Du lịch xanh được hỗ trợ lãi suất

T.Hằng 13/07/2015 10:30

Tăng trưởng tín dụng cao đang là một điểm sáng của nền kinh tế. Phía Ngân hàng nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định biết ngành Ngân hàng ưu tiên tín dụng để phát triển du lịch xanh, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phó Thống đốc NHNN ông Đào Minh Tú nói, ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên tín dụng để phát triển du lịch xanh, nhất là tại vùng ĐBSCL. NHNN sẽ có chương trình lựa chọn một số dự án du lịch xanh để đầu tư vốn ưu đãi trong dài hạn.

Tại cuộc Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch xanh ĐBSCL vừa diễn ra vào ngày cuối cùng tháng 6 tại TP Cần Thơ, một cam kết vơi sự tham gia của nhiều đại gia ngân hàng: Ngân hàng TMCP Công thương, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân cũng được đưa ra: ký kết hợp đồng nguyên tắc về phát triển du lịch xanh cho 3 dự án tại Kiên Giang, Cần Thơ với tổng vốn cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực du lịch sinh thái, đầu tư xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh,…

Du lịch xanh là loại hình du lịch dựa vào tự nhiên và văn hóa, hướng đến bảo tồn tự nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng. ĐBSCL là vùng có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch xanh với những sản phẩm du lịch rất đa dạng như du lịch miệt vườn, văn hóa lịch sử, sinh thái sông biển... với những điểm đến nổi tiếng như: rừng dừa Bến Tre, Tràm chim Tam Nông, làng nghề hoa kiểng Sa Đéc (Đồng Tháp), Chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), nhiều vườn trái cây trải dọc các dòng kênh, biển Hà Tiên và đảo Phú Quốc (Kiên Giang), phong cảnh Thất Sơn Bảy Núi (An Giang), rừng đước Năm Căn, đất mũi Cà Mau…

Ngành công nghiệp không khói trong thời gian gần đây được nhiều tỉnh thành chú trọng. Thành viên Hiệp hội du lịch khẳng định với Đại Đoàn Kết: phát triển du lịch cần quan tâm đến chất lượng hơn là số lượng. Việt Nam có Vịnh Hạ Long, do phát triển nóng nên vướng mắc với những vấn đề về môi trường. Các tỉnh ở miền Trung, khu vực ĐBSCL khi phát triển du lịch, mời gọi doanh nghiệp làm du lịch cần lưu ý những điểm này.

Ngoài ra theo lời cam kết của NHNN, cơ quan này sẽ phối hợp với TCTD và các đơn vị liên quan xem xét khả năng lựa chọn một số dự án phát triển du lịch xanh để xây dựng danh mục các dự án trong chương trình thí điểm tín dụng xanh có hỗ trợ một phần lãi suất.

Thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 của Chính phủ, ngày 24/3/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN (Chỉ thị 03) về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, mục tiêu đặt ra ngay từ năm 2015 là hoạt động cấp tín dụng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; đồng thời, cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững.

Theo Chỉ thị 03, ngành ngân hàng cần rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh; tập trung nguồn lực để ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành kinh tế thực hiện việc bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường, sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực đầu tư vốn nhằm phát triển du lịch xanh trong tổng thể chương trình phát triển các sản phẩm du lịch tại ĐBSCL thông qua các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông hiện đại (như dự án sân bay, cầu Cần thơ, cầu Mỹ Thuận,…); dự án hệ thống thu gom, xử lý rác thải trên sông; quy hoạch lại hệ thống miệt vườn; hỗ trợ nạo vét kênh rạch; hệ thống chống xói lở các cù lao,…

Báo cáo mới nhất từ NHNN cũng cho biết đối với lĩnh vực du lịch, đến ngày 31/3/2015, dư nợ tín dụng ngành du lịch của khu vực ĐBSCL đạt 2.226 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,5% tổng dư nợ tín dụng ngành du lịch toàn quốc. Trong đó, dư nợ đối với dịch vụ lưu trú (khách sạn, khu nghỉ dưỡng…) chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 74%, dư nợ đối với dịch vụ ăn uống chiếm gần 22%. Có thể nói, nguồn vốn ngân hàng đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội và du lịch vùng ĐBSCL.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng dành cho du lịch xanh vùng ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Việc xây dựng và thẩm định các dự án xanh theo các tiêu chí bảo vệ môi trường của các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn do lĩnh vực này còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Ngoài ra, các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án xanh thường có lợi ích trong dài hạn và cần một lượng vốn lớn để đầu tư do các dự án vừa nhằm mục tiêu lợi nhuận, vừa phải đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường. Vì vậy, để các dự án xanh nói chung cũng như các dự án du lịch xanh nói riêng thực sự hiệu quả thì cần phải có sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương và cộng đồng. Bên cạnh đó, nhu cầu vốn trung dài hạn lớn và thường xuyên cũng là một áp lực đặt ra cho tín dụng ngân hàng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch xanh được hỗ trợ lãi suất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO