Du lịch biển vào mùa

Hạnh Nguyên - Lam Khê 03/05/2017 08:35

Hàng vạn du khách nườm nượp đổ về các vùng biển trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5. Không chỉ ở biển Đồ Sơn (Hải Phòng), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Giờ (TP.HCM)..., du khách đã kéo về các bãi biển của Hà Tĩnh. Đây là tín hiệu rất tích cực, khép lại chuỗi ngày ảm đạm bao trùm vì sự cố môi trường biển. Biển hồi sinh và đã đến lúc Hà Tĩnh phải xây dựng chiến lược để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hàng vạn du khách đổ về các bãi biển ở Hà Tĩnh. (Ảnh: Hạnh Nguyên).

Nhiều bãi tắm quá tải

Chỉ cách đây ít ngày, cả tỉnh Hà Tĩnh phải “nín thở” khi mùa du lịch biển chớm ngõ. Ngay cả khi khai trương mùa du lịch biển ở khu du lịch Xuân Thành (Nghi Xuân) vào tối 28/4, nhiều người vẫn còn hoài nghi về hiệu quả của mùa du lịch mới, bởi lúc này thời tiết chưa ủng hộ. Thế nhưng, dòng người tìm về với biển Hà Tĩnh trong 4 ngày nghỉ lễ đã đánh thức những tiềm năng Trời phú cho vùng quê nghèo này.

Ghi nhận của PV tại bãi biển Xuân Hải (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho thấy, chưa bao giờ bãi biển này đông khách như dịp lễ này. Lượng khách đổ về mỗi buổi chiều đông nghịt, con đường 10 làn từ trung tâm huyện Lộc Hà chạy về bãi biển Xuân Hải đều trong tình trạng tắc nghẽn. Huyện Lộc Hà phải huy động hàng trăm chiến sĩ công an đến để điều tiết giao thông đồng thời đảm bảo an ninh trật tự.

Anh Nguyễn Văn Thao (du khách đến từ Hải Dương) chia sẻ: Khi biết tin biển Hà Tĩnh đã an toàn, tôi quyết định đưa cả gia đình về đây nghỉ lễ. Đến đây thì tôi thấy quyết định của mình là rất đúng đắn vì biển Hà Tĩnh không những đẹp, sạch sẽ mà hải sản lại rất ngon, giá cả hợp lý, tôi rất hài lòng.

Còn tại bãi biển Xuân Thành (Nghi Xuân), Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Kỳ Ninh (thị xã Kỳ Anh) ngay sau Lễ hội du lịch biển được phát động đồng loạt từ ngày 22 đến 29/4, du khách tập trung về mỗi lúc một đông. Những tín hiệu vui này đã báo hiệu một mùa du lịch tấp nập của Hà Tĩnh, xua tan những lo lắng của những người làm du lịch và nhất là những người dân sống nhờ vào du lịch biển.

Trong khi đó, từ 30/4 đến sáng 2/5, khoảng 350.000 du khách đến khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng). Đồ Sơn hiện có khoảng 180 khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng kinh doanh, dịch vụ du lịch, trong đó có 40 sơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và gần 140 cơ sở kinh doanh lưu trú với trên 3.500 phòng. Tuy nhiên, với lượng du khách đông đột biến làm các bãi tắm ở Đồ Sơn quá tải. Cả biển người chật các bãi tắm ở Đồ Sơn.

Còn tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) ngay trong ngày đầu 29/4 đã đón gần 13.000 du khách với khoảng 560 chuyến tàu du lịch xuất bến (132 tàu lưu trú), tăng 50% so với ngày thường. Trong đó, du khách Việt Nam khoảng 6.000 khách và khách quốc tế khoảng 7.000 khách tham quan vịnh Hạ Long. Khoảng 10.000 du khách ra các tuyến đảo Cô Tô, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng... Do lượng du khách tăng đột biến dẫn đến các bãi tắm ở Hạ Long chật kín người. Tuyến đường chính ở Bãi Cháy nhiều lúc bị ùn tắc cục bộ do lượng ô tô cá nhân từ các tỉnh, thành phố đổ về nghỉ lễ.

Tại Móng Cái (Quảng Ninh), khoảng 50.000 lượt khách du lịch đến trong 4 ngày nghỉ lễ, tăng 15.3% so với cùng kỳ. Trong 4 ngày nghỉ lễ, Cảng Du lịch Quốc tế Tuần Châu cũng đã đón hơn 50.000 lượt du khách mua vé tham quan, du lịch và hơn 10.000 lượt khách vui chơi tại khu vui chơi giải trí Tuần Châu.

Biển người tại Bãi Cháy, Quảng Ninh.

Đến lúc thay đổi chiến lược?

Để đón đầu mùa du lịch 2017, ngành du lịch và DN du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh đã nắm bắt tốt cơ hội để tăng cường tuyên truyền giới thiệu các tuyến điểm, chương trình, sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường, đẩy mạnh kích cầu nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng doanh thu du lịch cũng như thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn, an ninh cho du khách.

Theo ông Lê Trần Sáng- Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh, ngay từ đầu mùa du lịch, Sở đã quán triệt các khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, các cơ sở kinh doanh tại khu du lịch biển Thiên Cầm, Xuân Thành, Lộc Hà, Thạch Hải, Kỳ Ninh cũng như các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá các hàng hóa, dịch vụ đã niêm yết. Tất cả các cơ sở kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, số lượng, trọng lượng, không tăng giá đột biến trong các ngày nghỉ lễ, các dịp cao điểm của mùa du lịch; tăng cường kiểm soát đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại các khách sạn, nhà nghỉ, khu, điểm du lịch.

Thống kê của Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh cho thấy, lượng khách du lịch, nhất là khách nội địa đến các điểm tham quan, nghỉ dưỡng, giải trí trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh tăng cao so với cùng kỳ năm 2016. Đặc biệt các Khu du lịch Sinh thái Hải Thượng và nước nóng Sơn Kim, Khu du lịch biển Thiên Cầm, Xuân Thành, các bãi biển tại Lộc Hà, Thạch Hà, Kỳ Anh và các khu di tích lịch sử - văn hóa đã mở cửa đón tiếp hàng ngàn lượt khách đến tham quan nghĩ dưỡng, tắm biển, dâng hương, thăm viếng và thưởng ngoạn.

Tổng lượt khách du lịch trong 4 ngày nghỉ lễ gần 350.000 lượt, tăng 173% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 75% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó khách quốc tế đạt 8.146 lượt người, tăng 118,8% so với cùng kỳ năm 2016 và đạt 70% so với cùng kỳ năm 2015.

Mặc dù đã có nhiều cách “hút” khách được Hà Tĩnh thực hiện tốt nhưng thực tế cho thấy, du khách đa phần là trong nước. Trong khi du lịch Hà Tĩnh có nhiều tiềm năng và cơ hội để kéo khách quốc tế về đây nhiều hơn. Việc các DN mạnh đã đầu tư nhiều hạng mục du lịch nghỉ dưỡng mang đẳng cấp quốc tế như: Khu Dự án tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Hà Tĩnh Ocean Villas hay khu thương mại cao cấp sắp hoàn thành ở trung tâm TP Hà Tĩnh (của Tập đoàn Vingroup); cơ sở hạ tầng du lịch ở KKT Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh), di sản văn hóa phi vật thể (Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù Cổ Đạm, Mộc bản trường học Phúc Giang)…

Trong buổi tọa đàm “Giải pháp phát triển du lịch Hà Tĩnh” ở Khu du lịch Quỳnh Viên (Thạch Hà) vừa qua, các đại biểu cũng đề nghị Hà Tĩnh cần xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Vì thế, đã đến lúc Hà Tĩnh cần phải xây dựng chiến lược để ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Vẫn còn hiện tượng “chặt chém” du khách

Du khách quá đông dẫn tới tình trạng quá tải dịch vụ, theo đó, giả cả ở một số nơi đã bị đẩy lên cao. Theo ghi nhận của PV, giá thuê phòng ở các nhà nghỉ, khách sạn ven biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu tăng vọt, cao hơn ngày thường gấp 3-4 lần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn không tìm được phòng ưng ý, chấp nhận ở các địa điểm xa ven biển.

Không chỉ giá thuê phòng, các chi phí ăn uống, hay thậm chí cả gửi xe cũng rất cao, được mọc tự phát và không có quy định cụ thể nào, tùy theo giao dịch của khách. Trong khi đó, nhiều người còn cho biết số lượng bãi tắm ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay đã bị giảm đi rất nhiều so với trước đây. “Nếu như vài năm trước, du khách về các huyện Long Hải, Xuyên Mộc… có rất nhiều không gian biển để tắm, du lịch thì ngày nay tất cả đều đã bị rào lấp, che kín để xây dựng các dự án. Nhiều nơi đi dọc ven biển cả hai ba chục cây số nhưng không tìm thấy bãi biển”- một du khách ở Đồng Nai cho biết.

Đoàn Xá

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch biển vào mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO