Du lịch tái khởi động

Quang Ngọc 04/05/2020 08:00

Trong đại dịch Covid-19, du lịch là một trong những ngành thiệt hại nhiều nhất. Những ngành liên quan cũng “vạ lây”. Tuy nhiên, khi giãn cách xã hội được nới lỏng, các hoạt động kinh tế - xã hội dần khôi phục thì chính du lịch lại được kỳ vọng là ngành bật lên mạnh mẽ nhất. Đợt nghỉ lễ kéo dài 4 ngày qua đã phần nào cho thấy điều đó.

Du lịch tái khởi động

Bãi biển Sầm Sơn (Thanh Hóa) khá đông du khách trong ngày 30/4/2020.

Tuy nhiên, phục hồi du lịch trong khi đại dịch vẫn hoành hành trên thế giới; các biện pháp “chặn dịch từ bên ngoài” vẫn tiếp tục phải áp dụng thì việc kích cầu du lịch nội địa phải là mục tiêu quan trọng nhất.

Nói như ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng Giám đốc Vietravel thì có 3 xu hướng du lịch thay đổi mà doanh nghiệp (DN) này đang chuyển động để thích ứng, đó là du lịch ở quãng gần dưới 300km, du lịch theo nhóm nhỏ giữa các thành viên trong gia đình và du lịch cá nhân. Tất cả đều nhắm đến du khách người Việt và một phần người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Việt Nam.

Còn theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch thì thời điểm này việc triển khai các hoạt động du lịch nội địa là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, để khôi phục thị trường, cần có thêm thời gian và biện pháp đồng bộ như chính sách hỗ trợ của Chính phủ, sự chung tay của các đơn vị, DN, trong đó nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo đảm an toàn cho du khách.

“Du khách đã trở nên nhạy cảm hơn”

Trong 4 ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, tại các điểm du lịch quen thuộc ở các địa phương trong cả nước, có thể thấy phần lớn là các nhóm khách trong nước và các chùm tour ngắn ngày. Điều đó được đại điện các công ty du lịch lữ hành như Saigontourist, Fiditour... xác nhận; đồng thời cho biết đã xuất hiện những dấu hiệu phục hồi tích cực.

Đại diện Fiditour cho biết, trong các tháng 5, 6, 7 sẽ nhắm tới đối tượng là nhóm khách gia đình, thời gian ngắn, tối đa 4 ngày và ưu tiên cho các điểm đến gần, di chuyển thuận tiện bằng ôtô. Nếu là đường hàng không thì tập trung vào các chặng bay ngắn. Còn ông Bùi Tá Hoàng Vũ- Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết trước mắt, ngành du lịch TP sẽ khai thác khách nội địa, khai thác theo quy mô và số khách vừa phải và tất nhiên phải bảo đảm yếu tố an toàn trong phòng, chống dịch bệnh vì rằng “du khách đã trở nên nhạy cảm với chi phí thấp hơn do hệ lụy của khủng hoảng dịch Covid-19”. Còn đại diện Công ty Outbox Consulting đưa ra nhận xét (và cũng là xác định hướng kinh doanh sắp tới) là những ngày qua cho thấy du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, có các sản phẩm trọn gói với giá ưu đãi “để vừa giải tỏa tâm lý sau dịch nhưng vẫn bảo đảm việc tiết kiệm chi phí”.

Tuy lạc quan nhưng một số DN du lịch vẫn cho rằng, việc hoạt động trở lại với mức độ “ồ ạt” là khó diễn ra, vì dịch bệnh vẫn còn đó, tác động rất lớn đến du khách. Đáng chú ý, việc học sinh các cấp phải học bù cho thời gian nhà trường đóng cửa sẽ khiến cho du lịch hè bị rút ngắn, có khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng.

Nhắc lại việc hỗ trợ để hồi phục, ông Trần Thế Dũng, Phó Chủ nhiệm Nhóm khuyến mãi kích cầu Hiệp hội Du lịch TP HCM, cho rằng dù có tín hiệu tốt nhưng muốn phục hồi hoạt động du lịch sau dịch thì nhất thiết vẫn phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Các chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT, thuế thu nhập DN cùng tận dụng giá vé máy bay kích cầu… thì giá tour mới có thể giảm sâu, kích cầu khách nội địa và cạnh tranh với các nước khác trong khu vực khi phong tỏa được gỡ bỏ, nhất là với các nước châu Á.

Du lịch tái khởi động - 1

Khởi động trở lại, du lịch Việt Nam có tín hiệu khởi sắc. Ảnh: Quang Vinh.

Bắt tay để “phá băng”

Trong nỗ lực phục hồi, du lịch và hàng không đã có cái bắt tay đáng ghi nhận. Vinpearl đã tung ra gói du lịch trọn gói 3 ngày 2 đêm ở Đà Nẵng, Nha Trang hoặc Phú Quốc, đã bao gồm vé máy bay khứ hồi giảm giá tới 50%... Trong khi đó, FLC Hotels & Resorts có gói “Happy Sunshine” trong đó có nghỉ đêm, miễn phí thêm một bữa trưa hoặc bữa tối, miễn phí nhận phòng sớm hoặc trả phòng muộn cùng hàng loạt dịch vụ khác tại Sầm Sơn và Quy Nhơn cho đến hết năm nay.

Đáng chú ý, sự “bắt tay” của Vietnam Airlines với Vinpearl mới đây chính là đề xuất tặng các “chiến binh áo trắng” 5.000 kỳ nghỉ trọn gói gồm 1 cặp vé máy bay khứ hồi hành trình nội địa và kỳ nghỉ 3 ngày 2 đêm tại hệ thống nghỉ dưỡng 5 sao dành cho tối đa 4 thành viên trong gia đình ngay sau khi công bố hết dịch trên toàn quốc. Đây được cho là chiến lược để “máy bay không nằm đất” và “khách sạn đông người”. Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, đây là “cách làm thông minh” ở bước chuyển mình trong khó khăn.

Còn nói như ông Ngô Minh Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam thì hiện nay cần phát huy những “bắt tay” giữa DN du lịch với hàng không để kích cầu thị trường nội địa trong bối cảnh thị trường quốc tế đang “đóng băng”.

Chiến lược kích cầu

Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại hoạt động du lịch nội địa, lưu ý đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19 và không tập trung đông người, ngày 29/4, Tổng cục Du lịch đã ra quyết định ban hành Hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 bảo đảm an toàn tại các DN lữ hành, khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch và kinh doanh dịch vụ du lịch. Đến ngày 1/5, Tổng cục Du lịch lại đã quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại hướng dẫn trên nhằm giúp các DN có được chỉ dẫn phòng chống dịch tốt, sẵn sàng mở cửa hoạt động du lịch trở lại.

Được biết, ngày 6/5, Hiệp hội Du lịch Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với tất cả các hiệp hội trên cả nước. Hội nghị sẽ bàn việc phối hợp tất cả các địa phương lại để triển khai chương trình kích cầu du lịch toàn quốc chứ không kích cầu từng điểm một; bàn về kế hoạch phối hợp giữa các loại hình du lịch với nhau… Hiệp hội cũng đã có thỏa thuận với các hãng hàng không Việt Nam để đến trung tuần tháng 5 sẽ có các chương trình kích cầu du lịch bằng giảm giá vé máy bay. Nói như ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam thì “Chúng tôi đang làm việc khẩn trương, không có ngày nghỉ để hỗ trợ DN du lịch”.

Những ý tưởng nêu trên được cho là nhiều tham vọng. Đáng nói là tại thời điểm này nhiều địa phương đã năng động “đi tắt đón đầu”. Ví dụ như tại Hội An (Quảng Nam), khách đến tham quan tại các bảo tàng, khu vực chùa Cầu, chùa Ông, Cù Lao Chàm… trong dịp lễ 30/4 và 1/5 được miễn phí vé tham quan. TP Đà Nẵng cho phép một số hoạt động được mở cửa từ ngày 30/4, trong đó khu du lịch Bà Nà Hills giảm 60% phí sử dụng cáp treo. Còn tại TP Huế, Đại Nội và các điểm tham quan thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở cửa đón khách miễn phí từ ngày 30/4 đến hết ngày 7/5. Công ty Du lịch Vietravel giới thiệu gói tour khám phá các điểm di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến ở miền Trung và sản phẩm “Vượt bão Covid-19” với mức giá giảm tới 40%...

Tất cả những động thái đó cho thấy nỗ lực rất lớn tái khởi động của du lịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch tái khởi động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO