Dòng Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng: Vẫn không ngừng chảy

Thư Hoàng 27/08/2017 08:20

Thời gian gần đây thấy nhiều tác phẩm viết về chiến tranh xuất hiện. Trong số đó, có thể kể đến “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn, “Lính Hà” của Nguyễn Ngọc Tiến, “Quảng Trị 1972” của Nguyễn Quang Vinh… Trước đó, “Lính trận” của Trung Trung Đỉnh, “Biên bản chiến tranh 1.2.3.4-75” của Trần Mai Hạnh, “Hồi ức lính” của Vũ Công Chiến, “Mưa đỏ” của Chu Lai cũng được đánh giá là những tác phẩm có đóng góp giá trị nhất định.


Tọa đàm, giao lưu “Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh”.

1. Trong khuôn khổ Triển lãm - hội chợ sách quốc tế lần thứ 4 đang diễn ra tại Công viên Thống nhất (Hà Nội), sáng 25-8, NXB Văn học phối hợp với khoa Văn học - ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề: “Người lính viết về chiến tranh - Nói về văn học chiến tranh”.

PGS.TS Văn Giá cho rằng, văn học chiến tranh đã trải qua nhiều giai đoạn. Có thể nói theo cách nôm na, đó là giai đoạn “ta thắng địch thua”; giai đoạn chiến tranh như là chiến tranh, tức là được văn học mô tả với đầy đủ sự khốc liệt, có chiến thắng và có mất mát hi sinh. Và tiếp đó, giai đoạn văn học viết về chiến tranh đi sâu vào khía cạnh nhân bản, quan tâm đến số phận con người, ở đó hiện ra những nỗi ám ảnh, những day dứt, đớn đau…

Trong khi đó, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha- một người lính đã từng chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị năm 1972 thì cho rằng, chúng ta không nên gọi văn học trở lại với đề tài chiến tranh. “Các thế hệ nhà văn của chúng ta chưa bao giờ ngừng viết về đề tài này. Và chắc chắn, còn nhiều tác phẩm văn học nữa về chiến tranh sẽ được ra đời trong thời gian tới”- nhà thơ Nguyễn Thụy Kha quả quyết.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Anh Vũ- Giám đốc NXB Văn học dẫn lời của một nhà văn đi trước khi đánh giá, chiến tranh là một “siêu đề tài”, người lính là một “siêu nhân vật”. Vì thế, văn học về chiến tranh không bao giờ cạn kiệt.

Khi đọc một số tác phẩm ra mắt gần đây như “Mùa chinh chiến ấy”, “Quảng Trị năm 1972”, PGS.TS Phạm Xuân Thạch- Chủ nhiệm khoa Văn học (ĐH KHXH&NV Hà Nội) nhìn nhận, văn học chiến tranh đã bước sang một giai đoạn mới, với những góc nhìn mới lạ hơn.


Bìa cuốn “Quảng Trị 1972”

2. Hai tác phẩm được nhắc đến nhiều trong cuộc tọa đàm, đó là “Tàn đen đốm đỏ” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến và “Quảng Trị 1972” của Nguyễn Quang Vinh. Xin được dừng đôi chút để nói về “Tàn đen đốm đỏ”- cuốn sách được in lần đầu năm 1994 và tái bản nhiều lần, từng đạt giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hà Nội 5 năm (1991 - 1996). Ấn bản mới nhất vừa được NXB Văn học phát hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Nội dung tiểu thuyết là câu chuyện của chính bản thân tác giả, bạn bè thế hệ ông, những hồi ức về chiến tranh, những người lính đi tìm lại đồng đội. Qua tiểu thuyết của mình, Phạm Ngọc Tiến muốn chia sẻ với bạn đọc một vấn đề tồn tại nhức nhối, hậu quả của cuộc chiến tranh đẫm máu không thể khắc phục. Với ông, đây là sự mất mát lớn nhất của cuộc chiến tranh Việt - Mỹ mà dân tộc chúng ta phải gánh chịu không chỉ trong quá khứ, hiện tại mà còn kéo dài nhiều năm nữa.

Tuy nhiên, nhà văn Phạm Ngọc Tiến thừa nhận, viết về chiến tranh không bao giờ là công việc dễ dàng. Ngay cả khi bắt đầu viết “Tàn đen đốm đỏ”, ban đầu ông cũng khá loay hoay để tìm cách viết “khác đi”. “Văn học phải mới, nếu không đủ tầm tìm được cái mới thì ít nhất cũng phải tìm được cái lạ”- nhà văn Phạm Ngọc Tiến nói, và chia sẻ thêm: Viết văn không láu cá, không “bợm” thì không viết được. “Tàn đen đốm đỏ là cuốn sách duy nhất tôi sử dụng văn chương với sự lãng mạn, gió mây để dựng ra một cõi riêng, cõi của những linh hồn. Những cuốn sau này tôi viết thực dụng hơn, không có nhiều chất văn như Tàn đen đốm đỏ”- nhà văn Phạm Ngọc Tiến thừa nhận.

Mặc dù tác giả cũng tự nhận mình là một “nhà văn bình thường”, không có gì ghê gớm cả, nhưng cả nhà bình Bùi Việt Thắng và PGS Phạm Xuân Thạch đều xếp “Tàn đen đốm đỏ” vào danh sách những cuốn sách viết về chiến tranh hay nhất ở Việt Nam, bên cạnh “Nỗi buồn chiến tranh” (Bảo Ninh), “Ăn mày dĩ vãng” (Chu Lai), “Mình và họ” (Nguyễn Bình Phương), “Miền hoang” (Sương Nguyệt Minh)…

Còn cuốn “Quảng Trị 1972” của tác giả Nguyễn Quang Vinh vừa được NXB Văn học ấn hành để tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, thương binh, cựu binh... những người đã hy sinh xương máu và tuổi xuân của mình vì sự hòa bình, thống nhất của dân tộc.

Theo nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, văn học gần đây có khuynh hướng thiên về ký sự, mô tả sự thật như nó vốn có. “Sự thật cuộc chiến đấu Quảng Trị năm 1972 hào hùng và tiêu biểu đến nỗi, không cần tới hư cấu, và bởi không cần đến hư cấu nên lay động sâu xa tới người đọc. Cuốn “Quảng Trị 1972” của Nguyễn Quang Vinh hấp dẫn từ đầu chí cuối, không chỉ có giá trị lịch sử mà còn góp phần khẳng định khuynh hướng mới có nhiều triển vọng trong đời sống văn học hiện nay”- nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng: Vẫn không ngừng chảy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO