Dự án tuyến kênh Tân Mỹ (Ninh Thuận): Chưa tìm được tiếng nói chung về nguồn gốc đất

Thuỳ Trang 26/06/2017 08:35

Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết phản ánh về những bất cập trong việc xác định nguồn gốc đất trong việc đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng dự án kênh Tân Mỹ, tỉnh Ninh Thuận. Mặc dù tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành cũng như UBND huyện Ninh Sơn vào cuộc, tuy nhiên đến nay sự việc vẫn chưa giải quyết dứt điểm.

Thực hiện Nghị định 02-CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Ngày 21/2/1998, UBND huyện Ninh Sơn đã ban hành Quyết định về việc giao đất sản xuất lâm nghiệp số 31/QĐ-KTUB ngày 24/2/1998 giao cho gia đình ông Lê Châu Chính khu đất có diện tích 927.700 m2, và khai hoang thêm 2ha. Như vậy tổng diện tích mà ông Chính quản lý sử dụng là 947.700 m2.

Từ Nghị quyết 03/2000/CP ngày 2/2/2000 của Chính phủ về việc phát triển kinh tế trang trại, năm 2000, ông Chính đã lập phương án xin chuyển đổi 94,27ha để làm kinh tế trang trại. Trong đó 52,27ha để làm đường nội bộ, làm mương dẫn nước, đào 3 ao cá, trồng 27,77ha đào, xoài 5ha, 1ha quýt hồng, 1ha Sapoche, 1ha nhãn tiêu, trồng xen các loại cây ngắn ngày như bắp, chuối mốc … 6,5ha.

Ngoài ra còn trồng xen 42,27 ha me Thái trong rừng non, đã được Phòng Kinh tế huyện Ninh Sơn và Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn phê duyệt năm 2000. Gia đình ông đã được Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận có công văn số 313/SNNPTNT-KH ngày 13-7-2000 v/v thẩm định dự án vay vốn lập trang trại VACR, trồng cây ăn quả; Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận có văn bản số 489/SKHĐT ngày 29/9/2000 giới thiệu liên hệ Quỹ hỗ trợ và phát triển làm thủ tục vay vốn. Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Thuận có công văn số 279/SNNPTNT-NN ngày 17/5/2001 v/v xác nhận phương án kinh tế trang trại.

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 69/2000 TTLB/BNNPTNT-TCTK ngày 23/6/2000 hướng dẫn tiêu chí để xác định kinh tế trang trại thì thẩm quyền công nhận trang trại thuộc Sở NNPTNT. Chỉ đến năm 2011, khi có Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT mới quy định Chủ tịch UBNND huyện cấp giấy phép trang trại. Mặt khác; theo Khoản 3, Điều 82, Luật Đất đai 2003 thì “hộ gia đình cá nhân sử dụng đất làm kinh tế trang trại được chủ động chuyển đổi mục đích sử dụng các loại đất theo phương án sản xuất kinh doanh đã được UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xét duyệt ”.

UBND tỉnh Ninh thuận đã ban hành Quyết định số 241/2007/ QĐ-UBND ngày 14/9/2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2007-2015 thì vùng đất này đã được đưa ra khỏi 3 loại rừng. Tại công văn số 636/CCKL-QLBVR ngày 13/9/2012 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh thuận do Chi cục trưởng Nguyễn Hữu Hoán ký khẳng định: “Đất của ông Lê Châu Chính đã đưa ra ngoài ba loại rừng, có sơ đồ và tọa độ X, Y”. Như vậy kể từ ngày 14/9/2007, đất của gia đình ông Chính đang sử dụng không bị điều chỉnh bởi Luật Bảo vệ và phát triển rừng, tức là toàn bộ diện tích này đã ra khỏi 3 loại rừng, và tiếp tục sản xuất ổn định không tranh chấp phù hợp với quy hoạch, làm trang trại.

Thực hiện việc đầu tư xây dựng dự án thủy lợi đập dâng Tân Mỹ, gia đình ông Chính sẽ phải thu hồi là 490.396,7 m2. UBND huyện Ninh Sơn đã ban hành 4 quyết định thu hồi đất, bao gồm: Quyết định số 4432/QĐ-UBND ngày 26/12/2016 của Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn “Về việc thu hồi đất để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Công trình kênh chính đập dâng Tân Mỹ (thuộc hệ thống thủy lợi Tân Mỹ). Đoạn qua thị trấn Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, thu hồi 374.037,1 m2 nhưng không bồi thường, hỗ trợ về đất khi thu hồi.

Không đồng tình với các quyết định của UBND huyện Ninh Sơn, ông Chính đội đơn đi cầu cứu khắp nơi, bởi ông cho rằng, việc thu hồi đất của gia đình ông mà chính quyền địa phương đã làm sai trong 6 vấn đề chính, đó là: Đất của ông đủ điều kiện cấp QSDĐ theo điều 15 Nghị định 02CP; Phương án trang trại được Chủ tịch UBND thị trấn Tân sơn, Phòng Kinh tế ( Nông nghiệp -Địa chính) huyện Ninh Sơn - Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn và Giám đốc sở NNPTNT Ninh Thuận phê duyệt năm 2000-2001; Đất của ông Lê Châu Chính đã đưa ra ngoài ba loại rừng, có sơ đồ và tọa độ X, Y, không bị điều chỉnh bởi Luật bảo vệ và phát triển rừng, tuy nhiên, UBND huyện Ninh Sơn lại có Báo cáo số 121/BC-UBND kết luận ông sử dụng sai mục đất là không đúng; UBND huyện Ninh Sơn ra 4 Quyết định thu hồi đất của ông để làm kênh chính đập dâng Tân Mỹ và Tuyến đường TC2 không bồi thường và hỗ trợ về đất là xâm hại đến quyền và lợi ích chính đáng của gia đình…

Điều đáng nói là cùng trong tuyến đất bị thu hồi để làm hệ thống thủy lợi Tân Mỹ thì việc hỗ trợ đền bù nảy sinh bất cập. Theo Công văn số 140 của UBND huyện Ninh Sơn ngày 30/5/2017 về việc trả lời nội dung của Báo Đại Đoàn Kết có nêu rõ: Địa bàn xã Mỹ Sơn thuộc khu vực xã trung du, giá bồi thường đất rừng sản xuất là 7.000 đồng/m2 được áp dụng hỗ trợ bằng mức bồi thường đất rừng cho 24 hộ dân có đất thu hồi thực hiện dự án nằm trong quy hoạch đất rừng.

UBND huyện đã phê duyệt phương án tính mức hỗ trợ 7.000 đồng/m2 cho toàn bộ diện tích bị thu hồi nằm trong quy hoạch đất rừng, đúng theo chủ trương của UBND tỉnh Ninh Thuận tại Văn bản số 753/UBNDb - NC. Mặc dù đã được phê duyết hỗ trợ đền bù đất rừng là 7.000 đồng/m2, nhưng một số hộ dân ở đây vẫn chưa chấp nhận với mức hỗ trợ đó. Bởi họ cho rằng mức hỗ trợ đền bù này là quá thấp so với một số dự án khác như thu hồi đất rừng để mở rộng làm đường ống số 3 của Nhà máy thủy điện Đa Nhim với mức hỗ trợ đền bù là 96.000đồng/m2 đất lâm nghiệp.v.v.

Mặt khác, cùng giáp ranh với nhau, trong khi đất của một số hộ dân vẫn nằm trong diện tích đất rừng thì vẫn được UBND huyện hỗ trợ đền bù, còn thu hồi 374.037,1 m2 của gia đình ông Chính thì không được bồi thường, hỗ trợ về đất khi thu hồi. Trong khi toàn bộ diện tích đất này đã không còn thuộc là diện tích 3 loại rừng.

Rất mong tỉnh Ninh Thuận xem xét lại trong việc xác định lại nguồn gốc đất và việc hỗ trợ đền bù cho tất cả các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ trong dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ sao cho công bằng, đúng luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án tuyến kênh Tân Mỹ (Ninh Thuận): Chưa tìm được tiếng nói chung về nguồn gốc đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO