Dư chấn chiến tranh

Trần Ngọc Kha 29/07/2017 09:05

Người lính nào cũng vậy, sau trận mạc trở về đều có một ước mơ lấy vợ, lấy chồng được sinh con đẻ cái, được gieo trồng cấy hái cho mùa màng bội thu. Ấy vậy mà, tháng 7 này, ở xóm 21, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có những cánh đồng dường như chưa bao giờ chín vụ, có những con người chưa một ngày bình yên vì dư chấn chiến tranh…​

Cuộc “vật lộn” giữa vợ chồng ông Khương, bà Là với chính người con ruột của họ. Ảnh: Trần Ngọc Kha.

Vừa đặt chân vào đến nhà ông Khương, chưa kịp uống chén nước chè nóng, tôi đã nghe thấy giọng một người con gái chát chúa từ đâu đó tuôn ra những từ ngữ vô nghĩa. Ông Hoàng Giáp Khương (sinh năm 1953), chủ nhà vừa lắc đầu vừa nói: “Suốt ngày cháu nhà tôi cứ gào lên như vậy. Thấy người lạ nó càng gào, trời càng nóng chúng càng gào”.

Những âm thanh chát chúa được phát ra từ hai căn phòng được khóa chặt, thuộc dãy nhà ngang. Hai người con gái ông Khương là các cô Hoàng Thị Hường (sinh năm 1979) và Hoàng Thị Thoa (sinh năm 1981) đang bị chính vợ chồng ông Khương nhốt biệt lập trong đó.

“Từ nhỏ chúng đã vậy rồi. Nhiều khi chúng đánh lại cả vợ chồng tôi để cố thoát ra, đi lang thang cả tháng trời…”. Ấy là cái đận chị Hường bỏ nhà đi. Mãi sau có người của một cơ sở y tế tâm thần đến báo, vợ chồng ông khăn gói lên đường mới đón được con về.

“Lúc bỏ nhà ra đi nó béo tốt là vậy mà lúc tìm được đưa con về trông gầy gò, đen đúa làm sao. Nhìn con ăn ngấu nghiến những miếng cơm không kịp bón mà vợ chồng chúng tôi ứa nước mắt”. Đoạn ông Khương bảo: “Cũng chính từ bữa ấy, vợ chồng tôi thống nhất với nhau nhất định không để “sổng” con như vậy nữa, cũng không có ý định đưa con đi đâu nuôi hộ”.

Nói là làm, ông Khương cho xây tường bao quanh nhà, dành riêng hai gian nhà ngang để “nhốt” hai đứa con rứt ruột đẻ ra, phòng khi chúng lên cơn quậy phá. Nhiều khi làm lụng vất vả đến bữa ngồi xuống chưa kịp ăn đã nghe con gào thét rồi chúng hất tung cả mâm cơm.

Đúng lúc đó một tiếng động lớn đánh sầm vọng lại cắt ngang câu chuyện. Cô con gái cả Hoàng Thị Hường chẳng biết sao cậy được cửa chạy vụt ra vườn. Bà Nguyễn Thị Là (sinh năm 1957), mẹ của Hường, tay vẫn cầm bát cơm bón dở cho cô, bước loạng choạng đuổi theo con.

Thấy vậy, ông Khương cũng tất tả lao ra vườn. Phải mất chừng 15 phút sau, họ mới “khống chế” được đứa con dại của mình, mồ hôi vã ra như tắm trong những ngày oi nắng.

Nhìn cảnh vợ chồng ông Khương níu giữ, lôi, kéo, giằng co với đứa con gái mà lòng chúng tôi đau đớn vô cùng.

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nay nhưng ngay tại đây thôi, xóm 21, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, nơi chỉ bước một vài bước chân thôi, chúng tôi lại được ngút ngát ngắm nhìn những thửa ruộng vàng ươm mầu lúa chín trải dài tít tắp, nơi mọi nhà xung quanh đang quây quần yên ấm, vui vẻ quanh bữa cơm trưa, thì cũng chính là nơi mà cả gia đình ông Khương còn đang phải chiến đấu không ngừng nghỉ với chất độc da cam do Mỹ thả xuống nơi chiến trường xưa ông đã đi qua.

Quệt ngang những dòng nước mắt, chỉ vào đứa trẻ chừng 10 tuổi đang ngơ ngác ngoài sân, ông Khương kể: “Đó là con của thằng con trai duy nhất của vợ chồng tôi đấy. Lấy nhau được một thời gian, sinh được một mụn con như thế này rồi mẹ nó không chịu nổi cảnh nhà bỏ về bên ngoại. Từ đó bặt vô âm tín”.

Vợ chồng ông Khương còn sinh hạ được một người con gái nữa. Cô này được cho là còn khá bình thường, lấy được một tấm chồng nhưng họ sống với nhau cũng chẳng được bao lâu. “Sau khi vợ chồng nó đẻ được hai đứa con, cậu con rể tôi cũng bỏ đi…”.

Có lẽ chẳng có nỗi khổ nào đến mức tột cùng như nỗi khổ mà những mảnh đời già nua, yếu ớt, bệnh tật như họ đang phải trải qua?

“Dạo các con tôi còn nhỏ, thấy cảnh chúng như thế này, có người ác khẩu rủa vợ chồng tôi chắc ăn ở ác nên giờ bị quở báo”. Những khi ấy, bà Là chỉ muốn bỏ nhà bỏ cửa ra đi, nhưng vì nghĩ thương chồng con mà ở lại đến giờ. Bản thân bà cũng đã không ít lần bị ông Khương, nạn nhân chất độc da cam loại 3, tâm thần không ổn định, nhiều lúc đánh đập chửi bới. Nhìn bà Là ngồi khóc một mình giữa sân mà lòng chúng tôi quặn thắt.

Không biết có phải là do mải tiếp chuyện chúng tôi hay sao mà trời đứng bóng từ lâu, vợ chồng ông Khương, bà Là vẫn chưa nấu cơm ăn bữa trưa. Thấy tôi buột miệng thắc mắc, ông Khương trả lời: “Vợ chồng chúng tôi bỏ bữa là thường mà anh”.

Cùng đại diện một số tổ chức, cá nhân trao cho gia đình ông Khương 5 triệu đồng tiền quà hỗ trợ của Nhịp cầu nhân ái, chúng tôi chia tay ông ra về thì cũng đã quá trưa.

Dọc đường, những thửa ruộng đã lên màu lúa chín vàng ruộm. Hương lúa dậy lên ngan ngát mà trong chúng tôi mãi dâng niềm xót thương về một cánh đồng chưa bao giờ chín vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dư chấn chiến tranh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO