Đốt rơm rạ sau thu hoạch: Lãng phí, hại môi trường

Tuấn Dương - Việt Phong 24/06/2017 08:30

Cứ đến mùa gặt, câu chuyện đốt rơm rạ của bà con nông dân ở một số vùng lại được đặt ra. Tuy không mới, nhưng là vấn đề đáng quan tâm vì việc làm đó gây ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe của nhiều người đồng thời còn gây lãng phí đáng kể.

Việc đốt rơm rạ gây lãng phí, ảnh hưởng đến giao thông, môi trường.

Kêu gọi không đốt rơm rạ

Câu chuyện nhiều bà con ở một số huyện ngoại thành Hà Nội như Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Oai… những ngày vừa qua đốt cả trăm tấn rơm rạ đã một lần nữa gây lo ngại cho các nhà quản lý.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hà Nội công bố gần đây cho thấy hầu hết các huyện ngoại thành đang đốt bỏ rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng. Chuyện này đã xảy ra nhiều năm, đặc biệt là sau mỗi vụ gặt.

Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng chỉ ra, trong số 1 triệu tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp phát sinh tại Hà Nội mỗi năm, số lượng rơm rạ bị đốt bỏ lên tới bức báo động, hơn 350.000 tấn/năm. Riêng huyện Đan Phượng phát sinh khoảng 35.700 tấn rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp/năm, chủ yếu được đốt bỏ ngoài cánh đồng với 90%, chỉ có 10% đưa về đun nấu và làm thức ăn cho gia súc.

Theo đó, bình quân mỗi năm huyện Đan Phượng đã thải ra ngoài môi trường khoảng 12.000 tấn CO2, 290 tấn CO, 10 tấn CH4, 17 tấn SO2 và 1 tấn N20, (31 tấn bụi PM10, 155 tấn PAHs) từ việc đốt rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp... Đại diện Sở TN&MT TP Hà Nội cho rằng, chính tình trạng đốt bỏ rơm rạ ngoài nội thành đã làm gia tăng nhiệt độ, làm ngột ngạt không khí ở khu vực nội thành.

Trước tình hình trên, đầu tháng 6 vừa qua, Sở TN&MT TP Hà Nội và Hội Nông dân TP Hà Nội đã phát động chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, thí điểm tại xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ngay trong buổi đầu đã có khoảng 100 hộ gia đình xã Thọ Xuân tình nguyện ký cam kết tham gia chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ”, tương đương khoảng 5 hecta ruộng không đốt rơm rạ sau mùa gặt vụ Chiêm Xuân này.

Một lãnh đạo Sở TN&MT TP cho rằng không chỉ bà con nông dân tại xã Thọ Xuân sẽ được hưởng bầu không khí trong lành, mà hàng nghìn người dân đang sinh sống tại quanh xã Thọ Xuân, và hàng triệu người dân khác cũng không phải chịu cảnh khói bụi, ngột ngạt từ đốt rơm rạ ở các huyện ngoại thành.

Đây là tín hiệu cho thấy nếu chiến dịch này được triển khai ở nhiều khu vực, thì hiện tượng đốt rơm rạ cũng sẽ được cải thiện đáng kể. Hiện nay, theo đại diện lãnh đạo Sở TN&MT TP Hà Nội, thực trạng đốt rơm rạ ở các vùng ngoại thành đang rất đáng lo ngại.

Vì vậy, sở đang cấp bách thực hiện các giải pháp kết hợp làm việc trực tiếp với các địa phương khác trên địa bàn thành phố để đưa chiến dịch “Cánh đồng không đốt rơm rạ” vào thực hiện trên diện rộng hướng tới một thành phố cam kết không đốt rơm rạ, không tạo ra khí thải gây nguy hại đến sức khỏe cộng đồng, suy giảm chất lượng cuộc sống và kinh tế.

Sản xuất phân bón từ rơm rạ
Rơm rạ không nên đốt cháy mà có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để có thể phân hủy nhanh và trở thành phân hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường, một chuyên gia sinh học đưa ra lời khuyên. Theo TS Trần Đình Mấn, với khoảng 4 triệu hecta đất trồng lúa, hàng năm lượng rơm rạ thải ra lên tới 76 triệu tấn. Con số này tương đương 20 triệu tấn dầu, nếu đốt bỏ sẽ gây lãng phí nguồn chất hữu cơ có thể sử dụng làm phân bón. Do đó, việc sử dụng rơm rạ đúng mục đích, không chỉ giúp cải tạo đất, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp mà còn hạn chế ô nhiễm môi trường. Phân bón hữu cơ từ rơm rạ góp phần gia tăng độ mùn, bổ sung chất dinh dưỡng, nâng cao chất lượng cây trồng.

H.Liên

Cần “chữa bệnh” đốt rơm rạ bằng khoa học công nghệ

Bà con ở nhiều nơi đã quen với ý nghĩ: Đốt rơm rạ sẽ không tốn công xử lý sau khi thu hoạch mà còn tiêu diệt được mầm mống dịch hại. Sau khi rơm đốt sẽ thành tro, tro này được ủ khoảng 2 - 3 tháng rồi đem bón cho các ruộng trồng rau.

Nhưng theo các chuyên gia nông nghiệp, việc đốt rơm rạ ngay trên đồng sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, đốt đồng nhiều lần và lâu dài sẽ làm cho đất biến chất và trở nên chai cứng, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. Ngoài ra, khói rơm gây nguy hại lớn đến môi trường và sức khỏe. Đốt rơm rạ gây nên ô nhiễm bụi mịn. Đây là loại ô nhiễm rất đáng lo ngại.

Nếu như với ô nhiễm bụi đường bình thường, dùng khẩu trang có thể ngăn chặn được, còn với ô nhiễm bụi mịn, khẩu trang cũng vô ích. Bụi chui vào phổi sâu, gây các bệnh về hô hấp, thậm chí ung thư. Bên cạnh đó, khói đốt rơm rạ cản trở tầm nhìn, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn.

Tuy nhiên, cần phải có những giải pháp thay thế giúp bà con dễ thực hiện. Bởi đã qua rồi cái thời “rơm lên cây” để làm thức ăn cho trâu bò và làm chất đốt phục vụ đời sống của bà con. Giới chuyên gia cho rằng, để xử lý rơm rạ sau thu hoạch có nhiều cách hữu ích hơn rất nhiều so với việc đốt rơm tràn lan như hiện nay.

Trong đó, phương pháp sử dụng chế phẩm sinh học hữu cơ đã được một số địa phương áp dụng thí điểm như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Thanh Hóa… đã bước đầu thu được những kết quả khá tích cực.

Theo nhận định của các nhà khoa học, sau mỗi vụ thu hoạch 1ha lúa sẽ thu được 6 tấn rơm rạ, nếu đem đốt sẽ mất khoảng 6 triệu đồng, trong khi cùng khối lượng rơm rạ ấy nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.

Chỉ cần làm phép tính nhỏ, chúng ta lấy toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước (khoảng 45 triệu tấn) được xử lý sẽ đem lại 20 triệu tấn phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) là 200.000 tấn đạm, 190.000 tấn lân và 460.000 tấn kali, như vậy, sẽ tiết kiệm được gần 11.000 tỷ đồng.

Một chuyên gia phân tích: Sau khi thu hoạch người dân nên sử dụng máy gặt đập liên hợp, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ rải ngay trên ruộng, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ. Trong trường hợp không có máy gặt đập liên hợp, các hộ nông dân nên để lại khoảng trống nhỏ trên ruộng gom rơm rạ vào đó để tự phân hủy…

Hoặc có thể sử dụng chế phẩm sinh học giúp đẩy nhanh quá trình phân giải chất xơ xenlulo trong rơm rạ tươi, làm tăng đáng kể vi sinh vật hữu ích, cải thiện độ phì của đất.

Điều này sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển nhanh hơn từ 15 - 20%, năng suất vượt trội từ 10 - 15% so với bình thường, đồng thời, góp phần kháng, giảm đáng kể các bệnh thường gặp trên cây lúa... Đây là cách làm được nhiều nước trên thế giới áp dụng, cho hiệu quả bền vững, tác động tích cực với môi trường.

Trong khi đó, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết: Rơm chứa hầu hết là chất hữu cơ, nếu vùi vào đất sẽ làm tăng độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên gần đây, trâu bò ít, lại chỉ có máy cày nhỏ, việc cày vùi không dễ dàng gì.

Bên cạnh đó, do thời vụ gối đầu, nên thời gian không đủ để phân hủy rơm rạ sau khi cày vùi. Hiện nay, nhiều nông dân hiểu nhầm việc đốt rơm rạ ra tro để bón ruộng là thay được rơm rạ đã phân hủy. Đây là nhận thức sai lầm. Khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ có trong rơm rạ do nhiệt độ cao sẽ biến thành chất vô cơ, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng. Phần tro chỉ còn sót lại chút ít Phốt pho, Kali, Canxi và Silic..., không giúp ích mấy cho cây trồng.

Phân tích kỹ hơn, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng: “Trung bình một hecta lúa cho 10 - 12 tấn rơm rạ. Việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này sẽ tạo ra một lượng lớn các khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O, và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, gây ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.

Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người ta ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè, hoặc có cảm giác ngạt thở... Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày”.

Vẫn theo GS Dũng, những nơi đất chật, người dân sử dụng gas thì có thể bán rơm rạ cho các cơ sở trồng nấm, vừa hiệu quả, vừa giải phóng được nguồn phế thải nông nghiệp. Theo ước tính 1 tấn rơm rạ để trồng nấm sẽ thu được 780 kg nấm tươi.

Lợi ích từ rơm rạ đã được các khoa học chỉ ra nhưng để đi vào cuộc sống, cần có sự định hướng, tuyên truyền từ các cấp cơ sở. Thiết nghĩ, thời gian tới, các cấp, ngành cần đẩy mạng tuyên truyền, định hướng cho người dân cách thức xử lý rơm rạ để tránh lãng phí và mùa gặt sau không còn khói mù.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đốt rơm rạ sau thu hoạch: Lãng phí, hại môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO