Đột phá giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường tính tự chủ của các địa phương

Kim Thanh 30/01/2018 09:20

Năm 2018 được ngành LĐTB&XH; xác định là năm nhiều đột phá trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Tuy nhiên theo các chuyên gia, để đáp ứng nguồn nhân lực khi cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra, bên cạnh việc đổi mới của các trường nghề, rất cần sự tự chủ nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng cho nguồn nhân lực của các địa phương.

Đột phá giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường tính tự chủ của các địa phương

Đổi mới chất lượng dạy nghề không chỉ là trách nhiệm của một ngành.

Chất lượng chưa tương xứng

Theo thống kê đến nay, đã có 15 bộ, ngành và địa phương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng sáp nhập các trường trên cùng địa bàn, giải thể trường hoạt động không hiệu quả, sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng, sáp nhập trường cao đẳng, trung cấp vào trường đại học.

Đáng chú ý hiện tại, cả nước có 1.974 cơ sở GDNN (giảm 15 cơ sở) trong đó cơ sở GDNN ngoài công lập chiếm 44%. Nhờ vậy, công tác tuyển sinh năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, chất lượng đào tạo được cải thiện (tỷ lệ học sinh tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 70%, ở một số nghề đạt trên 90% với mức thu nhập bình quân từ 7 - 10 triệu đồng/tháng).

Đáng ghi nhận trong năm đã tuyển sinh được 2,2 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng và trung cấp là 540 nghìn người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng khoảng 1.660 nghìn người. Hỗ trợ cho khoảng 600 nghìn lao động nông thôn học nghề...

Dù vậy đánh giá về chất lượng GDNN, công tác GDNN vẫn còn những mặt hạn chế như: Cơ cấu đào tạo GDNN còn bất cập, chủ yếu vẫn là trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25%. Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN mặc dù đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế.

Học sinh, sinh viên tốt nghiệp yếu về ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như tác phong công nghiệp, khả năng làm việc theo tổ, nhóm… kỹ năng khởi nghiệp; tỷ lệ thất nghiệp của học sinh ở trình độ trung cấp, cao đẳng còn cao. Mạng lưới cơ sở GDNN còn chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành, nghề đào tạo; chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế; chậm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDNN công lập.

Cần thay đổi tư duy

Năm 2018, để thực hiện mục tiêu tuyển sinh đạt 2,2 triệu người, phấn đấu giảm tối thiểu 2,5% số cơ sở GDNN công lập và 2,5% cơ sở GDNN công lập, người đứng đầu ngành LĐTB&XH đã yêu cầu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần có đánh giá cụ thể, nhìn lại xem thời gian qua lĩnh vực này đã làm được những gì, đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của xã hội đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao năng suất lao động.

Thực tế cho thấy điểm yếu nhất của giáo dục nghề nghiệp hiện nay là mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp dàn trải, chất lượng không đồng đều, tư duy bao cấp còn nặng nề. Đặc biệt, mạng lưới trung tâm dạy nghề cấp huyện rất yếu và không thực hiện được nhiệm vụ phân luồng.

Chính vì vậy để có thể đạt được mục tiêu giảm 2,5% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các cơ sở GDNN công lập, ý kiến nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải trao quyền tự chủ đầy đủ cho các cơ sở giáo dục gắn với trách nhiệm giải trình, cơ chế đánh giá, sự kiểm soát độc lập cùng sự giám sát của xã hội, đặc biệt trao quyền tự chủ phải gắn với nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Cùng với đó cần phải kết nối GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội vì GDNN không thể tách khỏi an sinh xã hội, nó liên quan đến việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo lại cho số người yếu thế. Để làm được việc này bên cạnh việc đổi mới về đào tạo của các trường cần sự vào cuộc của các địa phương, trong đó mỗi địa phương phải coi việc đào tạo nguồn nhân lực là nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế để từ đó tự chủ tham gia vào công tác đào tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Quân, nếu như trong giáo dục đại học, sinh viên ít có điều kiện thực hành thì với GDNN đây lại là một lợi thế thực hành nhiều hơn lý thuyết. Đặc biệt học nghề giúp người học hội nhập xã hội sớm, nhưng vẫn đảm bảo cho người học được tiếp tục học liên thông lên đến thạc sĩ, tiến sĩ nếu có nhu cầu.

Với học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu đi theo học nghề, người học có thể có bằng kỹ sư, cử nhân thực hành trong 5 năm, thay vì 8 năm nếu đi theo lộ trình thông thường. Đây là một lợi thế của GDNN chính vì vậy các trường cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy đổi mới chương trình đào tạo để xã hội thay đổi tư duy về GDNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đột phá giáo dục nghề nghiệp: Tăng cường tính tự chủ của các địa phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO