Dự án Đảo Cò Chi Lăng Nam (Hải Dương): Bao giờ mới triển khai?

Việt Cường 27/10/2016 09:15

Đảo Cò Chi Lăng Nam (xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) từ lâu đã nổi tiếng là một khu sinh thái, di tích danh lam thắng cảnh độc đáo. Tuy nhiên những năm gần đây, do tác động của thiên nhiên, khu di tích này đã xuống cấp trầm trọng, đang khẩn thiết kêu cứu.

Nhiều cây trên đảo đã chết khô.

Khu sinh thái độc đáo… hút khách

Theo các cụ trong làng An Dương cho biết: Xưa kia, khu vực này vốn là một vùng chiêm trũng, ở giữa có một gò đất nổi cao. Khoảng thế kỉ XV, xảy ra trận lụt lớn, làm vỡ đê, nước sông tràn vào cánh đồng và không rút đi được nên đã tạo thành hồ An Dương như ngày nay. Gò đất nổi lên giữa hồ nước mênh mông cùng với hàng chục cây tre đã tạo nên môi trường thuận lợi cho các loại cò, vạc sinh sống. Theo thời gian, các loài cò, vạc ở nơi khác tìm về trú ngụ ngày càng nhiều. Đảo Cò hình thành từ đấy.

Đến năm 1994, chính quyền và người dân tích cực trong việc bảo vệ đàn cò, tuyên truyền nhân dân, du khách không săn bắt, xua đuổi cò; tạo không gian cho cò sinh sống bằng cách trồng tre, trồng cây trên đảo; xây dựng Đảo Cò Chi Lăng Nam trở thành khu du lịch sinh thái.

Với sự phát triển đông đúc của đàn cò, năm 2007 chính quyền địa phương đã vận động, đền bù, di dời 7 hộ dân sống ở ven hồ đến chỗ ở mới để đưa diện tích của 7 hộ này cải tạo thành đảo mới to rộng hơn đảo cũ nâng diện tích 2 đảo lên thành 7.500 m2, diện tích hồ An Dương rộng gần 12 ha. Để bảo vệ đàn cò, cơ quan chức năng đã sử dụng hàng rào, thả bèo tây quanh đảo để chống nước xâm thực gây sạt lở. Với 2 đảo, lúc đó đã đáp ứng được nhu cầu sinh sống của đàn cò và trở thành một khu sinh thái với cảnh quan thiên nhiên hữu tình.

Ông Lê Văn Huy, Tổ trưởng Tổ dịch vụ tại Khu danh lam thắng cảnh Đảo Cò cho biết: “Đảo Cò hiện là nơi trú của khoảng 16.000 con cò, 6.000 con vạc. Nhiều loại cò, vạc nổi tiếng như cò lửa, cò ruồi, cò diệc, cò trắng, cò ngang, cò hương và vạc xám, vạc xanh, vạc đen. Ở đây, còn có nhiều loài chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Ngoài ra, đây còn là nơi trú ngụ của nhiều loài cá quý cùng các loại thực vật thủy sinh, hoang dã. Một quần thể sinh thái đa dạng và phong phú”.

Đến năm 2014, Khu sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam đã chính thức được công nhận là Di tích danh lam thắng cảnh quốc gia và là một điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương. Ông Vũ Bá Nhân, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho biết: “Hàng năm, khu sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam thu hút vài chục vạn khách du lịch, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài”.

Kêu cứu

Những năm gần đây, Đảo Cò Chi Lăng Nam đã xuất hiện tình trạng xuống cấp gây ảnh hưởng đến môi trường sống của cò, vạc. Theo quan sát, nhiều chỗ ven bờ của 2 đảo có nhiều mảng đất bị sụt lở khiến cây cối ven bờ trơ rễ, đổ nghiêng ngả và chìm dần xuống hồ, có những vị trí mỗi năm bị sạt mất đi 30cm đến 40cm. Những chiếc cọc bê-tông được cắm xung quanh đảo ngày trước để giữ đất, chống xói lở thì nay đất quanh đảo đã “tụt” xuống hồ, khiến những chiếc cọc bê tông nằm cách xa bờ đảo (thời điểm hiện tại) hàng mét.

Ông Vũ Đình Lượng, Bí thư Đảng bộ xã Chi Lăng Nam cho biết: Năm 2009, tỉnh Hải Dương đã công bố quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch sinh thái Đảo Cò với diện tích hơn 67 ha, tổng mức đầu tư hơn 83 tỷ đồng.

Mới đây, vào tháng 2/2016, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã trình lên HĐND tỉnh Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu du lịch và bảo tồn sinh thái Đảo Cò với tổng số tiền đầu tư là trên 45 tỷ đồng. Dự án sẽ mở rộng diện tích 2 đảo hiện nay thêm khoảng gần 6.000m2, xây dựng thêm 1 đảo mới có diện tích khoảng 5.000m2 và diện tích hồ bao quanh khoảng trên 10.000m2. Cùng với đó, Dự án cũng sẽ gia cố bao quanh bờ để giảm hiện tượng xói mòn, sạt lở đất bằng rọ đá; trồng bổ sung cây đã bị mất do sạt lở….

Dự án đã có, nhưng bao giờ được triển khai vẫn là câu hỏi để đấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Đảo Cò Chi Lăng Nam (Hải Dương): Bao giờ mới triển khai?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO