Du lịch ruộng bậc thang: Không chỉ là thu tiền từ di sản

Minh Quang 13/09/2015 08:20

Có một sự thực là khi mà khách du lịch đổ xô đi tham quan ruộng bậc thang thì vẻ đẹp hoang sơ của những danh thắng ngủ trong rừng cũng bắt đầu thay đổi. Điều ấy đang đặt ra trách nhiệm của chính quyền và người dân vùng di sản.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang Yên Bái. Ảnh: Hà Sơn.

Lúa chín ở vùng cao vào mùa cũng là lúc những Tuần văn hóa du lịch ở các địa phương vùng núi phía Bắc bắt đầu. Kể từ khi ruộng bậc thang ở Hà Giang, Yên Bái được công nhận là danh thắng quốc gia, cơ hội quảng bá hình ảnh cũng như thu hút khách du lịch tới tham quan ngày càng rộng mở. Nhưng có một sự thực là khi mà khách du lịch đổ xô đi tham quan ruộng bậc thang thì vẻ đẹp hoang sơ của những danh thắng ngủ trong rừng cũng bắt đầu thay đổi. Điều ấy đang đặt ra trách nhiệm của chính quyền và người dân vùng di sản.

Giá tour du lịch Hà Nội- Sa Pa, Hà Nội- Hoàng Su Phì, hoặc Hà Nội- Mù Cang Chải ngắm mùa vàng vùng cao hiện dao động trong khoảng từ 1,9 đến 2,5 triệu đồng (tùy điều kiện nghỉ ngơi và phương tiện đi lại). Giờ đây, xu hướng du lịch trải nghiệm mùa vàng Tây Bắc đang được ưa chuộng, nên không chờ cho đến những tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang được tổ chức, càng ngày những tour du lịch tham quan mùa vàng vùng cao càng hút khách.

Cách đây chừng 3 năm, khi du lịch trải nghiệm mùa lúa chín chưa thành trào lưu như bây giờ, Tổng cục Du lịch cùng hơn 20 doanh nghiệp và báo chí trong nước đã tiến hành khảo sát tour du lịch “Hành trình kết nối các danh thắng ruộng bậc thang” tại Mù Cang Chải, Sa Pa, Bát Xát (Việt Nam) và Nguyên Dương (Trung Quốc) nhằm đánh giá điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội và tiềm năng du lịch của các điểm đến nói trên đối với việc xây dựng sản phẩm du lịch chuyên đề ruộng bậc thang.

Khi ấy, ông Nguyễn Quý Phương - Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đã đưa ra nhận xét: Ruộng bậc thang của Trung Quốc không đẹp như của Việt Nam, nhưng họ khai thác rất tốt. Người dân được đào tạo, huấn luyện để làm du lịch cộng đồng chuyên nghiệp. Trong khi đó, cách khai thác du lịch ruộng bậc thang của Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế. Trong đó đáng kể nhất là người dân chưa hề được hưởng lợi từ nguồn di sản mà họ đang sở hữu.

Ở thời điểm này, đã gần 8 năm sau khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải và 3 năm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì được công nhận là di tích danh thắng cấp quốc gia, thì những trăn trở về trách nhiệm, quyền lợi của người dân vùng có di sản vẫn cần được nhìn nhận thấu đáo hơn.

Theo các chuyên gia văn hóa, việc phong di tích quốc gia đối với Mù Cang Chải hay Hoàng Su Phì có phần đáng lo hơn đáng mừng. Đơn cử từ thực tế từ việc phát triển du lịch kiểu “tận diệt” ở Sa Pa trong 20 năm qua đã phá nát hoàn toàn một trong những điểm đến đẹp nhất của vùng núi phía Bắc trên mọi góc độ: quy hoạch kiến trúc, văn hóa - phong tục truyền thống.

Sa Pa ngày nay đã biến thành một trung tâm du lịch lai căng với phong cách kiến trúc không giống đâu. Thậm chí người dân nơi đây, nhất là trẻ em cũng đã mất đi vẻ đẹp dung dị và hồn nhiên vốn có. Bởi tất cả người người, nhà nhà đổ xô đi làm du lịch theo kiểu mạnh ai nấy làm. Những nét văn hóa bản địa cũng đang dần đổi thay để một phần phục vụ cho du khách người Kinh, và một phần không nhỏ phục vụ khách du lịch đến từ châu Âu. Chính vì thế, mà cách làm du lịch như thời gian vừa qua mới chỉ được coi là tận thu chứ chưa phải là phát huy và bảo tồn di sản.

Nhiều người đồng tình rằng, chẳng thà lặng lẽ đẹp, lặng lẽ hoang sơ và bình ổn như những thửa ruộng bậc thang ở Lao Chải, Tả Van (Sa Pa) hay Mường Hum (Y Tý)… thì người dân còn yên tâm canh tác. Vì thế, nếu chính quyền địa phương mà kỳ vọng rằng sau khi phong danh, di sản ruộng bậc thang sẽ như con gà đẻ trứng vàng thì chẳng mấy chốc vùng cao sẽ được bê tông hóa, hiện đại hóa…; người nông dân Hoàng Su Phì, Mù Cang Chải sớm muộn cũng sẽ bỏ ruộng, bỏ nương để kiếm tiền từ dịch vụ du lịch như cách mà người dân ở thị trấn Sa Pa đang làm. Rất có thể một ngày không xa, ruộng bậc thang sẽ thu hẹp lại, chỉ tồn tại qua những bức ảnh mà thôi.

Trong tháng 9 này, nhiều hoạt động liên quan đến lễ hội ruộng bậc thang sẽ được tổ chức. Tối qua (12/9), tại Mù Cang Chải (Yên Bái) đã diễn ra Tuần lễ Văn hóa, du lịch Danh thắng Quốc gia ruộng bậc thang năm 2015 với chủ đề “Mùa vàng trên non”.

Tiếp đó, từ ngày 24 đến 27/9, Tuần văn hóa du lịch ruộng bậc thang Hoàng Su Phì cũng sẽ được tổ chức tại xã Hồ Thầu. Trong khuôn khổ những tuần lễ văn hóa này, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa- nghệ thuật mang đạm bản sắc văn hóa vùng miền sẽ được tổ chức, trình diễn.

Với các địa phương có danh thắng, những hoạt động quảng bá cho di sản, tìm kiếm cơ hội phát triển du lịch âu cũng là tất yếu. Nhưng liệu những tuần văn hóa tổ chức để quảng bá thương hiệu du lịch đã đủ để bảo tồn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống bản địa? Tác động từ du lịch sẽ làm thay đổi diện mạo của vùng di sản ra sao? Trách nhiệm của chính quyền cũng như người dân vùng di sản thế nào - đó là những câu hỏi lớn. Bởi khai thác giá trị của di sản, không đơn thuần là việc thu tiền từ du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch ruộng bậc thang: Không chỉ là thu tiền từ di sản

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO