Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nên bắt đầu định hướng nghề từ lớp 8

Ngọc Mai 03/05/2017 10:10

Dự thảo Chương trình phổ thông tổng thể đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến rộng rãi từ dư luận. Đặc biệt là ý kiến từ những thầy cô giáo – những chủ thể quyết định thành công của đổi mới lần này.

Thầy giáo Phan Anh.

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Phan Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Vinschool cho rằng, quan điểm của ông về định hướng nghề nghiệp từ lớp 10 như tinh thần dự thảo thì hơi muộn.Theo nhà giáo Phan Anh – từng du học ở nước ngoài, được tiếp cận với nhiều nền giáo dục trên thế giới, ông ủng hộ những đổi mới của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và đánh giá dự thảo đã có những điểm đổi mới tích cực.

Trước hết, Chương trình mới giúp cho các cơ sở giáo dục linh hoạt, chủ động hơn trong việc tổ chức thực hiện. Đây là điều rất quan trọng bởi trong cơ chế hiện nay, dù đã linh hoạt nhưng vẫn còn nhiều bó buộc trong quá trình thực hiện. Thứ hai, trong lộ trình, chương trình có đề cập đến việc giao cho các cơ sở giáo dục đến bậc trung học phổ thông có thể tự tổ chức, xem xét cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh. Đây là một bước tiến bộ trong việc xét hoàn thành chương trình ở THPT. Bởi các cơ sở giáo dục có một đặc thù khác nhau, sẽ phát triển thế mạnh của mình. Một ưu điểm nữa là tính chất liên môn trong trương trình này, đặc biệt ở bậc học dưới thể hiện rõ nét hơn, còn ở bậc THPT tính tự chọn cao hơn.

“Theo tôi, vấn đề định hướng nghề của dự thảo chưa rõ, quan điểm cá nhân tôi thấy, nếu định hướng nghề từ lớp 10 là hơi muộn. Trong điều kiện xã hội phát triển như hiện nay, sự quan tâm của các học sinh đến các lĩnh vực nghề nghiệp xã hội cũng sớm hơn rất nhiều. Bởi vậy, ngay từ lớp 8 chúng ta cần định hướng cho các em” – ông Phan Anh nêu quan điểm.

Theo ông Phan Anh, hiện nay đã có một môn định hướng nghề trong các nhà trường, đó chính là môn học nghề nhưng nó chưa phát huy được vai trò của mình và không thể gọi đó là định hướng nghề được. Bởi việc thực hiện định hướng nghề như thế đã lỗi thời và chỉ đang giải quyết điểm điều kiện để các em thi vào lớp 10. Bởi vậy, ông Phan Anh cho rằng, định hướng nghề nên nằm trong chính các bộ môn, trong cách thức tổ chức chương trình. Giáo viên sẽ là người ý thức được điều đó. Mỗi vấn đề về mặt kiến thức, tổ chức hoạt động học tập nên xen kèm hoạt động về định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Đôi khi chỉ là những hoạt động tìm hiểu, phục vụ cho nội dung bài nhưng đã hướng các em đến việc tìm hiểu nghề nghiệp tương lai.

Ví dụ, khi học về toán học với những dãy số, tỉ lệ, các em có thể liên hệ đến nghề nhiếp ảnh với những bức ảnh theo một tỉ lệ nhất định… Hay khi học về lịch sử, các em học về thời kỳ bao cấp. Học sinh của mình có thể học từ thực tế khi tiếp cận với những quán ăn theo phong cách bao cấp. Các em không chỉ học kiến thức mà trong đầu đôi khi hình thành những ý tưởng định hướng cho nghề nghiệp sau này của mình.

Định hướng nghề nghiệp ở đây mang tính chất khơi gợi cho các em tư duy về nghề nghiệp tương lai. Định hướng đó không phải là một môn học mà là nội dung lồng ghép trong các môn học khác.

Với quan điểm như vậy, ông Phan Anh cho biết rất băn khoăn về môn trải nghiệm sáng tạo. Thực ra đây là một ý tưởng rất tốt để kích thích, phát triển kỹ năng tự giải quyết vấn đề và sáng tạo của học sinh. Tuy nhiên việc đưa trải nghiệm sáng tạo thành một môn học độc lập khiến ông chưa hình dung ra để dạy môn học này, giáo viên phải có những kiến thức kỹ năng gì và giảng dạy ra sao. “Bản thân tôi kỳ vọng trải nghiệm sáng tạo là một phương pháp thấm vào từng bộ môn. Các thầy cô giáo, ngay khi dạy môn học của mình phải để cho học sinh trải nghiệm, sáng tạo. Không thể có chuyện, giáo viên bộ môn chỉ dạy kiến thức cơ bản để học sinh mang kiến thức đó sang môn trải nghiệm sáng tạo để sáng tạo” – ông Phan Anh băn khoăn.

Ông cho biết cái khó ở đây chính là mặt bằng giáo viên. Để từng bộ môn có giáo viên đủ khả năng giảng dạy kiến thức cơ bản kèm trải nghiệm sáng tạo là vấn đề không hề đơn giản nhưng chúng ta đang xây dựng chương trình tổng thể, nếu đã đưa vào nội dung chương trình như vậy thì phải tập trung đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm hay đào tạo tại chỗ để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Ông Phan Anh nói: “Tôi cho rằng giáo viên các môn học phải có trách nhiệm trang bị năng lực, khả năng dạy trải nghiệm sáng tạo chứ không đẩy học sinh vào một môn học khác để học trải nghiệm sáng tạo”.

Góp ý chung về Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể, ông Phan Anh còn cho rằng việc phân chia khái niệm về môn học trong dự thảo chương trình nên dễ hiểu hơn, như hiện nay còn lủng củng, các khái niệm như tự chọn, bắt buộc, tự chọn bắt buộc, bắt buộc có phân hóa… khiến người đọc, người học thấy bị rối.

Chúng ta có thể tổ chức lại, chỉ chia thành 2 loại là bắt buộc và tự chọn. Trong các môn bắt buộc sẽ chia thành các nhóm, mô đun 1 là môn học bắt buộc phải học, mô đun 2 môn học bắt buộc có phân hóa với nội dung cụ thể.

Tháng 4/2018 sẽ có sách giáo khoa theo chương trình giáo dục mới

Bên cạnh làm chương trình tổng thể thì chương trình các môn học cụ thể cũng được xây dựng song song. Cho đến thời điểm này, về cơ bản các môn đã định hình. Theo kế hoạch, tháng 5/2017, bản dự thảo lần một chương trình môn học sẽ được trình cho Hội đồng thẩm định quốc gia về môn học. Tháng 9/2017, chương trình môn học được ký duyệt công bố cùng văn bản chương trình tổng thể.

Để thực hiện đúng tiến độ theo yêu cầu của Nghị quyết 88 của Quốc hội thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có biên soạn một bộ sách giáo khoa. Dự kiến, đến tháng 4/2018 sẽ có sách giáo khoa mới lớp 1 và lớp 6 để tập huấn giáo viên và triển khai trong năm học 2018-2019.

N.A

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Nên bắt đầu định hướng nghề từ lớp 8

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO