Đồng Nai: Nông dân phấn khởi vì cây kèo nèo được giá

Mạnh Thìn 16/02/2023 15:11

Dù mới trồng được khoảng hơn 3 năm nay, nhưng cây kèo nèo đã góp phần cải thiện thêm thu nhập, giúp nhiều nông dân thoát nghèo.

Cánh đồng kèo nèo xanh mướt bao trọn hàng dừa ở xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai nhìn từ trên cao. Ảnh: Mạnh Thìn

Về xã Lang Minh, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai những ngày đầu năm, phóng viên có dịp ghé thăm cánh đồng kèo nèo đang vào vụ thu hoạch. Phấn khởi là cảm xúc chung của người trồng kèo nèo vì loại cây này đang được thương lái thu mua giá cao.

Anh Chiến Dì Phố, ấp Tây Minh, xã Lang Minh cho biết, kèo nèo vừa thu hoạch xong là có thương lái thu mua liền, giá cũng đang ở mức cao. “Hiện tại thương lái mua tại chỗ là 14 ngàn đồng/1kg. Đợt này là cao nhất so với các đợt thu hoạch trước. Với 1ha kèo nèo đang trồng, nhà tôi thu hoạch được khoảng 10 tấn. Trừ chi phí cũng thu lời được kha khá. Thu nhập như thế là ổn anh ạ”, anh Phố vui mừng.

Anh Chiến Dì Phố, ấp Tây Minh, xã Lang Minh vui mừng vì kèo nèo được giá. Ảnh: Mạnh Thìn.

Theo anh Phố, kèo nèo là loại cây dễ trồng, sinh trưởng nhanh. Chi phí chủ yếu là dành cho trả công thu hái. Từ lúc gieo trồng đến lúc thu hoạch rơi vào khoảng tầm từ 3 đến 3 tháng rưỡi. Mỗi năm làm khoảng 3-4 vụ. Giá giao động từ 10-15 ngàn đồng/1kg tùy theo thời điểm. “Tết là thời điểm cây này được thương lái mua giá cao nhất”, anh Phố nói.

Kèo nèo được thương lái đến mua tận nơi với giá cao Ảnh: Mạnh Thìn.

Còn với anh Yìu Sai Sơn (dân tộc Hoa) – người đầu tiên đem giống kèo nèo về xã Lang Minh trồng khẳng định, đây là loại cây giúp gia đình anh thoát nghèo. “Ngày xưa là hộ nghèo, giờ trồng kèo nèo nên hết nghèo rồi”, anh Sơn cười nói. Chia sẻ với phóng viên, anh Sơn cho biết, khi đem giống cây này về đây trồng, người ta bảo anh bị “khùng” bởi lâu nay nông dân đã quen trồng 2 vụ lúa, một vụ bắp. Với một giống cây lạ, không phải cây bản địa thì làm gì có ai mua. Thế nhưng, sau 3 năm trồng, cây kèo nèo đã làm thay đổi suy nghĩ của người nông dân ở đây.

Anh Yìu Sai Sơn đang đi thăm số giống kèo nèo non vừa mới gieo trồng. Ảnh: Mạnh Thìn.

“Giờ nhiều người tìm hiểu cây này để trồng. Lúc trước, tôi cũng mất khoảng 2 năm suy nghĩ là có nên bỏ lúa, bỏ bắp trồng kèo nèo không? Nhờ sự động viên của Cậu ruột ở Long Thành cũng đang trồng cây này, nên tôi quyết tâm thử khoảng 8 sào kèo nèo. Thấy cây phát triển tốt nên tôi mở rộng thêm diện trồng khoảng hơn 3ha. Lúc đầu khó nhất là tìm người mua. Giờ đã ổn định, có thương lái thu mua tận nơi”, anh Sơn hồ hởi.

Anh Sơn cho hay, cây kèo nèo có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Sông Cửu Long. Loại cây này còn được nhiều người gọi với tên là rau cù nèo, tai tượng, rau ba khía. Kèo nèo là loại cây hoang dại có hình dáng gần giống với cây lục bình (bèo tây), nhưng khác ở chỗ kèo nèo thì gốc rễ bám sâu dưới bùn đất, còn lục bình thì nổi trên nước. Kèo nèo rất dễ trồng, chỉ cần tỉa nhánh cấy hoặc lấy hạt gieo xuống bùn là được. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của anh Sơn, thì việc tỉa nhánh ra từ bụi thì trồng sẽ nhanh hơn và sớm cho thu hoạch hơn.

Nông dân xã Lang Minh vui vì kèo nèo được giá. Ảnh: Mạnh Thìn.

Kèo nèo được xem là loại rau sạch, do người trồng không mấy khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Việc phát hiện mầm bệnh trên cây này cũng tương đối dễ, chỉ cần nhìn lá cây là đoán được bệnh. Xử lý xong phần bệnh ở luống đó là được. Cũng chính vì yếu tố rau sạch, dễ ăn, dễ nấu nên gần như được các nhà hàng, quán ăn, người tiêu dùng ưa chuộng mua về chế biến thành nhiều món ăn ngon như: bóp gỏi, luộc, xào, nấu canh chua, làm dưa chua và đặc biệt là ăn kèm món lẩu mắm... Với giá trị món ăn mang lại, cây kèo nèo luôn có giá ổn định và dễ tiêu thụ ở trên thị trường.

Kèo nèo được xem là loại rau sạch, do người trồng không mấy khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Ảnh: Mạnh Thìn.

Ông Đoàn Văn Thiện, Chủ tịch UBND xã Lang Minh cho biết, kèo nèo là loại cây cho giá trị kinh tế cao tại địa phương. Hiện nông dân trên địa bàn bắt đầu có xu hướng chuyển đổi sang trồng loại cây này. “Lang Minh là xã thuần nông, cây chủ lực là lúa và bắp. Tuy nhiên thời gian qua, do thời tiết bất thường, lúa và bắp cho thu nhập thiếu ổn định nên một số bà con bắt đầu chuyển dịch thay thế một số cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng địa phương cũng như cho thu nhập cao. Cây kèo nèo là một trong số đó”, ông Thiện nói.

Tuy mang lại thu nhập cao nhưng địa phương cũng vẫn rất cẩn trọng trong việc phát triển thêm diện tích loại cây này. “Nông dân thoát nghèo nhờ kèo nèo là có thật. Để nông dân phát triển bền vững, sắp tới xã sẽ trao đổi với phòng nông nghiệp huyện về xây dựng quy trình trồng, cũng như xem xét đầu ra để sớm đưa loại cây này thành giống cây nông nghiệp chủ lực khác ngoài lúa và bắp để góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân. Dù gì thì vấn đề đầu ra vẫn là quan trọng nhất. Thị trường ổn định, có thương lái thì nông dân mình không phải lo được mùa mất giá”, ông Thiện cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Nai: Nông dân phấn khởi vì cây kèo nèo được giá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO