Dự án đường vành đai tại TP HCM: Quan trọng là khai thác như thế nào

Hà Anh 16/01/2023 07:05

Mới đây, UBND TP Hồ Chí Minh đã có buổi làm việc với lãnh đạo các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương; thảo luận về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 TPHCM.

Một trong những dự án lớn nằm dọc theo đường Vành đai 3, TPHCM.

Thúc đẩy tiến độ

Theo ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, đến gữa tháng 1/2023, Dự án xây dựng đường Vành đai 3 các địa phương cơ bản hoàn thành công tác phê duyệt và bàn giao ranh giải phóng mặt bằng phục vụ công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; phối hợp tham mưu trình Chính phủ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho dự án. Các dự án thành phần bồi thường, bố trí tái định cư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương đã được phê duyệt.

Còn đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, hiện nay các địa phương đang khẩn trương tổ chức thực hiện lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đối với từng đoạn tuyến; xác định các nguyên tắc phối hợp với mốc thời gian chính.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng đối với đường Vành đai 3 cần tập trung hoàn thiện phê duyệt dự án, đánh giá tác động môi trường. Qua đó, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để có văn bản chính thức sớm nhất; đồng thời hoàn thiện thủ tục thiết kế kỹ thuật để phê duyệt.

Liên quan vấn đề lựa chọn nhà thầu để chuẩn bị cho công tác khởi công vào tháng 6/2023, ông Mãi nhận định, đây là dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, do đó, cần phải khẩn trương, kỹ lưỡng và có quy trình, tiêu chí lựa chọn. “Đặc biệt, cần phải khách quan và trong sáng trong việc lựa chọn. Nếu không trong sáng mà cố tình làm sai, chúng ta sẽ đánh mất đi vinh dự được đóng góp cho công trình trọng điểm này và mất luôn cả danh dự, sự nghiệp”.

Về giải phóng mặt bằng, phấn đấu đưa việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư của Dự án Vành đai 3 là kiểu mẫu, sao cho người dân đồng thuận đóng góp cho công trình.

Đối với Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sẽ sớm đăng ký làm việc với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải để thống nhất về hình thức và thời gian trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Theo đó, quy mô quy hoạch của dự án là 6-8 làn xe, trong đó giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, giải phóng mặt bằng 1 lần theo quy mô thiết kế, hình thức dự án là PPP, đề nghị áp dụng ngân sách theo cơ chế đường Vành đai 3.

Ông Mãi cũng đề nghị phấn đấu khởi công Dự án Vành đai 4 dịp 30/4/2025.

Chủ động khai thác quỹ đất

Một trong những vấn đề quan trọng khi xây dựng Dự án Vành đai 3, Vành đai 4 TPHCM chính là việc làm sao có thể tận dụng quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội. Đây là việc cần tính đến kể cả trước khi khởi công dự án.

Điều đó càng đặc biệt quan trọng khi mà hơn 20 năm qua việc phát triển nhà ở xã hội tại TPHCM rất chậm chạp, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi quỹ đất trong và giáp khu vực nội thành hầu như đã khai thác hết.

Tại hội thảo “Cơ chế chính sách nhà ở xã hội trên địa bàn TPHCM theo quan điểm liên kết vùng”, tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam) cho rằng khi bàn về nhà ở xã hội, cần xác định rõ giải quyết nhà ở cho ai? Đó là công nhân trong các khu công nghiệp; đó là những người có thu nhập thấp, nhập cư mà không có điều kiện mua nhà. Trong khi đó, theo tính toán của nhóm tác giả Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế - xã hội (thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), nhu cầu nhà ở xã hội của TPHCM sẽ cần 58.000 căn hộ đến năm 2030.

Vậy, lấy đất đâu ra để xây dựng nhà ở xã hội?

Theo PGS.TS Trần Văn Khải - Giảng viên trường Đại học quốc tế Hồng Bàng, thì khi quỹ đất tại TPHCM khan hiếm, thành phố có thể tận dụng nguồn lực sinh ra từ 2 dự án Vành đai 3, Vành đai 4 để phát triển nhà ở xã hội. “TPHCM liên kết với các tỉnh lân cận xây dựng nhà ở xã hội với hệ thống giao thông giúp người dân tiếp cận khu trung tâm đô thị hay nhà máy, nơi làm việc, dịch vụ thiết yếu với giá thích hợp, chất lượng môi trường sống đảm bảo” - ông Khải nói.

Cụ thể hơn, tiến sĩ Dư Phước Tân (Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM), cho rằng có thể khai thác 2.400 ha quỹ đất sau khi hoàn thành Vành đai 3. Riêng TPHCM có 500 ha đất của nhà nước. Tuy nhiên, khi hoàn thành Vành đai 3 thì giá đất cũng tăng lên, nên việc thu hồi đất cũng rất nan giải. Nếu liên kết được nhà đầu tư với quỹ đất thì tiềm năng phát triển xã hội lớn. “Vấn đề quan trọng là khai thác như thế nào” - ông Tân nói.

Với tổng mức đầu tư là hơn 75.000 tỷ đồng, Dự án Vành đai 3 TPHCM có tổng chiều dài hơn 76km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 4 làn xe với tốc độ 100km/giờ. Dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2026. Dự án Vành đai 4 dài gần 200 km với tổng mức đầu tư khoảng 100.000 tỷ đồng; đi qua 5 tỉnh, thành gồm: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Quy mô kỹ thuật là cao tốc đô thị, mặt cắt ngang 6-8 làn xe với tốc độ 60-80 km/giờ. Dự kiến đưa vào khai thác từ quý I năm 2028.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án đường vành đai tại TP HCM: Quan trọng là khai thác như thế nào

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO