế mới phù hợp với sự phát triển

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, xuất phát từ yêu cầu thực tế phát triển của TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, thành phố đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, vai trò đầu tàu trong phát triển của TP đang chậm lại, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức ép quy mô dân số tăng nhanh, hạ tầng chậm cải thiện, tác động ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu ngày càng lớn, khả năng thu hút vốn đầu tư mới giảm, cản trở sự phát triển bền vững. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp với yêu cầu phát triển của TP HCM trong giai đoạn phát triển mới.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ thí điểm giao cho TP HCM được thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác; tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới; với quy định UBND TP phải lập đề án để trình HĐND TP xem xét báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. “Ngân sách TP được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP”- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.

Tán thành với Tờ trình của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Hải- Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- ngân sách của Quốc hội cho rằng, TP HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là địa phương có đóng góp số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cao nhất cả nước khoảng 28%, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương là 82%.

Tuy nhiên, hiện nay TP HCM đang gặp khó khăn về hạ tầng giao thông, môi trường, chưa có cơ chế, chính sách đột phá mạnh mẽ để phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của cả nước, là đô thị đặc biệt có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của cả nước và khu vực. Đây là trách nhiệm chung của cả nước đối với sự phát triển của TP HCM và cũng là trách nhiệm của TP với cả nước nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/8/2012 và Kết luận số 21-KL/TW ngày 24/10/2017 của Bộ Chính trị.

Theo ông Hải, khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn liền với đất sau khi trừ đi chi phí di dời, xây dựng trụ sở của các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn TPHCM thì TP được hưởng 50% là phù hợp, do đó nhất trí với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ cần đánh giá chung về mặt số lượng và giá trị nhà, đất; về tài sản của các đơn vị sự nghiệp công lập do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý trên địa bàn TP HCM đang quản lý, sử dụng và tình hình sắp xếp đối mới các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Đặc thù thì cho thêm chứ đừng bớt

Nhấn mạnh TP HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về Trung ương cũng đứng đầu, nhưng hiện nay TP chỉ được để lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về Trung ương. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, để TP HCM điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Mà đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo. Cả nước có 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ thì TP HCM lớn nhất nước về kinh tế, thu ngân sách, dân cư, giá trị GDP làm ra cho cả nước luôn đứng nhất. Nhưng năm gần đây tốc độ chậm lại cho nên cơ chế nào đưa ra để tạo động lực cho đầu tàu, vì TP HCM chỉ tăng 1% thôi thì đã tăng rất nhiều cho ngân sách nhà nước. Cần nhận thức là quy định cơ chế đặc thù không phải cho riêng TP HCM mà nhìn rộng ra là cho cả nước- Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung Dự thảo Nghị quyết quy định cho TP HCM tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng là hợp lý. Cụ thể như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm, nước hoa, những mặt hành xa xỉ. Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế làm mất đi tính cạnh tranh- Chủ tịch Quốc hội phân tích đồng thời cho rằng phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương, phải thay đổi cách làm như “chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương khiến không ăn mắm cũng không mua tương được”. Nếu đã cho đặc thù thì cho thêm chứ đừng có bớt.

Đầu tư vào người có khả năng làm giàu

Về cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP HCM quản lý, theo cơ chế này thì Chủ tịch UBND TP HCM được ủy quyền cho Chủ tịch UBND quận, huyện và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP HCM trong phạm vi quyền hạn của Chủ tịch UBND TP Đồng thời giao cho UBND thành phố quy định việc ủy quyền của chủ tịch UBND quận, huyện cho chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. HĐND TP HCM quyết định chi trả mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, phạm vi ngân sách của TP. Việc thực hiện các quy định này phải gắn với việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Dẫu nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, song để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, ông Nguyễn Đức Hải đề nghị, đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc và quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước. Như vậy, vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.

Bày tỏ quan điểm đồng tình với Tờ trình của Chính phủ, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, nếu thành công thì tính đến cải cách tiền lương, do đó nên cho mở rộng ra chứ đừng sợ. “Ông Lý Quang Diệu có nói, nếu tôi cần động lực phát triển, tôi nắm trong tay nguồn lực tôi sẽ đầu tư vào người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để làm ra lực lượng của cải vật chất, kéo hết những người chưa biết làm ăn và nghèo đi theo. Nếu cứ chia nhỏ ra thì cùng nắm tay nhau đi hàng ngang khó phát triển đi lên”- Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Nói như ĐBQH Nguyễn Thanh Phương thì: “Việc tăng lương cho cán bộ công chức, các chuyên gia nhà khoa học là cần thiết. Vì hiện đang chảy máu chất xám từ khối nhà nước sang các khối doanh nghiệp. Ở TP HCM đời sống cao, nếu dùng lương chung cả nước sẽ không giữ được họ trong cơ quan nhà nước cho nên cần mở, và đó là hướng hay để giữ được người tài cho sự phát triển của TP và đất nước”- ông Phương nói.

Trao đổi với báo chí về cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, một trong những nguyên tắc rất quan trọng là đặc thù nhưng không được trái Hiến pháp, không được trái các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia. Trên nguyên tắc này có thể cho phép TP HCM phê duyệt các dự án nhóm A, trước đây thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng để đơn giản thủ tục, cho phát triển dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Các mức phí, lệ phí rất đặc thù hoàn toàn có thể giao thẩm quyền cho TP.

Ngoài ra có thể nghiên cứu một số thuế tài sản. Vấn đề này báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đã giao Chính phủ sớm trình Quốc hội Luật Thuế tài sản và cho phép thí điểm trước ở TP HCM. Ông Thanh cũng cho rằng cần cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ công chức của TP. Tăng thu nhập cần thiết để tạo động lực cho cán bộ công chức tránh sách nhiễu, nhưng vẫn bảo đảm mức lương cơ sở như cả nước, vẫn có tỷ lệ điều tiết để nâng cao thu nhập. Còn việc giữ lại ngân sách, vấn đề là sử dụng nguồn lực tài chính đó làm sao cho hiệu quả thì sự phát triển của TP HCM sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Mai Loan-H.Vũ(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực cho thành phố 'đầu tàu'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO