Đông Nam Á cảnh giác cao độ trước biến thể Covid-19

Hà Anh 13/05/2021 07:01

Đợt càn quét dịch Covid-19 đối với Ấn Độ những ngày qua đã buộc thế giới một lần nữa phải chấn chỉnh lại các biện pháp đối phó với dịch bệnh, đặc biệt là với các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. Sự cảnh giác được nâng cao chưa từng thấy tại khu vực Đông Nam Á, khi có nước đã phải phong tỏa toàn quốc để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này.

Người dân xếp hàng chờ làm xét nghiệm tại Malaysia. Ảnh: Reuters.

Malaysia quyết định kiểm soát dịch chuyển trên toàn quốc

Ngày 12/5, Chính phủ Malaysia bắt đầu tái áp đặt Lệnh kiểm soát dịch chuyển (MCO) trên toàn quốc trong vòng 3 tuần. Đây là lần thứ ba quốc gia Đông Nam Á này buộc phải sử dụng biện pháp “mạnh tay” để kiềm chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.

Kết thúc cuộc họp đặc biệt về kiểm soát Covid-19 của Hội đồng An ninh quốc gia, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin nhấn mạnh, Malaysia đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ ba mà có thể bùng lên và gây ra một cuộc khủng hoảng quốc gia. Những biến thể của virus SARS-CoV-2 trong làn sóng thứ ba này vô cùng nguy hiểm.

Đáng lưu ý, các biến thể này đã xuất hiện trong cộng đồng nhưng cơ quan chức năng Malaysia không thể truy vết nguồn gốc. Thủ tướng Malaysia kêu gọi: “Chỉ có chính chúng ta mới bảo vệ được mình trước Covid-19. Virus SARS-CoV-2 sẽ suy yếu và bị đánh bại nếu chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội, điều này không khó để thực hiện”.

Trong 3 tuần áp đặt MCO, tất cả các cơ sở giáo dục tại Malaysia phải đóng cửa. Số người trên ôtô riêng hoặc taxi hạn chế chỉ 3 người (kể cả tài xế) trên. Tại các cơ quan công quyền, nhân viên được khuyến khích làm việc tại nhà, chỉ duy trì luân phiên khoảng 30% nhân viên trực tại công sở.

Trong bối cảnh, dịp lễ lớn nhất của người Hồi giáo trong năm sẽ bắt đầu vào hôm nay (13/5), Thủ tướng Muhyiddin cũng đưa ra thông báo về SOP cho dịp này. Theo đó, những chuyến thăm viếng tại nhà, hay viếng mộ như thông lệ đều bị cấm. Nhà thờ Hồi giáo có sức chứa 1.000 người chỉ được phép tiếp nhận tối đa 50 tín đồ vào hành lễ.

Theo giới quan sát, có 3 lý do chính khiến Malaysia buộc phải áp đặt MCO 3.0.

Thứ nhất, theo thông lệ, vào dịp lễ tết Hari Raya Aidifitri của người Hồi giáo, mọi người sẽ đi thăm viếng họ hàng và bạn bè, đoàn tụ gia đình, và nếu để điều này xảy ra, dịch bệnh sẽ khó có thể kiểm soát.

Thứ hai, từ đầu tháng năm, số ca nhiễm mới Covid-19 liên tục trên 4.000 ca, ngày 8/5 số ca nhiễm mới Covid-19 còn lên đến 4.519 ca. Trong số ca nhiễm mới, phát hiện nhiều biến thể của SARS-CoV-2 mà phần lớn là biến thể Nam Phi.

Cuối cùng, thay vì số ca nhiễm mới Covid-19 tập trung vào người lớn tuổi và có bệnh lý nền như trước đây, từ đầu năm đến nay, Malaysia phát hiện nhiều ca nhiễm mới Covid-19 ở độ tuổi từ 20-39 - nhóm người trong độ tuổi lao động và khả năng truyền nhiễm cũng nhanh hơn.

Không thể lơ là

Thêm một lý đo để các nước Đông Nam Á phải đặt sự cảnh giác lên hàng đầu khi ngày 11/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chủng B.1.617, lần đầu phát hiện ở Ấn Độ từ tháng 10/2020, đã xuất hiện ở 44 quốc gia, dựa trên dữ liệu nguồn mở của WHO. Mặt khác, WHO cho biết, con số này có thể còn nhiều hơn vì một số nước đã gửi báo cáo sơ bộ về việc phát hiện ra các ca nhiễm B.1.617.

Thưc tế, ngày 11/5, Bộ Y tế Philippines thông báo đã ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện ở Ấn Độ, được gọi là biến thể B.1.617.

Phát biểu tại cuộc họp báo cùng ngày, Vụ trưởng Vụ Dịch tễ học thuộc Bộ Y tế Philippines, Alethea De Guzman, cho biết đã phát hiện biến thể B.1.617 ở 2 lao động Philippines trở về từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Oman trong tháng 4 vừa qua.

Trong nỗ lực ngăn chặn sự xâm nhập của biến thể mới, Philippines đã tạm thời cấm nhập cảnh đối với các du khách đến từ Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Nepal và Bangladesh.

Cùng với đó, ngày 12/5, Thái Lan cũng ghi nhận số người tử vong do mắc Covid-19 trong 24 giờ ở mức cao kỷ lục, với 34 trường hợp không qua khỏi.

Giới chức Thái Lan cũng thông báo ghi nhận thêm 1.983 ca mắc Covid-19 mới, nâng tổng số các ca nhiễm từ trước tới nay lên thành 88.907 người, trong đó có 486 người tử vong. Trước đó hôm 11/5, Thái Lan đã ghi nhận 1.919 ca mắc mới, 31 trường hợp tử vong.

Các nhà chức trách y tế Thái Lan hiện đặt mục tiêu tiêm chủng ngừa Covid-19 cho 70% dân số ở thủ đô Bangkok (khoảng 50 triệu người) trong vòng 2 tháng. Cho đến nay, mới chỉ có hơn 1,6 triệu người từ 60 tuổi trở lên và những người có 7 loại bệnh nền đã đăng ký tiêm chủng ngừa Covid-19, trong đó có 500.000 người ở Bangkok.

Trong khi đó, hơn 3 tuần sau khi làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu bùng phát, tình hình dịch tại Lào đang dần được kiểm soát khi số ca mắc mới, đặc biệt là tại các thành phố lớn, ngày càng giảm.

Chiều 11/5, Bộ Y tế Lào thông báo nước này ghi nhận 35 ca mắc mới trong 24 giờ qua, trong đó tâm dịch thủ đô Viêng Chăn có 9 ca, tiếp tục ở mức 1 chữ số. Trong khi đó, tỉnh Champasak, trung tâm kinh tế của Nam Lào, ghi nhận 5 ca và đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay.

Việc các thành phố lớn của Lào không ghi nhận hoặc có số ca mắc mới ngày một giảm cho thấy tình hình dịch đang có xu hướng được kiểm soát.

Tuy nhiên, huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo, giáp giới với Trung Quốc, tiếp tục ghi nhận số ca cao nhất cả nước với 20 ca lây nhiễm cộng đồng, trở thành điểm nóng mới của dịch tại Lào. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc Covid-19 tại Lào là 1.362 trường hợp, trong đó có 297 người đã được chữa khỏi và chỉ có 1 trường hợp tử vong.

Tình hình dịch bệnh tại Campuchia cũng có chiều hướng khả quan hơn khi thống kê của Bộ Y tế Campuchia cho thấy, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2 giảm trong ngày thứ ba liên tiếp khi nước này ghi nhận 480 trường hợp trong ngày 11/5. Tổng số ca nhiễm tại Campuchia tới nay là 20.223 người, trong đó 8.170 trường hợp được điều trị bình phục.

Báo cáo của Bộ Y tế Campuchia ghi nhận tổng số ca nhiễm mới có chiều hướng giảm nhưng diễn biến dịch tại các địa phương vẫn phức tạp, trong đó lực lượng chức năng phòng chống dịch đã ghi nhận nhiều ca nhiễm.

Trong đó, toàn bộ sĩ quan và chỉ huy thuộc lực lượng Hiến binh Campuchia đã buộc phải tiến hành xét nghiệm khẩn cấp do lo ngại nguy cơ phơi nhiễm với virus SARS-CoV-2 khi thực hiện các biện pháp phong tỏa, đặc biệt là trong các “Khu vực Đỏ”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á cảnh giác cao độ trước biến thể Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO