Dự thảo Luật Quy hoạch: Chưa làm rõ vai trò của quy hoạch xây dựng

M.Loan (ghi) 30/03/2017 14:23

Bàn về dự án Luật Quy hoạch đang được lấy ý kiến, ông Nguyễn Thành Hưng, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cho rằng chỉ nên xây dựng luật khung, trên cơ sở loại bỏ bớt những quy hoạch thừa.

Ông Nguyễn Thành Hưng đánh giá, việc ban hành Luật Quy hoạch là rất cần thiết; tư tưởng chỉ đạo của Trung ương, của Quốc hội cũng như hành động của Chính phủ rất rõ. “Chúng ta cần xây dựng một Luật Quy hoạch mang tính khung, Luật này sẽ hệ thống lại tất cả quy hoạch, hệ thống lại, sắp xếp lại để làm sao không trùng lặp, không mâu thuẫn với nhau. Các quy hoạch không cần thiết sẽ được loại bỏ. Ví dụ như quy hoạch sản phẩm - sản phẩm theo kinh tế thị trường và có biến động thì không cần phải quy hoạch…”.

Nhưng, ở góc độ một chuyên gia trong quy hoạch xây dựng, ông Hưng đánh giá, “công tác quy hoạch xây dựng chúng ta tiến hành rất lâu, từ năm 1956 của thế kỷ trước. Từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, Bộ Xây dựng đã bắt đầu ban hành những văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch. Và cho đến nay hơn 20 năm, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng cơ bản đã hoàn thiện và luôn được chỉnh sửa theo định hướng của Đảng, của Nhà nước và luôn được cập nhật lý thuyết quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị của trên thế giới.”

“Tuy nhiên, lần này trong Dự thảo Luật Quy hoạch, tôi chưa thấy rõ vai trò của quy hoạch xây dựng (QHXD)” - ông Hưng nói và giải thích thêm: Chúng ta biết rằng, tất cả cơ sở hạ tầng của xã hội, của cả vật chất sẽ là đầu tư cho những công trình xây dựng cơ bản. Do vậy, vai trò của quy hoạch xây dựng cần được Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ để nhìn thấy được hình ảnh của quy hoạch xây dựngtrong bộ Luật này.

Ông Hưng cũng cho biết: Về các văn bản pháp luật, hơn 20 năm ngành Xây dựng hoàn thiện các quy định, văn bản pháp luật để phục vụ công tác QHXD. Chúng ta có hai bộ luật là Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các Nghị định rất nhiều như Nghị định 44, Nghị định 72 (bây giờ thay bằng Nghị quyết của Thường vụ QH), Nghị định 37, Nghị định 38 và hàng loạt các Thông tư, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn… Đây là cơ sở pháp lý rất quan trọng để lập nên đồ án quy hoạch và quản lý đồ án quy hoạch.

Ngoài ra, trong suốt quá trình lịch sử đó, thế giới cũng biến động và phương pháp luận của quy hoạch cũng biến động, chúng ta cũng phải tiếp tục cập nhật của thế giới để hoàn thiện cho đến ngày hôm nay.

“Đến hôm nay, Bộ Xây dựng cùng tất cả các chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị cũng đều thấy ngay trong quy hoạch xây dựng, chúng ta vẫn phải tiếp tục đổi mới. Do vậy, khi chúng ta có nền tảng tốt về văn bản pháp luật, về kinh nghiệm thực tiễn, về con người, về rất nhiều yếu tố hỗ trợ thì chúng ta nên đẩy mạnh những cái đã có làm nền tảng để đẩy mạnh lên. Không thể nói rằng thời gian qua không làm được gì. Xây dựng từ một nền tảng tốt hơn là xây dựng từ đầu”, Phó Viện trưởng Hưng nói.

Góp ý về cách chỉnh sửa cho dự án Luật Quy hoạch, ông nói: Theo báo cáo của cơ quan thẩm tra của Quốc hội thì dự thảo luật này ảnh hưởng đến 32 luật, rất nhiều chuyên gia cũng nói rằng không chỉ dừng lại ở 32 luật mà còn lên đến trên 50 luật. Quan điểm của tôi như thế này, việc một bộ luật phủ lên rất nhiều bộ luật khác, khiến 50 luật khác cần phải thay đổi, dù thay đổi rất nhỏ câu chữ hoặc thay đổi những điều những khoản, thậm chí thay đổi cả những chương và hệ thống pháp luật đi theo như Nghị định, thông tư… thì chúng ta phải cực kỳ thận trọng.

Thứ hai, theo ông Hưng, để giải quyết vấn đề này chúng ta cần phải có cái nhìn khách quan từ các Bộ, vì hơn ai hết các Bộ là nơi nắm được, hệ thống quy hoạch thừa gì, thiếu gì và Chính phủ sẽ chỉ đạo các Bộ cần loại bỏ bớt những quy hoạch thừa mà các Bộ đang quản lý, còn lại những quy hoạch mấu chốt của các Bộ. Khi đó, Luật Quy hoạch có vai trò rất lớn, Luật sẽ hệ thống lại, sắp xếp thứ tự trước sau. Đấy là cách giải quyết căn cơ nhất.

“Theo tôi để đặt một tham vọng quá lớn hoặc giải quyết quá lớn đồng bộ quy hoạch trong cả nước trong vài năm mà theo dự thảo trình bày thì khoảng năm 2019, nghĩa là khoảng chưa đến 3 năm nữa đã đi vào thực tiễn rồi, tôi đánh giá là rất khó. Nên chăng, luật này ban hành những khung giống như một Bộ luật khung, như UBTV Quốc hội đã từng chỉ đạo trong rất nhiều cuộc họp, chỉ cần sắp xếp lại các quy hoạch cho thật logic, loại bỏ quy hoạch thừa, cấu trúc lại để hệ thống quy hoạch không còn trùng lặp, tận dụng tốt các quy hoạch đang có giá trị rất cao về mặt thực tiễn thì hiệu quả của Bộ luật sẽ đi sâu vào thực tế. Nếu đi sâu quá vào vấn đề kỹ thuật, tôi e rằng sẽ có những vướng mắc về sau”- ông Hưng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Luật Quy hoạch: Chưa làm rõ vai trò của quy hoạch xây dựng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO