Đưa cổ phần hóa vào thực chất

H.Hương 16/12/2016 09:50

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Việc chậm trễ niêm yết doanh nghiệp cổ phần hóa trong thời gian qua là có thật dù các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ về yêu cầu phải đưa cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa lên giao dịch tại hệ thống giao dịch UPCoM. Tại Hội nghị, ông Phạm Hải An, Phó trưởng Phòng đổi mới sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, các văn bản quy định rõ ràng nhưng doanh nghiệp chây ỳ niêm yết.

Cụ thể trong Thông tư số 115/2016/TT-BTC (Thông tư 115) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 196/2011/TT-BTC ngày 26/12/2011 đã quy định rất rõ: DN sau cổ phần hóa chỉ phải hoàn thiện một bộ hồ sơ duy nhất gửi đồng thời cho sở Giao dịch Chứng khoán, trung tâm lưu ký và sàn giao dịch chứng khoán. Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM.

Sở GDCK, nơi tổ chức đấu giá gửi Trung tâm Lưu ký (VSD), Sàn GDCK Hà Nội (HNX) văn bản thông báo giá thanh toán bình quân kèm danh sách người sở hữu cổ phần trúng đấu giá đã được thanh toán. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần trúng đấu giá, DN CPH có trách nhiệm báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) và công bố thông tin về kết quả bán cổ phần kèm theo xác nhận của ngân hàng thương mại nơi mở tài khoản về số tiền thu được từ đợt đấu giá…

Không những các thủ tục hướng dẫn đường “đường lên sàn” cụ thể mà chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Nghị định 145/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/12 cũng rất rõ ràng. Hành vi chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán có mức phạt cao nhất tới 400 triệu đồng, nếu doanh nghiệp dù vô tình hay cố ý chậm niêm yết đều bị xử phạt.

Theo thống kê của ông Phạm Hải An, hiện vẫn gần 400 DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên hệ thống giao dịch UPCoM theo quy định hiện hành vì nhiều lý do khác nhau. Từ đây dẫn đến thực tế các nhà đầu tư đã mua cổ phần của các DN nói trên qua thị trường tự do, thị trường phi tập trung (OTC) song lại không có kênh chuyển nhượng chính thức, phát sinh nhiều vi phạm, tranh chấp.

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán cho biết: với trường hợp doanh nghiệp nêu lý do chậm lên sàn vì yếu tố khách quan thì Ủy ban Chứng khoán sẽ xem xét lý do doanh nghiệp đưa ra để có hướng xử lý. Tuy nhiên nếu xác định doanh nghiệp có lỗi chủ quan thì vẫn thực hiện theo quy định.

Theo các chuyên gia, việc đưa thông tin thiếu minh bạch công khai, không chỉ đặt ra nghi vấn về lợi ích nhóm mà còn hạn chế sự tham gia của các chính nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tâm lý e ngại khiến nhà đầu tư ngoại chùn bước rót vốn vào Việt Nam.

Đại diện Công ty Chứng khoán Sài Gòn-Hà Nội cho rằng, việc ban hành Thông tư 115 và Nghị định 145 là thay đổi mang tính kỹ thuật nhưng đã tạo hiệu ứng nhất từ trước đến nay của cơ quan quản lý về CPH DNNN, giúp DN tự động thực hiện đăng ký giao dịch trên UPCoM, góp phần tăng cường tính thực thi của pháp luật; khắc phục tình trạng các DN đã CPH nhưng chậm trễ niêm yết trên TTCK mà không cần dùng các chế tài và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành khác; tăng tính minh bạch của DN, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; phù hợp tiến trình cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đưa cổ phần hóa vào thực chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO