Khi Việt Nam là điểm đến

Thanh Hoàng - Thành Đức 31/12/2018 09:00

Thống kê của Tổng cục Du lịch, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 11/2018 ước đạt 1.301.909 lượt, tăng 8,0% so với tháng trước và tăng 11,0% so với cùng kỳ năm 2017. Tính chung 11 tháng năm 2018 ước đạt 14.123.556 lượt khách, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, nếu năm 2017 được coi là năm thành công nhất kể từ trước đó, với “những cảm xúc đặc biệt”; thì năm 2018 sự thành công còn lớn hơn. Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến trong bản đồ du lịch thế giới.

Khi Việt Nam là điểm đến

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam đứng thứ 6 trong 10 nước tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới nhất trong năm 2017 và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Năm 2018, chưa có “xếp hạng” cụ thể, nhưng chắc chắn du lịch Việt Nam vẫn có vị trí xứng đáng. Bởi lẽ, những tiềm năng tuyệt vời của đất nước đã được đánh thức.

1. Nhiều người cho rằng, trong quá trình hội nhập, thì nông nghiệp và du lịch Việt Nam được coi là đứng ở vị trí tiên phong. Đó không phải là những điều tự nghĩ ra để ru ngủ nhau, mà nó là những con số, là số tiền thu được.

Năm 2018 tiếp tục là năm thăng tiến của du lịch nước nhà. Nếu như, số khách nội địa không tăng nhiều thì bù vào đó là sự gia tăng của du khách quốc tế. Điều đó đã tạo ra một năm bận rộn cho ngành du lịch. Bận rộn và vui.

Ngay từ bây giờ đã có thể khẳng định chắc chắn rằng, chúng ta lại sẽ đón lượng khách tăng đột biến trong dịp Tết, cả tết Tây lẫn tết Ta. Với số ngày nghỉ kéo dài, 4 ngày đối với dịp Tết dương lịch và 9 ngày vào dịp Tết âm lịch, hai kỳ nghỉ Tết thực sự trở thành cơ hội tốt cho ngành du lịch. Theo các công ty lữ hành trên địa bàn Hà Nội, lượng khách du lịch dịp Tết sẽ tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước, vì đến ngày 20/12/2018 lượng khách đặt tour đã rất đông.

Để chủ động đón khách, ngay từ tháng 9, các công ty lữ hành của Hà Nội đã lên kế hoạch để khách đăng ký sớm đối với tour Tết dương lịch và Tết âm lịch. Theo lãnh đạo Công ty Du lịch Vietravel, Hà Nội, cho đến tháng 10, lượng khách đặt chỗ đã tới 90% cho Tết dương. Con số với Tết âm là 75%.

Để phục vụ du khách một cách tốt nhất, nhiều sản phẩm du lịch cũng được làm mới hoặc nâng cấp. Thông tin từ Công ty du lịch Hanoi Redtours, đơn vị này có tới 50 chùm sản phẩm du lịch mới, với mục đích tạo một cuộc đột phá trên thị trường, để chuẩn bị cho những bước tiến dài của năm 2019.

Còn với Vietrantour, Tết âm sẽ có 3 nhóm tour trải nghiệm, khởi hành vào mùng 1, 2, 3 Tết, gồm: tour hành hương đầu năm, tour khám phá miền đất lạ và tour trải nghiệm dịch vụ đẳng cấp 4 sao...

Dẫn ra một số điểm như trên để thấy rằng “không khí làm ăn” của ngành Du lịch là rất sôi nổi. Không khí ấy không chỉ phổ biến trong năm 2018 mà còn tạo ra khí thế cho năm du lịch 2019.

2. Tại Hội thảo Chiến lược ASEAN về tăng cường sự tham gia của cộng đồng và khối tư nhân trong phát triển du lịch, ngày 12/12/2018, tại Hà Nội, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đều thống nhất cho rằng: đây chính là thời điểm vàng để du lịch Việt Nam cất cánh khi mà đà tăng trưởng trong vòng 10 năm qua là rất rõ ràng.

Vì sao lại là khối tư nhân? Thực tế cho thấy, trong sự đóng góp và “cùng chia nhau lợi nhuận” thì khối tư nhân có vai trò quan trọng trong tổng thể ngành Du lịch. Nếu nói là xã hội hóa đầu tư phát triển thì ở đây, điều đó thật sự nổi bật.

Trở lại với Chiến lược du lịch ASEAN đến 2025, mục tiêu của chiến lược là tạo giá trị và đảm bảo tính toàn diện. Trong đó, cộng đồng và khối tư nhân được tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh; Phát triển sản phẩm liên kết, hợp tác du lịch cộng đồng có sự hỗ trợ của doanh nghiệp du lịch và khối tư nhân; Phát triển mô hình kinh tế chia sẻ trong cộng đồng và khối tư nhân.

Ở đây, một vấn đề nổi lên là du lịch cộng đồng, được coi là đặc tính “vừa mới vừa cũ”, vì nó đã “âm thầm” hoạt động mang tính đơn lẻ tại một số nơi, nhưng nếu được xác định như một mũi nhọn tăng trưởng du lịch gắn với cuộc sống người dân bản địa thì chưa.

Người ta nhận ra rằng, du lịch cộng đồng chính là sinh kế mới cho đồng bào, nhất là đồng bào vùng dân tộc thiểu số.

Với nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, nơi sở hữu núi non hùng vĩ và những dòng suối, những cánh rừng; nơi có nghệ thuật ẩm thực đặc sắc và nhiều nét tinh túy của văn hóa của các sắc tộc còn lưu giữ cho tới ngày nay. Đó chính là nguồn tài nguyên du lịch quý giá, đã đến lúc phải thúc đẩy để nó tỏa sáng.

Trên thực tế, với Việt Nam (đặc biệt là vùng núi cao phía Bắc) thì du lịch cộng đồng đã hình thành từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt đầu từ vùng người Thái ở Bản Lác (huyện Mai Châu, Hòa Bình). Tới nay, các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên… đều đã có du lịch cộng đồng. Vẻ đẹp của quê hương xứ sở được giới thiệu rộng rãi, và cuộc sống của người dân địa phương cũng khá lên.

Có thể nêu ví dụ với tỉnh Lào Cai. Tới nay, toàn tỉnh đã có tới trên 300 điểm lưu trú tại gia, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát. Người dân không chỉ được chính quyền đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất mà còn thường xuyên được tham gia tập huấn nâng cao kỹ năng làm du lịch cộng đồng. Qua hoạt động du lịch cộng đồng, tại Sa Pa, tốc độ xóa đói, giảm nghèo nhanh gấp 3 lần so với các thôn, bản không làm du lịch. Nguồn thu của các hộ làm dịch vụ du lịch cũng cao gấp 5 lần so với trước khi “cho khách ngủ ở nhà mình”. Ước tính ở Lào Cai, các điểm du lịch cộng đồng đã giải quyết việc làm cho hơn 2.600 lao động.

Nói như TS Trần Hữu Sơn (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam), thì các di sản văn hóa đã và đang trở thành nguồn lực để phát triển du lịch. Nếu như trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số dệt vải, làm đồ thủ công, tăng gia sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình thì kể từ khi di sản văn hóa truyền thống được phát triển theo lối thương mại vừa giữ gìn được vốn cổ, vừa sinh lợi cho con người đang sống trong thời buổi ngày nay.

Trong du lịch cộng đồng, loại hình lưu trú homestay đang ngày một hấp dẫn hơn. Có thể kể ra hàng loạt điểm đến hấp dẫn, như du lịch cộng đồng xóm Pom Coọng (thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu, Hòa Bình); Cụm homestay Tả Van Giáy 1 (Làng Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai), Cụm homestay xã Mai Hịch (Xóm Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình); Dao homestay (thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, Hà Giang)...

3. Việt Nam có nhiều loại hình du lịch, như du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm, du lịch đồng bằng, du lịch mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng... Nhưng có lẽ du lịch biển là thế mạnh nhất.

Với trên 3.260km đường bờ biển, hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế biển (gấp 3 lần diện tích đất liền) cùng với gần 3.000 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có hệ thống tài nguyên biển phong phú để có thể phát triển mạnh ngành du lịch gắn với biển.

Theo thời gian, nhiều điểm du lịch biển nổi tiếng đã hình thành và trở nên thịnh vượng. Từ Bắc vào Nam có thể kể đến du lịch Móng Cái, Đồ Sơn, Hạ Long, Sầm Sơn, Cửa Lò, Thiên Cầm, Đá Nhảy, Cửa Việt, Thuận An, Đà Nẵng, Lý Sơn, Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Ghềnh Đá Đĩa, Nha Trang, Cà Ná, Ninh Chữ, Phú Quý, Bà Rịa -Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo... Đó là những địa danh du lịch biển đã phát triển mạnh trong những năm qua.

Nếu phải dẫn chứng để chứng minh cho sự phát triển mạnh mẽ của du lịch biển Việt Nam, thì có thể kể đến Côn Đảo- nơi từng được coi là địa ngục trần gian. Hôm nay, đến Côn Đảo, người ta không thể tưởng tượng được sự hồi sinh của hòn đảo cô đơn, hòn đảo ngục tù này. Côn Đảo vốn là nơi thực dân Pháp dùng để đày ải, tra tấn, giam cầm người Việt Nam yêu nước. Nó chỉ thực sự là hòn đảo thanh bình kể từ sau ngày 30/4/1975, khi đất nước sạch bóng thù, giang sớn thu về một mối.

Khi Côn Đảo trở về với Đất Mẹ, ở đây có 20.000 ngôi mộ nhưng không tới 3.000 người dân. Người chết nhiều gấp 7 lần người sống. Tới nay, những tòa nhà của Chúa ngục đã biến thành nơi nghỉ dưỡng sang trọng. Nghĩa trang Hàng Dương cùng những chuồng bò, chuồng cọp... trở thành điểm tham quan chiêm nghiệm, hồi tưởng lại những tháng năm dằng dặc nơi địa ngục trần gian.

Tới Côn Đảo, được nghe kể về người nữ anh hùng Võ Thị Sáu. Chị ung dung ra pháp trường khi tuổi đời chưa tròn 18. Hoa Lê-ki-ma giờ không chỉ nở trên quê hương Đất Đỏ của người liệt nữ, mà nở cả trên ngôi mộ đơn sơ mà linh thiêng của chị ở Nghĩa trang Hàng Dương. Tới đây, người ta được nghe kể về tiếng hát của những nàng tiên cá trong những đêm trăng sáng và mặt biển lặng im phăng phắc. Buồi chiều, đứng ở Lò Vôi, khi nước rút, nổi lên những cánh đồng san hô vô cùng sinh động và khác lạ.

Có lẽ vì thế mà thế giới gọi Côn Đảo là “Hòn đảo bí ẩn nhất hành tinh”.

Giữa tháng 11/2011, Côn Đảo là điểm dừng chân của cặp đôi tài tử lừng danh Hollywood: Angelina-Brad Pid. Không phải ngẫu nhiên họ chọn Côn Đảo của Việt Nam làm nơi khám phá. Vùng đảo cách đất liền 200km nếu không có gì thú vị thì chắc chắn không thể níu chân họ.

Tới nay, Việt Nam đã hình thành 3 trung tâm du lịch biển có sức hút với khách quốc tế, gồm vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa) với nhiều cơ sở lưu trú hiện đại 4 - 5 sao. Theo thống kê, trung bình 75% khách quốc tế chọn du lịch biển đảo và 28 tỉnh, thành phố có địa lý giáp biển, đóng góp tới 71,5% tổng doanh thu du lịch lữ hành của cả nước.

Như vậy có thể nói, khép lại năm 2018 khi Việt Nam thực sự là điểm đến của thế giới, thì năm 2019 lại mở ra đầy hy vọng. Hy vọng thế giới đến với Việt Nam và Việt Nam vươn ra thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khi Việt Nam là điểm đến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO