Du lịch thời số hóa

Minh Quân 28/10/2022 05:50

Chuyển đổi số là một yêu cầu cấp thiết và là xu hướng tất yếu đối với ngành du lịch trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở đó, sự thay đổi của thị trường với chủ thể trọng tâm là khách du lịch đã buộc các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý cần có giải pháp thích ứng nhanh chóng và tận dụng những thành tựu công nghệ số để chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động...

Du khách sử dụng hệ thống thuyết minh tự động tham quan Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội).

Hiệu ứng hậu Covid-19

Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã gây ra những thiệt hại to lớn và tạo ra sự giãn cách xã hội trên toàn cầu. Covid-19 cũng đã đặt ra vấn đề ngành du lịch cần có phương án, giải pháp ứng phó linh hoạt với những sự cố, khủng hoảng tương tự trong tương lai. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì hoạt động. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng kết nối liên lạc trực tuyến, các công cụ tìm kiếm trên mạng internet. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý cũng đã tìm cách cơ cấu lại hoạt động, chuyển hướng mạnh sang các nền tảng giao dịch trực tuyến, áp dụng các mô hình vận hành gọn nhẹ, hiệu quả, vừa để duy trì hoạt động kết nối, vừa thích ứng linh hoạt để tìm cách phục hồi.

Thời gian qua, có thể kể đến các hoat động chuyển đổi số như Tổng cục Du lịch phối hợp với các bên liên quan xây dựng và triển khai ứng dụng hướng dẫn du lịch ảo tại điểm đến, xây dựng bản đồ số du lịch tại Hà Giang, Thanh Hóa. Tổ chức tập huấn hướng dẫn một số địa phương như Quảng Nam, Bình Định về ứng dụng công nghệ để thí điểm đón khách du lịch quốc tế từ tháng 11/2021. Đồng thời, Tổng cục Du lịch phát triển các ứng dụng, tiện ích công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp và khách du lịch như ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel”; ứng dụng “Quản trị và kinh doanh du lịch”; Thẻ du lịch thông minh trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia; Trang vàng du lịch Việt Nam…

Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp (DN) trong việc chuyển đổi số, phát triển du lịch thông minh cũng đã ghi nhận những chuyển biến tích cực. Cụ thể, Hà Nội đã phát triển các ứng dụng du lịch thông minh như Visit Hanoi, MyHanoi với các tính năng như là trợ lý du lịch ảo hỗ trợ du khách. Các điểm đến như bảo tàng, làng nghề, di tích như Văn Miếu, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam… đã phát triển hệ thống thuyết minh tự động và nhiều công nghệ hiện đại khác phục vụ du khách đến tham quan. Đà Nẵng đưa vào sử dụng ứng dụng chatbot “Da Nang Fantasticity”. Đây là công nghệ được sử dụng đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á (cùng với Singapore). Dịch vụ tham quan bằng xe bus 2 tầng City Tour Hop On-Hop Off ở TP Hồ Chí Minh được áp dụng công nghệ mới kết hợp dữ liệu số về giao thông và du lịch, cùng dữ liệu sở thích của du khách để thiết kế các tour tuyến phù hợp, bán vé và thanh toán online, tích hợp Wi-Fi (miễn phí) và thuyết minh tự động bằng nhiều ngôn ngữ.

Du khách trải nghiệm ứng dụng du lịch thông minh tại Trung tâm Thông tin du lịch làng nghề Bát Tràng.

Phát triển bền vững

Nhìn nhận về chuyển đổi số của ngành du lịch trong thời gian qua, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy bày tỏ, với vai trò là cơ quan quản lý du lịch quốc gia, Tổng cục Du lịch đã tập trung vào các giải pháp mang tính chất nền tảng để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam, đặt ra mục tiêu hỗ trợ các bên liên quan như địa phương, điểm đến, DN du lịch, khách du lịch tham gia vào hệ sinh thái du lịch thông minh, khai thác các giá trị tăng thêm từ môi trường kinh tế số. Hiện nay Tổng cục Du lịch đã hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành du lịch Việt Nam, bao gồm các dữ liệu thành phần như DN lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng, hướng dẫn viên, khu điểm du lịch… Trong thời gian tới, các địa phương, khu/điểm du lịch cần đẩy mạnh số hóa các điểm đến và tích hợp vào cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam theo hướng dẫn của Tổng cục Du lịch. Qua đó sẽ giúp hình thành nguồn dữ liệu lớn rất quan trọng để phục vụ công tác quản lý cũng như xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở tầm quốc gia cũng như địa phương.

Có thể nói, sau một thời gian bị “bỏ quên” với cách vận hành xưa cũ, việc chuyển đổi số đang tạo ra “bộ mặt” mới cho toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực còn đó nhiều thách thức cho các đơn vị. Trong các lĩnh vực kinh doanh du lịch chính như lữ hành, lưu trú, vận tải du lịch, ăn uống, giải trí, mua sắm,… thì khả năng tiếp cận công nghệ, phát triển du lịch chủ yếu ở một số phân nhánh như lữ hành quốc tế, vận tải hàng không, cơ sở lưu trú cao cấp. Nguyên nhân chính do DN du lịch Việt Nam chủ yếu là DN nhỏ và vừa, vốn ít, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao; DN kinh doanh lữ hành nội địa, DN kinh doanh lưu trú (nhà nghỉ, khách sạn 1 - 2 sao) chiếm số lượng lớn, đối tượng khách phục vụ chủ yếu là khách nội địa, nhu cầu khách sử dụng các dịch vụ thông minh, trực tuyến không lớn nên khả năng tiếp cận du lịch thông minh của các DN này còn thấp.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những điểm đến đầu tiên ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn liền với phát triển du lịch thông minh. Tuy nhiên, TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết, đến nay, di tích chưa có hệ thống sản phẩm, dịch vụ thông tin, tuyên truyền, thuyết minh phục vụ khách tham quan trong và ngoài nước đồng bộ và hiện đại để thu hút thế hệ trẻ đến học tập và nghiên cứu. “Để triển khai hoạt động này thực sự hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đòi hỏi nỗ lực cố gắng của Trung tâm và sự quan tâm, ủng hộ của các cấp có thẩm quyền, đặc biệt là về cơ chế, chính sách để có thể huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho chuyển đổi số tại một di tích tiêu biểu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám” - ông Kiêu bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch thời số hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO