Dự báo thị trường lao động: Thiếu và yếu

Lê Bảo 02/11/2020 09:00

Đánh giá về bức tranh việc làm trong 10 tháng đầu năm 2020, Bộ LĐTBXH cho biết, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực lên 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên, khiến 17,6 triệu người giảm thu nhập. Cùng đó, cả nước còn 1,3 triệu hộ nghèo, 1,23 triệu hộ cận nghèo cũng chịu tác động xấu của dịch bệnh. Điều này cũng làm gia tăng số hộ nghèo và cận nghèo trong năm 2020.

Chia sẻ về giải pháp hạn chế thực trạng thất nghiệp, bà Nguyễn Thị Lan Hương - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐTBXH cho rằng, cần phải chuẩn hóa thông tin về thị trường lao động qua một hệ thống công để mọi cá thể trong thị trường lao động (người lao động; doanh nghiệp; cơ sở đào tạo; công ty môi giới giới thiệu việc làm) có thể căn cứ vào đó để cập nhật thông tin. Từ thông tin đó, mọi cá thể tham gia thị trường lao động phải tự soi vào đó để điều chỉnh cho cung - cầu gặp nhau. Tuy nhiên, theo bà Hương, công tác dự báo nguồn nhân lực ở nước ta vẫn còn thiếu và yếu.

Trên thực tế, Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê cùng nhiều đơn vị đã tham gia vào việc xây dựng thông tin về thị trường lao động. Các thông tin về thị trường lao động được cập nhật qua Bản tin Thị trường lao động; chương trình tuyển dụng việc làm ở các đơn vị dịch vụ công. Tuy nhiên lượng thông tin còn ít, chưa đa dạng, thiếu tính kết nối, mới thiên về công bố thực trạng, số liệu, phân tích số liệu mà chưa đưa ra được những dự báo về xu hướng việc làm, hay tạo tính kết nối giữa các đơn vị đào tạo với DN, giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo với thị trường lao động.

Về việc này, ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐTBXH cũng thừa nhận, công tác dự báo thị trường lao động chưa đạt kết quả như mong đợi bởi chưa có cơ quan đầu mối thực hiện chức năng dự báo thị trường lao động; các đơn vị thực hiện dự báo chưa có cơ chế hợp tác, chia sẻ thông tin.

Ông Bình cho biết, Bộ LĐTBXH đang xây dựng và lấy ý kiến cho Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030” và Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động”. Theo đó, Đề án “Nâng cao năng lực dự báo cung - cầu lao động” được xây dựng theo hướng phát triển một hệ thống dự báo cung - cầu lao động với những sản phẩm có tính khoa học, đầy đủ những thông tin về cung - cầu lao động cơ bản kịp thời phục vụ điều hành, quản lý nguồn nhân lực, phát triển thị trường lao động. Ngoài ra, sản phẩm dự báo cung - cầu phải kịp thời cung cấp các thông tin cho các cơ sở giáo dục - đào tạo phục vụ công tác lập kế hoạch, chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động; cung cấp thông tin để giúp người lao động và gia đình định hướng và quyết định những vấn đề về đào tạo, việc làm trong tương lai; giúp DN lựa chọn địa điểm, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh.

Theo TS Nguyễn Văn Hiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Marketing TPHCM, để nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động, cần có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp. Dự báo nguồn lao động phải gắn với quy hoạch từng nhóm ngành nghề, để không thừa, thiếu lao động từ đó đảm bảo sự liên thông, minh bạch về thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự báo thị trường lao động: Thiếu và yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO