Du lịch biển 'rã đông'

Hạnh Nguyên 09/04/2017 09:05

Hà Tĩnh có những bãi biển thơ mộng, đẹp như tranh vẽ, với nguồn lợi hải sản dồi dào. Đây cũng là địa phương được mệnh danh là vùng “đậm đặc di tích” và có nhiều di sản phi vật thể. Nhưng, sự cố môi trường khiến du lịch Hà Tĩnh tròn một năm hầu như tê liệt. Những tín hiệu vui đầu năm 2017 đã và đang giúp du lịch biển Hà Tĩnh “rã đông”.

Qua kỳ “ngủ đông”

Những ngày đầu tháng 4/2017, các vùng du lịch biển nổi tiếng của Hà Tĩnh như: Xuân Thành, huyện Nghi Xuân; Thạch Bằng, huyện Lộc Hà; Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên... đang rạo rực chuẩn bị cho kỳ du lịch biển mới. Người dân tích cực chuẩn bị những điều kiện cần thiết, vạch kế hoạch cụ thể với mong muốn, Hà Tĩnh sẽ đón một mùa du lịch mới tràn đầy hứa hẹn.

Mùa du lịch biển năm 2016, Hà Tĩnh bị “đóng băng” bởi sự cố môi trường xảy ra vào đúng thời điểm mùa vụ mới chớm rộ. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ đồng tu sửa, xây dựng nhiều hạng mục, thiết bị, đặt hàng chục tấn hải sản tại các kho thu mua, chuẩn bị nguồn lực, nhân lực… tất cả đã đâu vào đấy và hy vọng sẽ đem lại lợi nhuận kha khá nhưng lại “chết đứng”. Bằng nỗ lực vượt khó, để khởi động mùa du lịch biển 2017, công tác đón đầu cũng được các chủ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch biển tại Hà Tĩnh chuẩn bị chu đáo.

Tại huyện Lộc Hà, không khí khẩn trương đang diễn ra tràn ngập ở các vùng cửa biển. Các hạng mục đầu tư, xây dựng đang được chính quyền, doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh tại đây thực hiện gấp rút. Lộc Hà được tỉnh Hà Tĩnh chọn làm điểm khai trương mùa du lịch gắn với sự kiện 10 năm thành lập vào đúng dịp 30-4. Do đó, cùng với việc chú trọng đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, huyện này tập trung phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, đầu tư các công trình phụ trợ phục vụ mùa du lịch.

Theo đó, hệ thống công trình kè ven biển có chiều dài 1,5 km với nguồn vốn đầu tư khoảng 90 tỷ đồng đã hoàn thành giai đoạn 1 và đưa vào sử dụng. Công trình bãi đậu xe diện tích 1.000m2 và nhà vệ sinh công cộng với nguồn kinh phí đầu tư 2 tỷ đồng đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Trên công trường Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpeal Cửa Sót (xã Thạch Bằng) luôn có hàng nghìn lao động làm việc suốt ngày đêm nhằm đảm bảo tiến độ khai trương vào đúng dịp 30-4.

Với các chủ kinh doanh, những tín hiệu vui của mùa du lịch mới là động lực để họ tiếp tục đầu tư, tái sản xuất, nhất là khi du khách không còn quay lưng lại với hải sản Hà Tĩnh như trước. Anh Trần Hữu Hòa - chủ nhà hàng Hòa Duân (xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) cho biết: “Chuẩn bị cho mùa du lịch biển năm nay, tôi đã đầu tư 50 triệu đồng sửa sang lại một số hạng mục của nhà hàng. Những ngày gần đây, ngày nào cũng có một vài đoàn khách đến ăn hải sản. Hy vọng rằng, sự hồi sinh của biển và du lịch sẽ sôi động trở lại, giúp những người kinh doanh nhà hàng như chúng tôi được vực dậy”.

Còn tại Nhà khách Việt Lào, “mặc dù mới đầu mùa du lịch nhưng nhà hàng đã có khá đông du khách đến ăn hải sản, chỉ riêng tháng 3/2017 nhà hàng đã bán ra được hơn 100 triệu đồng. Còn nhà khách, đến nay đã có 30/52 phòng được khách đặt sẵn (57% công suất buồng phòng), chủ yếu là khách ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã đầu tư, chuẩn bị chu đáo và sẵn sàng phục vụ cho mùa du lịch biển 2017”, Giám đốc Dương Đình Hiền vui mừng chia sẻ.

Khác với khung cảnh ảm đạm của mùa du lịch năm ngoái, khu du lịch biển Thiên Cầm đang thực sự “rã đông”. Theo Trưởng ban quản lý khu du lịch Thiên Cầm, ông Hoàng Xuân Hướng, khách đến ăn hải sản, nghỉ dưỡng từ đầu tháng 3 đến nay đã khá nhiều. “Ngày 22/4, khu du lịch sẽ khai trương, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn tất và đảm bảo tốt nhất cho ngày khai trương. Điều khiến chúng tôi vui mừng và kỳ vọng là đến thời điểm này, người dân địa phương và du khách đến ăn hải sản tại các nhà hàng, điểm kinh doanh tại khu du lịch khá đông, chắc chắn tình hình sẽ khả quan hơn năm ngoái”, ông Hướng nói.
Ông Đặng Thế Quân, chủ nhà hàng Quân Phước (bãi biển Thiên Cầm) cho hay: “Mồng 4 Tết chúng tôi đã mở cửa nhà hàng. Khách đến nhiều hơn năm ngoái. Ai đến đây cũng đều ăn hải sản. Chúng tôi cũng đã tiếp nhiều đoàn khách ngoại tỉnh đến từ Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên…”.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, việc tiêu thụ hải sản thì ngay cả vùng “tâm chấn” của sự cố môi trường – Cảng Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), thực khách đến ăn mực nháy Vũng Áng tại các bè nổi ở đây đã đông đúc từ 2 tháng nay. Ông Chu Văn Hậu – chủ bè nổi Hậu Thìn cho hay: “Hơn tháng nay, mỗi ngày khách đến ăn và mang mực về ít nhất là 5kg, nhiều nhất khoảng 60kg”.

Khu du lịch biển Thiên Cầm.

Chiến lược lâu dài

Những tín hiệu vui đầu năm đã và đang là “điểm tựa” để mùa du lịch biển Hà Tĩnh khởi sắc. Hiện, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã xây dựng Đề án “Khôi phục và phát triển du lịch sau sự cố môi trường biển”. Theo đó, du lịch biển đang được chính quyền tỉnh này đặc biệt quan tâm và nỗ lực đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

“Điểm nhấn” mà du lịch Hà Tĩnh xây dựng trong Đề án “Khôi phục và phát triển du lịch sau sự cố môi trường biển” đó là kết hợp các tài nguyên du lịch. Du lịch biển được kết hợp với du lịch văn hóa, sinh thái và trải nghiệm nông thôn mới. Cụ thể, du lịch biển Thiên Cầm kết hợp với tham quan Đảo Én, Đảo Bơc, khu du lịch sinh thái Đồng Nôi, làng nghề nước mắm. Biển Xuân Thành kết hợp với khu du lịch sinh thái Đức Đường, Chùa Hang, Chùa Thiên Tượng, Thiền viện Trúc Lâm. Biển Lộc Hà kết hợp với tham quan trải nghiệm văn hóa ẩm thực tại Làng văn hóa du lịch Nam Sơn, làng cá Thạch Kim,…

Việc phối hợp các tài nguyên du lịch không những góp phần dần hồi sinh du lịch biển mà còn khai thác được tiềm năng của các hình thức du lịch khác. Bên cạnh đó phát triển các khu vui chơi giải trí các hoạt động gắn liền các bãi biển nhằm tăng thời gian lưu trú của khách cũng như đáp ứng nhu cầu của du khách.

Trước mắt, để mùa du lịch biển khởi sắc, tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực hoàn thành công tác đền bù, bồi thường sự cố môi trường biển, nhất là hoàn thành kê khai bồi thường thiệt hại cho các đối tượng dịch vụ du lịch đã được xác định tại Quyết định số 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ta, tỉnh Hà Tĩnh cũng ưu tiên làm tốt việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng các nguồn xả thải ra biển, tuyệt đối đảm bảo môi trường sạch.

Trao đổi với PV, ông Lê Trần Sáng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh cho biết: Năm 2016, hoạt động kinh doanh du lịch Hà Tĩnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu các cơ sở kinh doanh tại các khu, điểm du lịch biển sụt giảm tới 80% - 85%. Năm nay, mục tiêu phấn đấu của tỉnh là khôi phục để du lịch biển hoạt động ổn định trở lại như những năm trước. Thu hút được số lượt khách đến với du lịch biển Hà Tĩnh vào mùa cao điểm bằng với số lượt khách năm 2015 (khoảng 450.000 lượt khách).

“Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng ngành du lịch đang từng bước tháo gỡ. Điều đáng mừng là các nhà đầu tư không quay lưng với du lịch mà đang tiếp tục thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đẩy mạnh ngành du lịch biển của Hà Tĩnh khởi sắc trở lại. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có trên 30% buồng phòng được khách đặt sẵn. Nếu so sánh với năm ngoái thời điểm này thì hiệu suất buồng phòng cao hơn hẳn”- ông Sáng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch biển 'rã đông'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO